Mẹ trong thơ Xuân Thưởng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dung dị, chân thành và cảm động - đó là nội dung xuyên suốt của các bài thơ trong tập thơ "Tình quê" của Câu lạc bộ Đồng hương Nam Hà. Điều đọng lại sau khi đọc là tình quê ấm áp; là quê hương yêu dấu với mẹ cha, gia đình, những người thân yêu, bạn bè thuở ấu thơ; là hình ảnh bến nước, con đò, ao làng… và cũng để đầy thêm nỗi niềm, nỗi nhớ quê da diết.

Với tôi, bài thơ "Khóc mẹ - Lời ru" của tác giả Xuân Thưởng để lại ấn tượng sâu đậm.

 

"Con về khóc mẹ lời ru

À ơi! Nấm mộ ngàn thu nơi này

Dưới sâu, một dáng vai gầy

Lưng phơi nắng hạ, chân cày đất nâu

Chiều đông mẹ cấy đồng sâu

Rét như cắt ruột, con đâu biết gì

Lớn khôn - Mẹ đã ra đi

Hạc xanh dẫn lối mẹ về trời cao

Biết tìm bóng mẹ nơi nao?

Lòng thương, nỗi nhớ gửi vào lời ru".

 

Tình thơ là nỗi nhớ thương, tình yêu không có giới hạn của một người con dành cho người mẹ hiền đã yên nghỉ ngàn thu. Đức hy sinh, sự lam lũ và tần tảo của bà mẹ tác giả trong bài thơ cũng chính là nét chung tiêu biểu của các bà mẹ trên khắp dải đất mang hình chữ S này. Quê hương Nam Hà là một vùng chiêm trũng, ruộng chằm trồng cấy khó khăn. Cái cảnh chiều đông cấy ruộng chằm, đôi vai gầy của mẹ, cái lạnh thấu xương được tác giả thể hiện bằng những hình ảnh chân thực và cả bằng sự cảm nhận của tình yêu thương với mẹ. Nỗi bộn bề toan lo mọi công việc đồng áng của mẹ dường như không lúc nào vơi nên người con vẫn luôn thấy hình ảnh mẹ:

 

 "Dưới sâu, một dáng vai gầy

Lưng phơi nắng hạ, chân cày đất nâu

Chiều đông mẹ cấy đồng sâu

Rét như cắt ruột...".

 

Và lời thơ còn mang cả một niềm day dứt, ân hận, xót thương: "Chiều đông mẹ cấy đồng sâu/Rét như cắt ruột, con đâu biết gì". Có lẽ, sự day dứt ấy không bao giờ nguôi ngoai bởi suốt đời mẹ chân lấm tay bùn; bởi cả cuộc đời mẹ không bao giờ đòi hỏi một sự bù đắp hay trả công nào; bởi mẹ chỉ mong các con mẹ khôn lớn, trưởng thành mà nhận về mình tất cả nỗi gian truân, khó nhọc cho đến tận khi mẹ ra đi mãi mãi...

 

 Mới chỉ đọc thơ, chưa hề gặp mặt nhưng tôi cứ đinh ninh rằng, tác giả là một người con rất hiếu thuận. Bởi lẽ, đọc thơ của ông là thấy chứa chan tình, tình yêu của một người con đối với đấng sinh thành. Bởi lẽ, tình mẫu tử muôn đời cứ mãi có được sự đồng cảm sâu sắc và chân thành nhất của mọi người."Biết tìm bóng mẹ nơi nao?/Lòng thương, nỗi nhớ gửi vào lời ru". Mẹ đã ra đi không bao giờ trở lại nên mọi niềm thương nỗi nhớ con lại gửi vào lời ru - lời ru mà ngày nào mẹ đã ầu ơ bên vành nôi con, bồi đắp và nuôi dưõng tâm hồn con - mong mẹ giấc ngủ thiên thu an lành.

 

Lời thơ mượt mà, nhẹ nhàng, ngọt ngào như lời hát ru với thể thơ lục bát truyền thống của "Khóc mẹ - Lời ru" đã làm xúc động, khơi gợi tình cảm. Bài thơ nhỏ nhưng nghĩa tình dào dạt, nặng sâu và đi vào lòng người thật giản dị, đồng cảm.

 

Thanh Thủy

Các tin khác

Dân tộc Khơ Mú, dân số không đông. Phần lớn bà con định cư tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn. Cũng như các dân tộc khác, người Khơ Mú nơi đây vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng của riêng mình. Hàng năm, họ vẫn có những lễ hội tiêu biểu, trong đó phải kể đến lễ hội "Mùa măng mọc" (pang-a-nựu-tbăn) đơn giản, ít tốn kém nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về nghi thức, về tổ chức cũng như về văn hóa nghệ thuật.

(Ảnh: Lê Tuấn)

YBĐT - Đó là một miền quê như bao miền quê khác trên dải đất Việt Nam thân yêu này nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ với chiếc cổng làng mà những người phụ nữ xưa ở quê tôi ít khi có dịp bước qua; là lũy tre xanh xào xạc những trưa hè; là con đường làng xếp gạch quanh co do những người dân quê tôi đóng góp mà làm nên và là tất cả những gì mà mỗi khi nhớ lại, tôi đều thấy thân thương quá đỗi.

Một cảnh trong lễ hội Chá Chiêng của người Thái (Mai Châu - Hoà Bình).

YBĐT - Lễ hội Chá Chiêng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Thái ở huyện Mai Châu - tỉnh Hòa Bình. Lễ hội được hình thành từ xa xưa do việc có nhiều bà con trong cộng đồng chịu ơn với ông Mùn trong bản.

Lễ cưới của dân tộc Dao đỏ (Lao Cai).

YBĐT – Là tỉnh có 25 dân tộc anh em chung sống, nhiều năm qua Lào Cai đã chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 (khoá VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nỗ lực của ngành Văn hóa – Thông tin cùng sự quan tâm của tỉnh đã góp phần làm nên bản sắc riêng của Lào Cai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục