Chợ phiên – nét đẹp vùng cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/12/2007 | 12:00:00 AM

Diễn ra một tuần một lần, cũng có thể một tháng một lần, tuỳ từng địa phương, chợ phiên chính là nơi bộc lộ rõ nhất bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc miền núi vùng Tây Bắc.

Đã thành truyền thống, cứ đến ngày chợ họp thì không kể là ai, giàu sang hay nghèo khó, đều cố gắng có mặt như một lời hẹn ước. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, đồng bào các dân tộc quanh vùng đã nô nức xuống chợ. Những cô gái Thái, những cô gái H'mông trong những bộ váy áo sắc sỡ; những chàng trai trẻ người Khơ Mú bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người dắt ngựa, hàng hoá đủ cả, từ ngô, thóc, thảo quả, cá tôm...

 

Chợ là một khu đất rộng, nằm ngay dưới chân núi, nơi có nhiều thuận lợi về giao thông, để cho “người bản xa, bản gần, bản trên núi, bản dưới xuôi” cũng đều đến được. Những người đi chợ có thể đi bộ, cưỡi ngựa hoặc đi xe máy, nếu có điều kiện, nhưng hầu hết đều phải chuẩn bị từ rất sớm. Ngay từ đêm, lúc bản làng còn chìm trong giấc ngủ, thì những người xuống chợ đã phải thức dậy và chuẩn bị mọi thứ, dù là ít ỏi, để lên đường cho kịp phiên chợ.

 

Tại chợ phiên, người bán người mua tấp nập, nhưng vui vẻ, không hề có sự bon chen hay tranh giành giá cả như ở dưới xuôi. Người ta cũng không nói thách nhiều. Có thể dễ dàng nhận ra sự hồn nhiên, mộc mạc, ít mánh khoé toan tính trong thói quen mua bán của những cư dân vùng cao này. Họ mua hàng thường nhằm vào chất lượng, hoặc sở thích. Nếu ưng một món đồ nào đó, thường họ xem rất kĩ sau đó mới hỏi giá, nếu giá hơi cao so với túi tiền, họ có thể trả thấp hơn một chút, nhưng nếu chất lượng món đồ làm vừa lòng họ, họ cũng không hề mặc cả.

 

Ấy là một nét đẹp mà không phải ở đâu cũng có. Người ta đến chợ phiên không đề cao tính thương mại. Hàng hoá đôi khi chỉ là một sọt rau, một bao đỗ, một lít rượu, một ít mật ong, cũng có người mang đến một con bò, một đôi lợn, con gà… Bán được hay không không mấy quan trọng. Có người đi cả nửa ngày đường đến chợ chỉ để mua một đôi pin, hoặc một vài nhu yếu phẩm cần thiết khác, cũng có người chỉ đi bán một con gà, hoặc đơn giản chỉ ăn một bát phở. Tất nhiên cũng không hiếm những người chỉ đến vì mục đích đi chơi hay gặp lại bạn bè, người yêu, mong ôn lại chút tình xưa cũ.

 

Ngoài việc trao đổi hàng hoá, các cư dân trong vùng coi chợ phiên là dịp người thân, bạn bè, anh em gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu tình cảm, nắm bắt thông tin. Bên quán rượu nhỏ, họ có thể nói với nhau về thời tiết, về giá cả, về mùa màng thu nhập, hoặc đơn giản chỉ để thư giãn vui chơi sau những ngày lao dộng vất vả. Cũng có người đi chợ mang theo cả Khèn, cả Radio, để vừa mua bán, vừa mở đài hay thổi Khèn cho vui. Trong một không khí thân mật gần gũi, ai nấy đều tỏ ra vui vẻ và dễ hoà đồng.

 

Trong một phiên chợ, chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều dân tộc với nhiều nét văn hoá khác nhau, như Thái, Khơ Mú, Mông, Dao và cả người Kinh nữa. Mặc dù các sản phẩm đem đến bán đều có chung một nguồn gốc là nông, lâm, thổ sản, nhưng với mỗi dân tộc lại mang một màu sắc khác nhau. Với người Thái, do ở dưới thấp, gần gũi người Kinh, nên hàng hoá họ đem đến chủ yếu lầ các mặt hàng thực phẩm, gia vị như cá, lươn, măng tươi; các loại rau thơm, hành tỏi, ớt, mắc khén và nhiều món ăn chín đậm đà bản sắc như cá nướng, cơm lam…Người Khơ Mú thì “chuyên” các đồ khô như ớt khô, măng khô và các sản phẩm rừng núi như mây, giang và tranh lợp nhà - một thứ hàng chỉ riêng có ở người Khơ Mú. Cỏ tranh được cắt ngắn, phơi khô, đánh thành phên rồi gùi xuống chợ. Trong khi đó những người Mông lại mang đến những đặc sản ở vùng núi cao như cánh kiến, thảo quả, đậu tương…

 

Đặc biệt nhất phải kể đến “lợn cắp nách”“gà chạy bộ” - một trong những đặc sản rất nổi tiếng và được nhiều thực khách ưa chuộng trong thời gian gần đây. Sở dĩ gọi “lợn cắp nách” vì giống này được thả rông, nhỏ con, nhưng thịt thơm, nhiều nạc, ít mỡ; gọi “gà chạy bộ” vì thả trên núi, ăn như chim rừng, khi nấu lên có mùi vị rất riêng.

 

Đến chợ, mọi người còn có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của người phụ nữ qua các trang phục đặc trưng riêng của từng dân tộc. Người Thái có khăn Piêu, áo Cóm; người Mông có váy xoè 3 tầng sắc sỡ; người Dao riêng biệt với chùm “gủi nhúi” (giống như một chùm chỉ ngũ sắc) trước ngực và còn rất nhiều vật trang trí khác như vòng bạc, đồng tiền, các loại kim tuyến tua rua trên khăn và trên vòng cổ của các thiếu nữ Hà Nhì.

 

Bên cạnh đó, chợ phiên còn là nơi hẹn hò gặp gỡ của biết bao chàng trai cô gái người dân tộc. Qua tiếng khèn, tiếng tiêu, kèn môi, kèn lá, qua những bát rượu ướp men lá rừng, rất nhiều người trong số họ đã nên chồng nên vợ. Tất nhiên cũng không tránh khỏi có những cặp vì lý do này khác mà không đến được với nhau, đành lấy chợ phiên làm nơi gặp gỡ, nơi “tình yêu luôn như bát nước đầy”, nơi ôn lại kỷ niệm xưa. Ở đó họ tha hồ tâm sự với nhau về những khó khăn trong cuộc sống, được uống cùng nhau bát rượu, để khóc, để cười và rồi lại quyến luyến chia tay ai về bản nấy, lại hẹn chợ sau tái ngộ, tương phùng. Ấy là một nét đẹp mà có lẽ chỉ có mình người dân tộc có và còn giữ được đến ngày nay.

 

Ngoài ý nghĩa thương mại, chợ phiên còn là nơi thể hiện rõ nét những bản sắc văn hoá, những đặc trưng truyền thống, những phong tục tập quán của từng dân tộc  vùng núi cao Tây Bắc. Đó là một nét đẹp mà chúng ta cần chọn lọc, duy trì và phát triển, sao cho chợ phiên Tây Bắc luôn là một điểm hẹn văn hoá trong tiềm thức của mỗi người khi đến thăm mảnh đất này.

 

(Theo Báo Tổ Quốc)

Các tin khác
Ông già Nôel mãi là niềm vui cho trẻ em

YBĐT - An lành, hạnh phúc và yêu thương là 3 từ quen thuộc người ta thường nói đến ngày lễ giáng sinh. Không biết từ lúc nào, ngày lễ giáng sinh đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam đến như vậy. Giáng sinh giờ đây không chỉ là ngày lễ của riêng người công giáo, mà nó đã trở thành một ngày lễ chung cho mọi người thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc và tôn giáo.

Các thành viên Hội đồng thẩm định khảo sát cơ sở vật chất Trường Trung cấp văn hoá nghệ thuật Yên Bái.

YBĐT - Ngày 15/12, tại tỉnh Yên Bái đã diễn ra Hội nghị thẩm định Đề án thành lập Trường Cao đẳng Văn Hoá, Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái.

Năm 2007, Trung tâm Phát hành sách đã nhập và phát hành trên 122.000 bản sách.

YBĐT - Năm 2007, trung tâm Phát hành sách (Sở VH-TT tỉnh Yên Bái) đã nhập và phát hành trên 122.000 bản sách, đạt trên 122% kế hoạch, 85.000 bản văn hóa phẩm, đạt 100% kế hoạch và 45.500 bản lịch các loại với mức doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Quê hương thanh bình. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Con sông Hồng như dòng máu mà muôn hạt phù sa là những hồng cầu bền bỉ thầm lặng bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ. Phía mặt trời mọc là núi Hùng sừng sững trong mây. Ngôi đền Mẹ Âu Cơ hiền từ, ấm áp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục