Tục cúng Tết của người Mông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 4/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Dân tộc Mông gồm nhiều nhóm và có tên gọi khác nhau như Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng, Mông Xanh... Hiện nay ở Yên Bái người Mông cư trú chủ yếu ở hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên.

Múa khèn trong ngày hội truyền thống của đồng bào Mông Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Múa khèn trong ngày hội truyền thống của đồng bào Mông Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Đồng bào Mông thường ăn tết cổ truyền theo lịch riêng của mình, cũng mỗi năm có 12 tháng tính theo âm lịch song đi trước một tháng so với tết Nguyên Đán. Hàng năm cứ đến cuối tháng 11 âm lịch là đồng bào Mông  lại rộn ràng chuẩn bị cho ngày tết của mình. Đến ngày 30 là người Mông đón giao thừa.

Thời điểm này không khí ở bản Mông thật rộn rã, mỗi buổi chiều các ngày 28, 29 và 30, tiếng chày giã bánh dày thình thịch vang khắp cả một vùng rừng núi. Bàn thờ của gia đình, người Mông kiêng không lau chùi bằng giẻ hoặc rửa bằng nước, cũng không được quét dọn bằng chổi chít mà chỉ cho phép quét bằng chiếc chổi tre ba ngọn chủ nhà mới làm, lá tre còn tươi nguyên để giữ cho sạch sẽ, thanh khiết. Bàn thờ của đồng bào Mông thường được bố trí ở gian giữa đối diện với cửa chính, bàn thờ ngày tết dán tờ giấy bản to có trang trí với chiều rộng 30 cm, chiều dài 40cm. Khi cúng tổ tiên, đồng bào dùng các loại  giấy dó, giấy bản cắt thành từng mảnh nhỏ trang trí bằng những hoạ tiết, hoa văn cách điệu hình nhân và hình con vật rất đẹp, dán lên cột nhà chính, dán lên cửa và các dụng cụ, đồ dùng trong gia đình với ý nghĩa là thông báo năm cũ đã qua đi, năm mới đã đến, tất cả mọi người, mọi dụng cụ, đồ dùng, gia súc, gia cầm đều được nghỉ ngơi đón năm mới.

Ngoài thủ tục cúng con gà trống để cúng thần linh trước bàn thờ và bánh dày thờ tổ tiên trong tối 30, sang ngày mồng 1, người Mông tiếp tục cúng tổ tiên bằng thịt con gà mái đã luộc chín và chặt sẵn trong đêm 30 cùng cơm mới nấu trên chiếc bàn đặt ở giữa gian nhà để mời tổ tiên về ăn tết cùng với con cháu, gia đình. Bằng giọng điệu hát cổ, chủ họ hoặc chủ nhà nói rằng: “ Năm cũ qua đi, năm mới đã đến, qua một năm con cháu chúng tôi tích cực lao động sản xuất, nay đã thu hoạch xong để gọn gàng và hôm nay tổ chức đón mừng năm mới. Xin mời tổ tiên ta về để ăn tết cùng và mang đi  hết bệnh tật, rủi ro đến tận chân trời góc biển, không để cho con cháu chúng tôi  ốm đau. Sang năm mới con cháu có sức khoẻ tiếp tục lao động, sản xuất tốt, có nhiều của ăn, của để con cháu lại mời tổ tiên. Xin được phù hộ độ trì...”.

Đến ngày mồng 2 người Mông không phải làm thủ tục mời cơm tổ tiên mà chỉ thắp hương, thắp nến và đón tiếp khách gần xa đến chúc tết cùng những ly rượu nếp thơm lừng với những lời chúc tốt đẹp đầu năm. Sang ngày mồng 3 tết thì tiếp tục cúng tổ tiên bằng bánh dày giã sẵn từ tối 30 và rán lại cho giòn bày lên đĩa. Đối với đồng bào Mông buổi sáng sớm ngày mồng 1 họ kiêng không gọi nhau dậy, cũng từ ngày  mồng 1 đến ngày mồng 2 tết, họ kiêng không ăn hoa quả và rau xanh với dụng ý là: Không đánh thức dậy sâu bọ, chim chóc, muôn thú đến phá hoại mùa màng và cuộc sống trong năm mới. Ngày mồng 3 sau khi đã cúng tổ tiên xong và tiễn đưa tổ tiên về trời họ mới được sử dụng hoa quả, rau xanh.

Đến đây mọi thủ tục thờ cúng tổ tiên của gia đình trong ngày tết truyền thống đã kết thúc nhưng ở ngoài trời, trên mọi sân chơi của bản làng, các trò chơi như thi: tầu tù lu (đánh quay), lải pao (ném còn), lâu cểnh (đẩy gậy), đua ngựa, leo núi sẽ tiếp tục diễn ra và sôi động cho đến tận ngày mồng 6, mồng 7 tết.  

Đức Hồng

Các tin khác
Đám cưới của người Dao đỏ.

Miền núi Tây Bắc Việt Nam có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống với bản sắc văn hoá vùng cao ít nơi nào có được, vì thế luôn hấp dẫn khách du lịch xa gần. Dưới đây là vài nét về những kiểu cầu hôn có một không hai của thanh niên dân tộc ít người ở nơi này.

Nhà sàn của đồng bào Thái Nghĩa Lộ.

YBĐT - Nhà sàn của người Thái cổ Tây Bắc là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng giữa các yếu tố: Thiên - Địa - Nhân, thể hiện một trình độ phát triển cao nhận thức về vũ trụ, về cuộc sống và trình độ thẩm mỹ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

YBĐT - Ngày Tết, mỗi vùng đất khác nhau, mỗi dân tộc cũng có những cách để chia sẻ và bày tỏ những khát vọng sống. Song tất cả đều thể hiện những giá trị tinh thần thiêng liêng và cao đẹp. Tết của người Mông cũng vậy, được bố mẹ cho ra ở riêng, năm nay là cái tết đầu tiên Mùa A Thử ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn phải tự lo liệu mọi thủ tục theo truyền thống của dân tộc mình.

Các chuyên gia khoa học lịch sử, văn hóa đang trao đổi tại Khu di tích chùa Tháp bến Lăn.

YBĐT - Từ năm 2004 đến nay đã 4 lần Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Hắc Y-Đại Cại tại xã Tân Lĩnh (Lục Yên). Cụm di tích này có tới 8 điểm là những phế tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đợt khai quật đầu tiên tại đồi Hắc Y, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những hiện vật của kiến trúc chùa và một tháp đất nung rất lớn mang đặc trưng văn hoá thời Trần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục