Nét đẹp văn hoá dân tộc Khơ Mú

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Người Khơ Mú ở Yên Bái sống tại 2 huyện Văn Chấn và Trạm Tấu, nhưng chủ yếu tập trung tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn. Cộng đồng người Khơ Mú tại Yên Bái tuy ít, sống rải rác và chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái song đời sống văn hoá của người Khơ Mú vẫn là một kho tàng lớn cần được bảo tồn và phát huy.

Trang phục phụ nữ Khơ Mú trong lễ tết.
Trang phục phụ nữ Khơ Mú trong lễ tết.

Người Khơ Mú còn có tên gọi khác là Xá cẩu hay Tày hạy. Người Khơ Mú chưa có chữ viết riêng, ngôn ngữ thuộc nhóm Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Dân tộc Khơ Mú có truyền thống hái lượm gắn bó với nương rẫy khác với văn minh lúa nước gắn với ruộng đồng của người Thái, nên dân gian có câu "Xá ăn theo lửa, Thái ăn theo nước". Người Khơ Mú trồng lúa nương, trồng ngô, khoai sắn, bầu bí, các loại cây có củ quả… Phương tiện làm là rìu, dao, cuốc xẻng, phương tiện tra hạt là gậy gỗ đặc để chọc lỗ bỏ hạt. Ngoài trồng trọt, đồng bào còn chăn nuôi trâu, lợn, gà. Do canh tác nương rẫy nên nghề đan lát phát triển và trở thành nghề truyền thống, nhất là đan các vật dụng để gùi, thồ… Trong đó eng là phương tiện vận chuyển thông dụng tiện lợi được đan rất cầu kì. Eng như chiếc gùi của người Mông nhưng miệng loe, có quai to, giữa có một miếng vải đệm, vắt qua trán người, tạo nên điểm trên lưng và trán, làm cân đối giữa lực cơ thể và trọng lượng hàng hoá trên eng.

 

Người Khơ Mú cũng làm nhà sàn, thường làm ba gian và có phần sơ sài hơn nhà của người Thái và người Mường. Đáng chú ý là trong nhà có ba chiếc bếp ở ba gian. Chiếc bếp ở gian giữa, giáp hàng cột cái là bếp quan trọng nhất, hay còn gọi là bếp thờ, bếp cúng. Bàn thờ ma nhà được đặt trên gác bếp thờ. Bếp ở gian ngoài cửa chính đi vào là bếp nấu nướng thông thường hằng ngày. Còn bếp trong cùng chỉ để xôi cơm và nấu rượu vào những sự kiện quan trọng của gia đình biểu thị sự no đủ, sung túc. Khách lạ không được đến bếp thờ và bếp xôi cơm, nấu rượu, vì theo quan niệm của người Khơ Mú thì dễ đem điều rủi đến cho chủ nhà.

 

Lễ cúng rượu cần tại bếp thờ trong lễ cưới của người Khơ Mú . 

 

Trong quan hệ hôn nhân được người Khơ Mú chú trọng. Nam, nữ thanh niên đến tuổi cập kê thì được tự do tìm hiểu, yêu đương. Nhờ vậy mà gia đình trẻ Khơ Mú sống gắn bó, hạnh phúc. Lễ cưới truyền thống của người Khơ Mú có nhiều lễ thức khác nhau như: Lễ thức tự do yêu đương tìm hiểu, dạm hỏi, đặt mối, nghi thức xin ở rể, lễ cưới và lễ lại mặt. Người Khơ Mú có tục cưới rể từ một năm trở lên tuỳ thuộc vào điều kiện của từng nhà.

 

Các dòng họ người Khơ Mú thường mang tên một loài cây, hay tên một loài thú, tên một loài chim. Mỗi dòng họ đều coi loài cây, loài thú, hay loài chim đó là tổ tiên ban đầu của dòng họ mình nên họ kiêng giết, ăn thịt các loại thú, chim, cây đó.

 

Thế giới tâm linh của người Khơ Mú rất tin vào các loại ma (hrôi). Trong tâm linh người Khơ Mú rất tin vào các loại "ma", đặc biệt là "ma trời", "ông sét”, “ma đất”, “ma rừng”, “ma nương”, “ma nhà", "ma tổ tiên"… Trong một năm, đồng bào có những nghi lễ tôn giáo chính như: cúng ma nương, ma bản, thờ cúng tổ tiên và các nghi lễ liên quan đến lao động sản xuất.

 

Trong trang phục của người Khơ Mú ở Yên Bái chịu ảnh hưởng nhiều của ttrang phục người Thái đen. Cũng có khăn piêu, áo cỏm đen, váy dài bằng vải đen, nhưng áo cỏm của người Khơ Mú có hàng mắc pém hình khối chữ nhật đối diện, dọc 2 bên mắc pém có bộ dải hình các hình tròn nhỏ, tượng trưng cho mặt trời, ở giữa dải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang phồn thịnh luôn được vị thần mặt trời sưởi ấm, che chở. Khăn đội đầu giống khăn piêu của người Thái. Khi đội, các cô gái Khơ Mú gập đôi theo chiều dọc của khăn rồi quấn quanh đầu và luồn một đầu khăn qua vành quấn vắt ra ngoài phía trước trán.

 

Làn điệu dân ca quen thuộc nhiều người ưa thích là Tơm. Làn điệu này mang đậm tính sử thi, trữ tình, cách hát theo kiểu đối đáp. Hát Tơm sử dụng nhiều trong các lễ hội, cưới xin, các việc trọng đại của làng bản, dòng họ và của gia đình. Một đoạn trong hát Tơm xin dâu trong lễ cưới của người Khơ Mú:

 

-"Tại sao bà không quay lại ngồi bên đây? Bà không muốn cho con gái về làm dâu bên nhà tôi sao?"

 

-"Nghe tiếng bà em thích lắm, trong lòng em nó bảo thế. Con về nhà làm dâu, nó chưa biết việc thì mong gia đình bên đó chỉ bảo."

 

-"Nghe tiếng bà rất hay. Hôm nay là ngày tốt tháng lành nên mới được ngồi cùng nhau, cảm ơn ông bà đã sinh ra con gái nuôi khôn lớn cho tới hôm nay, con trai chúng tôi may mắn được quen biết, được gặp mặt và mới có ngày hôm nay"

 

-"Con gái còn nhỏ, chưa biết gì, lớn lên thì đi lấy chồng, sợ nó không biết làm ăn, sợ nó không biết cách sống, trồng cấy… mong ông bà bên đó chỉ bảo dạy dỗ…"

 

Người Khơ Mú thích xoè, múa, thổi các loại sáo, các bộ gõ bằng tre, nứa tự tạo, đặc biệt là thổi kèn môi.

 

Dân tộc Khơ Mú có truyền thống văn hoá, phong phú. Tuy cuộc sống vật chất của người Khơ Mú còn nghèo, nhưng cuộc sống tinh thần, các lễ hội dân gian khá dồi dào và luôn được đồng bào ưa thích và nhiệt tình tham gia. Đời sống văn hoá của người Khơ Mú là một kho tàng văn hoá cần được giữ gìn và phát huy.

 

Thanh Ba

Các tin khác
Bánh tro là loại bánh đặc trưng của đồng bào Tày trong Tết Đoan ngọ.

Tết mồng năm tháng năm (âm lịch) còn gọi là Tết Đoan ngọ. Đây là Tết kỉ niệm thời điểm nóng nhất trong năm, không phải ngẫu nhiên ngày mồng năm tháng năm, năm nào cũng gần trùng với ngày hạ chí. Chính vào thời điểm nóng nực nhất, nhiều bệnh tật phát sinh nên người Tày gọi Tết mồng năm tháng năm là Tết “Giết sâu bọ”.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Hội VHNT tỉnh Yên Bái.(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổng kết công tác năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008.

YBĐT - Đám cưới của đồng bào Dao nói chung và người Dao ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn nói riêng được thực hiện theo nhiều khâu, nhiều bước và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Người Si La hiện còn lưu giữ phong tục khá đặc biệt gọi là lễ “Khá xè la”. Đó là một nghi lễ gieo nương tượng trưng. Nghi lễ này được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm, trước ngày gieo nương thực khoảng 3 ngày và do trưởng họ chủ trì.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục