Cây "Vũ trụ" trong lễ hội "Mùa măng mọc" của người Khơ Mú

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - Dân tộc Khơ Mú, dân số không đông. Phần lớn bà con định cư tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn. Cũng như các dân tộc khác, người Khơ Mú nơi đây vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng của riêng mình. Hàng năm, họ vẫn có những lễ hội tiêu biểu, trong đó phải kể đến lễ hội "Mùa măng mọc" (pang-a-nựu-tbăn) đơn giản, ít tốn kém nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về nghi thức, về tổ chức cũng như về văn hóa nghệ thuật.

Trung tâm của lễ hội này là cây quấn hoa (theo cách gọi thông thường). Thực chất, đây chính là cây "Trời - Đất" theo cách hiểu và giải thích nôm na của bà con Khơ Mú. Còn góc nhìn của những người nghiên cứu văn hóa, đó chính là một loại cây "vũ trụ" mới đầy đủ ý nghĩa. Thật vậy, gọi là cây "vũ trụ" vì xuất phát từ ý thức mạnh mẽ của họ muốn chiếm lĩnh thiên nhiên bao la đang nảy nở, muốn chính mình chiếm cả ánh sáng mặt trời, cả đất đai hồi sinh đã cho họ cuộc sống diễn ra hàng ngày. Chính vì cách nghĩ ấy mà quanh cây "vũ trụ", người Khơ Mú treo, cắm rất nhiều hoa, lá. Họ buộc vào đấy đủ loại ngũ cốc, củ, quả, thậm chí cả một số hình nộm đan bằng tre nứa nhuộm màu hình lợn, hình gà hay các giống chim, cá v.v...

 

Lễ hội "Mùa măng mọc" hình thành từ xa xưa, từ thực tiễn đời sống khó khăn. Mùa xuân hàng năm, khi cây vầu đắng đội đất mọc lên những ngọn măng non, khi những hoa pót đỏ tươi, hoa mạ màu vàng, hoa vông đỏ chót hay khi những con chim tgoóc thi nhau líu lo thì cũng là lúc làng bản tổ chức vào hội.

Lễ hội "Mùa măng mọc" được thầy lang, già làng, đôi khi là người được cộng đồng cử ra tổ chức. Hội có 2 phần, lễ và hội.

 

Phần lễ được chuẩn bị chu đáo về thủ tục, các loại vật sống cần có trong lễ, còn lại là các loại hoa rừng trang trí, các dụng cụ cần thiết như túi để các hạt thóc, ngô, đậu đỗ. Các giỏ để củ quá, các hình nộm gia súc, gia cầm, chim muông... Khi những thứ này hoàn tất, treo buộc quanh cây thì cây trở thành trung tâm, là vật để tiến hành nghi thức lễ và hội. Theo bà con Khơ Mú, sở dĩ họ tồn tại được là nhờ đất trời, thiên nhiên. Đất trời thiên nhiên luôn sinh sôi, nảy nở ra muôn vật, muôn loài nuôi sống họ. Vì vậy, cây ở đây được hiểu là thiên nhiên, là đất trời. Nói đúng hơn là vũ trụ. Ở đó không chỉ có hoa có lá mà còn có tất cả động vật, thực vật. Do quan niệm này mà ý nghĩa phồn thực biểu hiện rõ rệt, lấn át cả yếu tố thần linh. Sau cùng, ta cũng thấy sự hiện diện của cây "vũ trụ", phản ánh biểu tượng văn hóa, nghệ thuật độc đáo mà chỉ có ở tộc người Khơ Mú.

 

Cây "vũ trụ" được chọn xưa kia là cây móc hoặc cây chuối (bỏ bớt lá, để cậng). Bây giờ được thay bằng những cây nhiều cành nhỏ, thân dáng của cây được chọn đẹp hơn, khỏe hơn như cành mai, cành đào... dễ cắm, treo những vật kể trên.

 

Hành lễ quanh cây "vũ trụ", trước hết là bày tỏ lòng tri ân, cảm tạ các vị thần (người được cả cộng đồng tôn thờ); sau là những lời cầu xin sự che chở cho làng bản, gia tộc, con cháu... Khi màn "độc diễn" của người chủ lễ kết thúc là phần hội. Mở đầu, bao giờ cũng là màn múa "tăng bu", một điệu múa rộn ràng, mạnh mẽ. Đạo cụ chỉ là những ống tre trổ xuống sàn gỗ theo nhịp "chát, chát, chát". Tay người múa lúc vung ra sau, lúc cả 2 tay cầm ống tre nghiêng phải, nghiêng trái. Say sưa, linh hoạt, mềm dẻo nhất vẫn là các cô gái (điệu múa này đã được nhiều đơn vị nghệ thuật trong tỉnh dàn dựng, đưa lên sân khấu). Sau "tăng bu" là múa khăn, múa trống, múa cầu mưa...

 

Trong lễ hội, quanh cây "vũ trụ", con trai, con gái Khơ Mú say sưa trong vũ điệu tập thể như xe cắp, hưn mạy. Âm thanh, tiết tấu những ống tre, ống nứa vỗ vào lòng bàn tay hoặc dỗ xuống ván gỗ, sàn nhà vọng vang như tiếng suối xa, như khúc nhạc rừng.

 

Lễ hội "Mùa măng mọc" mà tâm điểm là cây "vũ trụ" vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đến với lễ hội, đến với cây "vũ trụ" là để cảm tạ đất trời, tổ tiên, sông núi luôn phù giúp con cháu ăn nên làm ra; là đến với một ý nghĩa, một mốc thời gian; là dịp gặp gỡ dân tộc để ôn lại truyền thống, trao đổi thông tin, kinh nghiệm làm ăn. Ở đó, con người gửi gắm qua biểu tượng cây "vũ trụ" những hy vọng, ước mong cho một mùa lao động sản xuất bội thu, góp phần cùng các dân tộc khác phát triển kinh tế trên quê hương Yên Bái.

 

Bùi Huy Mai

Các tin khác
(Ảnh: Lê Tuấn)

YBĐT - Đó là một miền quê như bao miền quê khác trên dải đất Việt Nam thân yêu này nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ với chiếc cổng làng mà những người phụ nữ xưa ở quê tôi ít khi có dịp bước qua; là lũy tre xanh xào xạc những trưa hè; là con đường làng xếp gạch quanh co do những người dân quê tôi đóng góp mà làm nên và là tất cả những gì mà mỗi khi nhớ lại, tôi đều thấy thân thương quá đỗi.

Một cảnh trong lễ hội Chá Chiêng của người Thái (Mai Châu - Hoà Bình).

YBĐT - Lễ hội Chá Chiêng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Thái ở huyện Mai Châu - tỉnh Hòa Bình. Lễ hội được hình thành từ xa xưa do việc có nhiều bà con trong cộng đồng chịu ơn với ông Mùn trong bản.

Lễ cưới của dân tộc Dao đỏ (Lao Cai).

YBĐT – Là tỉnh có 25 dân tộc anh em chung sống, nhiều năm qua Lào Cai đã chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nỗ lực của ngành Văn hóa – Thông tin cùng sự quan tâm của tỉnh đã góp phần làm nên bản sắc riêng của Lào Cai.

Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam xem hiện vật tại trung tâm văn hóa huyện Lục Yên.

YBĐT - Ngày 26/11, tại huyện Lục Yên, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học giá trị lịch sử - văn hóa di tích Hắc Y. Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh; Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì hội thảo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục