Tết của Mùa A Thử

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ngày Tết, mỗi vùng đất khác nhau, mỗi dân tộc cũng có những cách để chia sẻ và bày tỏ những khát vọng sống. Song tất cả đều thể hiện những giá trị tinh thần thiêng liêng và cao đẹp. Tết của người Mông cũng vậy, được bố mẹ cho ra ở riêng, năm nay là cái tết đầu tiên Mùa A Thử ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn phải tự lo liệu mọi thủ tục theo truyền thống của dân tộc mình.

Năm nay, người Mông ăn tết vào ngày 29/11 âm lịch, thời gian ăn tết chỉ diễn ra trong 3 ngày, để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Vì thế, trước đó một ngày, Thử dậy thật sớm. Việc đầu tiên là phải lên rừng kiếm một cành lộc tươi về, quét dọn nhà cửa. Vừa quét, Thử vừa lẩm nhẩm trong bụng những câu đã được cha dạy với những ước muốn sẽ làm tan biến mọi rủi ro cho nhà mình. Ngày hôm sau 29 tết, công việc chủ yếu trong ngày này của Thử sẽ là mổ lợn.

Theo phong tục của người Mông, trước khi sang năm mới người chủ của gia đình trẻ phải làm lễ tạ ơn bày tỏ lòng kính trọng công lao nuôi dưỡng của bố mẹ vợ với vợ mình. Vì vậy ngay từ ngày hôm trước, Thử đã mời bố mẹ vợ sang nhà mình ngủ. Đến trưa ngày 29 tết, bố mẹ vợ sẽ dự bữa cơm báo ân của các con mình. Bữa cơm tạ ơn diễn ra trong không khí vui vẻ. Ăn cỗ xong, hai ông thông gia cùng nhau làm lễ chia thịt. Trước khi chia, cả hai bên sẽ có đôi lời cầu chúc. Họ nói rằng, hôm nay họ sẽ trao cho các con của họ những giống lợn tốt nhất, giống gà khoẻ nhất và mong những con vật này luôn khoẻ mạnh, sinh sôi nảy nở. Sau lời cầu chúc ấy, phần thịt ngon nhất sẽ được gửi biếu ông thông gia.

Cùng với thịt lợn, bánh dầy cũng không thể thiếu. Người Mông coi bánh dầy là biểu tượng của nguồn lương thực dồi dào, vì vậy hai vợ chồng Thử phải lựa chọn những gùi gạo thật ngon để giã bánh. Gạo phải ngâm kỹ, rồi mới đồ xôi. Đồ xôi phải thật khéo, nhưng khó nhất có lẽ là việc giã bánh dầy. Bánh được giã nhuyễn cho đến khi đạt được độ mịn và có độ mềm, dẻo phù hợp thì chị em phụ nữ sẽ cùng nhau làm bánh. Ba chiếc bánh đầu tiên được Thử đặt lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, mời ông bà về cùng ăn tết và chứng giám cho nguồn lương thực dồi dào quanh năm no đủ của gia đình. Đây là lần đầu tiên Thử thực hiện việc cúng tổ tiên, bởi việc cúng tổ tiên nhất thiết phải là chủ nhà, hoặc người lớn tuổi và người này phải nắm được rõ tên những người đã khuất của gia đình ba đời trước. Theo Thử, đời sống tâm linh của ông bà tổ tiên người Mông có ảnh hưởng tới những ước vọng của con cháu. Người Mông không lập bàn thờ mà chỉ dành một chỗ chính diện dán hai tờ giấy trắng để cúng, mỗi năm người Mông chỉ cúng một lần.

Ngoài việc cúng bánh dầy, mỗi nhà phải dành một con gà trống còn sống để cúng ma nhà, biến nó thành một con vật không gây hại cho con người. Thử cắt tiết gà rồi cầm con gà tới trước nơi thắp hương lấy một ít tiết gà vẩy lên tờ giấy trắng dán trên tường rồi nhổ ít lông gà dán lên tờ giấy đó. Vừa làm Thử vừa khấn để cầu nguyện cho gia đình mạnh khoẻ, năm mới làm ăn được khấm khá. Cùng với con gà luộc, một mâm cơm cúng được dọn ra. Bữa cơm tất nhiên có thịt gà nhưng việc quan niệm đây là con gà phù hộ cho gia đình nên chỉ những người trong gia đình mới được ăn. Cùng với việc kiêng ăn canh trong ngày tết thì người Mông cũng kiêng luôn cả việc hái rau và làm việc nặng vào dịp này. Quan điểm này xuất phát từ một thực tế là, mùa xuân cây trái đâm chồi nẩy lộc, rau quả tốt tươi, nếu hái sớm những chồi non đó thì mùa màng về sau sẽ kém hiệu quả. 

Việc đầu tiên trong năm mới của gia đình Thử là đi chúc tết ông bà, cha mẹ rồi đến hàng xóm. Chúc tết xong, vợ chồng Thử lại cùng thanh niên trai gái trong bản rộn ràng, tíu tít xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất cùng nhau đi dự hội. Giữa núi rừng bát ngát, tiếng khèn, tiếng sáo như mời gọi càng làm nức lòng các chàng trai, cô gái đang độ xuân thì. Nhiều trò chơi dân tộc độc đáo như: ném pao, đẩy gậy, đánh quay, múa khèn diễn ra trên khắp các bản làng, càng làm cho mùa xuân thêm phần tươi mới. Chính ngày hội xuân này năm trước, với tài ném pao của mình, Thử đã làm cô gái nổi tiếng xinh đẹp nhất bản phải lòng. Một mùa xuân mới lại đến, một sức sống mới lại căng tràn trên các bản làng người Mông. Mùa xuân đến, mầm sống mới lại tiếp tục sinh sôi trên mảnh đất xinh đẹp này.

Anh Dũng

Các tin khác
Các chuyên gia khoa học lịch sử, văn hóa đang trao đổi tại Khu di tích chùa Tháp bến Lăn.

YBĐT - Từ năm 2004 đến nay đã 4 lần Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di chỉ khảo cổ học Hắc Y-Đại Cại tại xã Tân Lĩnh (Lục Yên). Cụm di tích này có tới 8 điểm là những phế tích liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đợt khai quật đầu tiên tại đồi Hắc Y, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những hiện vật của kiến trúc chùa và một tháp đất nung rất lớn mang đặc trưng văn hoá thời Trần.

Những cô gái múa xòe bản Tông Pọng, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Họ là những người con của bản làng Thái nơi vùng đất Mường Lò. Bởi một niềm tự hào và ý thức dân tộc sâu sắc, họ đã góp phần gìn giữ những sắc nét riêng của bản, của làng.

YBĐT - Sau "Bụi hồ", "Thời hoa đỏ", "Xứ mưa", Hoàng Thế Sinh vừa cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết thứ tư “Rừng thiêng”. Là người con của xứ nhãn lồng Hưng Yên, cùng gia đình lên vùng kinh tế mới Yên Bái từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước và gắn bó với mảnh đất này, chính vì thế mà hầu hết các tác phẩm của anh đều mang đậm hơi thở của cuộc sống nơi rừng núi.

Diễn ra một tuần một lần, cũng có thể một tháng một lần, tuỳ từng địa phương, chợ phiên chính là nơi bộc lộ rõ nhất bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc miền núi vùng Tây Bắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục