Thiên - địa - nhân trong kiến trúc nhà sàn người Thái cổ Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ tư, 2/1/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhà sàn của người Thái cổ Tây Bắc là một công trình kiến trúc tài hoa, hòa đồng giữa các yếu tố: Thiên - Địa - Nhân, thể hiện một trình độ phát triển cao nhận thức về vũ trụ, về cuộc sống và trình độ thẩm mỹ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhà sàn của đồng bào Thái Nghĩa Lộ.
|
Các bản mường của người Thái vùng Tây Bắc thường tập trung bên suối, chân đồi, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình mà mỗi ngôi nhà là một điểm nhấn và là trung tâm của mọi hoạt động.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái cổ Tây Bắc quan niệm vũ trụ ba tầng thông tỏ và giao cảm, mọi hoạt động nếu thuận theo các yếu tố đó sẽ có hiệu quả cao, mà kiến trúc nhà sàn không nằm ngoài quỹ đạo đó.
Thiên: bao gồm quan niệm về vũ trụ, về các thế lực siêu nhiên chi phối mọi hoạt động của con người, cùng với điều kiện sống và phong tục tập quán. Nhà sàn của người Thái cổ Tây Bắc thường có hai đầu hồi khum khum như mai rùa gọi là "Tụp cống", gắn với truyền thuyết thuở khai thiên lập địa, thần rùa đã dạy cho người Thái biết cách làm nhà. Kết cấu kiểu mái này còn làm tăng vẻ đẹp và sự bền vững của ngôi nhà trước thời tiết khắc nghiệt của Tây Bắc. Trên đòn nóc ở hai đầu hồi có trang trí hai thanh gỗ đóng chéo nhau hình chữ X, gọi là "Khau cút". Tùy theo hoàn cảnh gia đình và địa vị xã hội mà "khau cút" có cách trang trí riêng từ đơn giản tới phức tạp. Trên "khau cút" trang trí nhiều hoa văn, họa tiết hình trăng khuyết, hoa sen, búp cây guột... và đều có hoa đực và hoa cái tượng trưng cho âm dương và khát vọng sinh sôi phát triển.
Trong ngôi nhà sàn bao giờ cũng có cột thiêng "sau hẹ". Trên cột thiêng có lồng một giỏ tre tượng trưng cho bầu trời được gọi là "chóp nguôm", trên đó treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa, ba bông thì là, gói hạt rau cải và linh vật của nam, nữ đẽo bằng gỗ, cùng thanh gươm... Cột thiêng như cầu nối đất với trời, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Trên đầu kèo và bậu cửa sổ được trang trí nhiều hình kỷ hà, hoa văn họa tiết mô phỏng cỏ, cây, hoa, lá, chim thú với từng cặp đối xứng theo nguyên lý âm - dương hài hòa. Đặc biệt có chạm đôi thuồng luồng chầu nhau, đây là linh vật chủ của sông suối và là biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc.
Trên nhà sàn người Thái cổ Tây Bắc còn có hai bếp lửa, một bếp dành riêng cho nam giới, một bếp dành cho nữ giới. Bếp lửa như trái tim hồng của ngôi nhà, ấm cúng giữa điệp trùng non ngàn Tây Bắc.
Địa: bao gồm vật liệu và thế đất. Nhà sàn của người Thái cổ Tây Bắc được làm bằng gỗ tốt, tre, hóp, lợp gianh tạo nên một vẻ thân thiện, hòa đồng với thiên nhiên. Nhà thường dựa lưng vào đồi núi, quay mặt ra sông suối hoặc cánh đồng. Khi dựng nhà, yếu tố phong thủy rất được chú trọng, nhằm mục đích cao nhất là khắc phục nhược điểm của thế đất và tuổi tác của gia chủ, phát huy được những lợi thế vốn có. Người dân tộc Thái có câu: "Làm ăn có tháng/ Làm nhà có ngày", đã phần nào nói lên tầm quan trọng của việc tính toán để phát huy cao nhất thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Nhân: đây là yếu tố con người với vai trò trung tâm của xã hội. Cấu trúc nhà sàn Thái cổ Tây Bắc thể hiện rất rõ vai trò và vị trí của mỗi thành viên trong gia đình.
Nhà sàn người Thái cổ Tây Bắc bao giờ cũng có hai cầu thang, "tang chan" và "tang quản". Cầu thang phía "chan" dành cho nữ giới, thường có chín bậc ứng với chín vía. Cầu thang phía "quản" dành cho nam giới, thường có bảy bậc ứng với bảy vía. Trên nhà sàn, từ bếp lửa bên "quản" đến hết "tang quản" là nơi dành cho đàn ông và thờ cúng.
Cấu trúc bản mường người Thái Tây Bắc theo vòng tròn đồng tâm: gia đình - bản - mường nhỏ - mường lớn tạo nên một sắc thái văn hóa rất riêng.
Người dân tộc Thái ở Tây Bắc vốn có một trình độ canh tác lúa nước phát triển và có một nền văn hóa đa dạng và phong phú. Kiến trúc nhà sàn người Thái cổ Tây Bắc được chắt lọc tinh hoa từ ngàn đời, mang đậm dấu ấn văn hóa tộc người Thái, kết hợp hài hòa cả ba yếu tố: Thiên - Địa - Nhân, nhằm mục đích góp phần tạo nên một môi trường và điều kiện sống tốt nhất cho chủ thể con người.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những yếu tố mê tín dị đoan, phân biệt đối xử bị loại bỏ dần, nhiều vật liệu hiện đại được đưa vào xây dựng, đem lại cho nhà sàn của người Thái ở Tây Bắc một vẻ đẹp mới: hiện đại mà không mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
YBĐT - Ngày Tết, mỗi vùng đất khác nhau, mỗi dân tộc cũng có những cách để chia sẻ và bày tỏ những khát vọng sống. Song tất cả đều thể hiện những giá trị tinh thần thiêng liêng và cao đẹp. Tết của người Mông cũng vậy, được bố mẹ cho ra ở riêng, năm nay là cái tết đầu tiên Mùa A Thử ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn phải tự lo liệu mọi thủ tục theo truyền thống của dân tộc mình.
YBĐT - Từ năm 2004 đến nay đã 4 lần Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Hắc Y-Đại Cại tại xã Tân Lĩnh (Lục Yên). Cụm di tích này có tới 8 điểm là những phế tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đợt khai quật đầu tiên tại đồi Hắc Y, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những hiện vật của kiến trúc chùa và một tháp đất nung rất lớn mang đặc trưng văn hoá thời Trần.
YBĐT - Họ là những người con của bản làng Thái nơi vùng đất Mường Lò. Bởi một niềm tự hào và ý thức dân tộc sâu sắc, họ đã góp phần gìn giữ những sắc nét riêng của bản, của làng.
YBĐT - Sau "Bụi hồ", "Thời hoa đỏ", "Xứ mưa", Hoàng Thế Sinh vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết thứ tư “Rừng thiêng”. Là người con của xứ nhãn lồng Hưng Yên, cùng gia đình lên vùng kinh tế mới Yên Bái từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước và gắn bó với mảnh đất này, chính vì thế mà hầu hết các tác phẩm của anh đều mang đậm hơi thở của cuộc sống nơi rừng núi.