Một chút hồn quê
- Cập nhật: Thứ tư, 12/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Con sông Hồng như dòng máu mà muôn hạt phù sa là những hồng cầu bền bỉ thầm lặng bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ. Phía mặt trời mọc là núi Hùng sừng sững trong mây. Ngôi đền Mẹ Âu Cơ hiền từ, ấm áp.
Quê hương thanh bình. (Ảnh: Thu Trang)
|
-Không đâu bằng quê hương của mình cháu ạ!
Giá như nghe câu nói ấy từ người khác, tôi còn nghĩ ngợi. Còn đây là từ chú tôi, người mà tôi vô cùng yêu quý và kính trọng. Ông năm nay đã gần bảy mươi tuổi, khuôn mặt cương nghị, phong sương, mái tóc đã bạc trắng như cánh đồng khô hạn, đôi mắt lấp lánh như hai đốm lửa chứa chất bao điều, tôi hiểu câu nói đơn giản ấy được chắt ra từ cả cuộc đời sau những chặng đường bôn ba sóng gió.
Gần nửa cuộc đời, chú tôi là chuyên gia dạy tiếng Pháp ở nước ngoài, mỗi năm chỉ về phép hai tháng. Thời gian ngắn ngủi ấy chú tôi đi thăm gia đình, bè bạn, dù đi đâu ông cũng dành nhiều thời gian sống ở quê, dù nhà riêng ông ở Hà Nội. Mấy anh em tôi thương ông, luôn tạo điều kiện để ông được sống trong một bầu không khí gia đình ấm cúng.
Dòng họ Trần Đình chúng tôi vốn là hậu duệ của danh tướng Trần Nguyên Hãn, từ Yên Lạc lên định cư ở Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ đến thế hệ tôi đã được bảy đời. Con sông Hồng như dòng máu mà muôn hạt phù sa là những hồng cầu bền bỉ thầm lặng bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ. Phía mặt trời mọc là núi Hùng sừng sững trong mây. Ngôi đền Mẹ Âu Cơ hiền từ, ấm áp. Mỗi con đường nhỏ, mỗi bến sông, mỗi nếp nhà mái cọ hiền lành, hương lúa, hương chè, vị khoai đậm đà, dịu ngọt, nuôi dưỡng mỗi chúng tôi khôn lớn và từ lúc nào đã trở thành những kỷ niệm không phai, di dưỡng nâng đỡ mỗi chúng tôi trên đường đời, như cuống nhau nối liền với Mẹ.
Mỗi lần về quê, chú thường rủ tôi đi cùng. Bố tôi là trưởng, chú hơn tôi mười hai tuổi, gần gũi thân thiết từ nhỏ. Lần này, chú đem về một ca-mê-ra, yêu cầu tôi quay theo một "kịch bản" của chú. Từ cánh đồng mênh mông lúa mơn mởn đang thì con gái, những thân cọ khỏa lòng tay lên trời biếc, bến sông đây bồi kia lở, khu nhà xưa nơi bao thế hệ gia đình chúng tôi đã sinh ra và lớn lên; từng giọt sương ngưng sóng sánh trên lá sen tơ; từng hõm đá mòn vẹt theo thời gian; khu mộ tổ uy nghiêm, thân thuộc; từng khuôn mặt gia đình, dòng họ... Chú tôi xúc động lắm:
-Nay mai sang bên đó, mỗi lúc nhớ quê chú sẽ mở ra xem.
Nhìn ra phía ngàn xanh, nơi một thời bố mẹ tôi cùng các cô chú đã phải lao khổ chặt nứa, mót sắn... đổ cả mồ hôi và máu để vượt cơn sóng gió khi đất nước còn khó khăn, ông trầm ngâm:
-Trong cuộc đời, chú có không ít cơ hội định cư ở nước ngoài, nhưng chú không làm điều đó. Sang năm tròn bảy mươi tuổi, chú sẽ về nước, dù nước bạn tha thiết giữ lại. Càng sống lâu ở nước ngoài, càng thấy quê hương, đất nước máu thịt lắm cháu ạ!
Bây giờ ở quê vật chất cũng khá đầy đủ, nhưng chú tôi yêu cầu được ăn dưa sắn om cá trê, cá rô đồng kho tương, dưa kiệu. Thấy vậy, cô tôi - người gắn bó cả đời với đồng ruộng quê hương đùa:
-Chú ôn nghèo nhớ khổ đấy à?
Chú tôi không trả lời, khóe mắt rưng rưng xúc động khiến tôi nao lòng với một sự đồng cảm sâu sắc.
Hôm chuẩn bị trả phép, chú tôi tất bật lựa chọn các món quà quê để đem đi, ấy vậy mà chú vẫn nhắc tôi:
-Nhớ bảo các em gói cho chú ít hạt rau giống, không được quên đâu đấy!
Tôi quên sao được khi đã từng nghe chú tâm sự:
-Chú trồng một vườn rau Việt, hàng ngày hết giờ làm việc ra vun xới, tưới tắm cho vơi nỗi nhớ.
Chuyện chỉ có thế mà mãi về sau tôi cứ hình dung chú tôi mái tóc bạc trắng đang cắm cúi giữa khu vườn mang chút hồn quê, mắt đau đáu dõi về phía trời xa - nơi có lũy tre làng và cánh cò bay ra từ lời ru của mẹ...
V.H
Các tin khác
YBĐT - Đầu tháng 12/2007, xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) đã tổ chức ra mắt xây dựng xã văn hóa (giai đoạn 2007 - 2012).
YBĐT - Dung dị, chân thành và cảm động - đó là nội dung xuyên suốt của các bài thơ trong tập thơ "Tình quê" của Câu lạc bộ Đồng hương Nam Hà. Điều đọng lại sau khi đọc là tình quê ấm áp; là quê hương yêu dấu với mẹ cha, gia đình, những người thân yêu, bạn bè thuở ấu thơ; là hình ảnh bến nước, con đò, ao làng… và cũng để đầy thêm nỗi niềm, nỗi nhớ quê da diết.
Dân tộc Khơ Mú, dân số không đông. Phần lớn bà con định cư tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn. Cũng như các dân tộc khác, người Khơ Mú nơi đây vẫn giữ những nét văn hóa đặc trưng của riêng mình. Hàng năm, họ vẫn có những lễ hội tiêu biểu, trong đó phải kể đến lễ hội "Mùa măng mọc" (pang-a-nựu-tbăn) đơn giản, ít tốn kém nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về nghi thức, về tổ chức cũng như về văn hóa nghệ thuật.
YBĐT - Đó là một miền quê như bao miền quê khác trên dải đất Việt Nam thân yêu này nhưng lại mang những nét đặc trưng riêng của miền quê đồng bằng Bắc Bộ với chiếc cổng làng mà những người phụ nữ xưa ở quê tôi ít khi có dịp bước qua; là lũy tre xanh xào xạc những trưa hè; là con đường làng xếp gạch quanh co do những người dân quê tôi đóng góp mà làm nên và là tất cả những gì mà mỗi khi nhớ lại, tôi đều thấy thân thương quá đỗi.