Tết Đoan ngọ của đồng bào Tày Bắc Kạn

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/1/2008 | 12:00:00 AM

Tết mồng năm tháng năm (âm lịch) còn gọi là Tết Đoan ngọ. Đây là Tết kỉ niệm thời điểm nóng nhất trong năm, không phải ngẫu nhiên ngày mồng năm tháng năm, năm nào cũng gần trùng với ngày hạ chí. Chính vào thời điểm nóng nực nhất, nhiều bệnh tật phát sinh nên người Tày gọi Tết mồng năm tháng năm là Tết “Giết sâu bọ”.

Bánh tro là loại bánh đặc trưng của đồng bào Tày trong Tết Đoan ngọ.
Bánh tro là loại bánh đặc trưng của đồng bào Tày trong Tết Đoan ngọ.

Với ý nghĩa này, ngày mồng năm tháng năm, người Tày có tục ăn rượu nếp vào sáng sớm nhằm để cho “sâu bọ” trong người say và sau đó ăn quả chua chát để cho chúng chết. Ngoài ra vào ngày này người ta còn nhuộm móng tay, móng chân bằng các loại lá thuốc để bảo vệ móng và làm đẹp. Đồng thời, đi hái các loại lá cây vào lúc giữa trưa, vào giờ ngọ của ngày Đoan ngọ lúc dương khí mạnh nhất rồi phơi khô để làm lá uống cho cả năm. Theo các cụ già kể lại thì ngày Tết Đoan ngọ trời đất phong quang, lòng người sáng sủa. Ngày ấy, trăm loại cây lá đều tốt lành, có thể đun nước uống, vừa mát ruột, vừa trừ độc, làm cho cái bụng thanh thản nghĩ đến việc tốt lành.

Đối với những gia chủ được giao trọng trách trông nom miếu thờ Thần nông còn phải làm mâm lễ cúng thần, rồi nhổ nắm mạ đem ra đồng cấy vài khóm lúa mở đầu cho vụ cày cấy của làng, bản. Tuy nhiên, phong tục này hiện nay hầu hết không còn. Hiện tại, người Tày có lệ khảo cây, người ta mang dao đến chặt vài nhát vào các loại cây ăn quả nhưng ít hoặc lâu năm mới ra quả, quả không tốt hay thối hỏng…vừa chặt người ta vừa hỏi với vẻ doạ nạt rằng tại sao lười ra quả hoặc ra quả không tốt. Chặt xong, họ khuyên bảo, vỗ về cây hãy chịu khó ra quả tốt, quả đẹp thì mùa sau sẽ không bị đánh đau nữa.

Tết Đoan ngọ người Tày còn ăn các loại bánh, bún đặc trưng của Tết là làm bánh tro (bánh làm bằng gạo nếp ngâm cùng với tro đã được lọc kĩ và gói bằng lá chít) chấm mật. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình biết lấy cây thuốc cũng lên rừng lấy các loại cây thuốc để uống, để tắm vào buổi trưa, ý nghĩa của việc làm này cũng nhằm diệt trừ sâu bọ trong người để khoẻ mạnh, sống lâu.

(Theo báo Bắc Kạn) 

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Hội VHNT tỉnh Yên Bái.(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổng kết công tác năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008.

YBĐT - Đám cưới của đồng bào Dao nói chung và người Dao ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn nói riêng được thực hiện theo nhiều khâu, nhiều bước và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Người Si La hiện còn lưu giữ phong tục khá đặc biệt gọi là lễ “Khá xè la”. Đó là một nghi lễ gieo nương tượng trưng. Nghi lễ này được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, trước ngày gieo nương thực khoảng 3 ngày và do trưởng họ chủ trì.

Trò chơi dân gian Tó Cối của dân tộc Tày - Thái là một trò chơi vận động đơn giản không cần tới dụng cụ phụ trợ. Tó là thi đấu, Cối là gối (đấu nhau bằng đầu gối trên một chân tiếp đất). Chính vì nó đơn giản, mộc mạc, dễ chơi và chơi ở đâu, vào lúc nào cũng được nên trò chơi này được đông đảo các em thiếu niên và thanh niên trong làng, bản hay chơi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục