Đôi nét về trang phục phụ nữ Mông

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trời, ấy là dấu hiệu của một mùa xuân mới đã về với các bản, làng ở vùng cao.

Khắp bản dưới, làng trên nơi vùng cao xa xôi, nơi có những triền núi cao bốn mùa mây phủ, nơi có cái lạnh đến cắt da, cắt thịt nhưng ta vẫn gặp những bản, làng của người Mông; cheo leo trên sườn dốc, ẩn hiện những ngôi nhà giữa núi rừng. Đâu đó, tiếng cười nói của những chàng trai, cô gái Mông, tiếng khèn, tiếng sáo rộn rã cùng với ánh lửa hồng đang bập bùng cháy trong những gia đình người Mông, dường như đã làm tan biến đi cái giá lạnh và âm u nơi vùng cao xa xôi này.

Chúng tôi đến bản Mông, thôn Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu vào những ngày khắp bản làng đang thơm lừng mùi xôi nếp mới, cùng nhộn nhịp trong tiếng chày giã bánh. Các chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong những bộ quần áo mới để chuẩn bị đi chơi hội. Các cô gái váy áo sặc sỡ, lóng lánh vòng khuyên, các chàng trai mặc quần áo còn thơm mùi chàm, vai vác khèn đi chơi hội xuân. Tất cả đã chắt chiu những tinh hoa văn hoá trong cộng đồng các dân tộc để tạo nên nét độc đáo riêng trong trang phục của mình. Những trang phục rực rỡ sắc màu thổ cẩm, những chiếc vòng đeo cổ, đeo tay, những quả pao, con quay hay những chiếc khèn độc đáo đều mang đậm bản sắc văn hóa của con người nơi đây.

Vào ngày hội, các cô gái dân tộc Mông khoác lên mình váy áo truyền thống và những bộ trang sức đẹp nhất để đi chơi. Các trang phục của phụ nữ Mông đều dệt bằng sợi lanh, nhuộm chàm nhưng với mỗi người Mông su, Mông si hay Mông đơ thì lại có những nét riêng trong trang phục của mình. Các cô gái Mông su (Mông đen) với chiếc váy màu chàm, đung đưa theo nhịp bước, đầu quấn vành khăn nhiều nếp nhô cao, xúng xính khuyên tai, vòng bạc đủ bộ. Váy của cô gái Mông đơ (Mông trắng) thì được làm bằng vải lanh trắng, tay áo được phối với nhiều màu sắc và hoa văn trông rất đẹp mắt. Còn các cô gái Mông si (Mông hoa) có màu nâu chàm, xếp nếp đủ các màu có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong ở gấu váy, áo cài khuy ở nách, có nẹp ở ngực và vai. Để tạo nên được những bộ trang phục ấy là cả một thời gian dài người phụ nữ Mông phải trồng lanh, se sợi, dệt vải, nhuộm màu, thêu thùa và in hoa dưới sự khéo léo của đôi bàn tay.

Riêng bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Mông ở SaPa (Lào Cai) lại có một chút khác biệt. Đó là bộ trang phục sử dụng tổng hợp các kỹ thuật tạo hoa văn rực rỡ từ thêu thùa, in sáp ong đến ghép vải, ghép kim loại. Mô típ hoa văn có nhiều nhưng cổ nhất, đẹp nhất là hoa văn hình xoắn ốc, một biến thể của hoa văn chữ S nằm ngang có ở khắp mặt trống đồng Đông Sơn. Sắc màu rực rỡ hoa văn của họ bừng sáng trên nền vải tràm láng bóng sáp ong. Để tạo tấm vải lanh đẹp, người phụ nữ Mông đã phải dày công nhuộm chàm, củ nâu tới 25 lần, lăn vải trên đá. Qua đó thấy được sự tỉ mỉ, khéo léo và công phu qua từng đường kim, mũi chỉ với những đường nét hoa văn tinh xảo để tạo ra chiếc váy, áo của người phụ nữ dân tộc Mông.

Tuỳ theo từng nhóm mà người phụ nữ Mông có những nét đặc trưng riêng trong trang phục, nhưng nhìn chung trang phục phụ nữ Mông đa dạng và đặc sắc về hoa văn với những hình thêu, in hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập. Tất cả đều thể hiện nét độc đáo riêng của phụ nữ dân tộc Mông. Người Mông còn quan niệm rằng, trang phục thiếu nữ Mông là thước đo phẩm giá của người phụ nữ, bởi vậy người Mông có câu tục ngữ:

"Muốn biết người tốt xem gác bếp
Muốn hay người đẹp xem quần áo"

Đối với mỗi một dân tộc, trang phục truyền thống là nét văn hóa độc đáo và cũng là dấu hiệu để chúng ta nhận biết được tộc người này với tộc người kia. Trang phục phụ nữ Mông với những nét hoa văn đặc sắc đã góp phần điểm tô cho bức tranh của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam thêm rực rỡ và đa sắc màu.

Linh Trang

Các tin khác
Trang phục phụ nữ Khơ Mú trong lễ tết.

YBĐT - Người Khơ Mú ở Yên Bái sống tại 2 huyện Văn Chấn và Trạm Tấu, nhưng chủ yếu tập trung tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn. Cộng đồng người Khơ Mú tại Yên Bái tuy ít, sống rải rác và chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái song đời sống văn hoá của người Khơ Mú vẫn là một kho tàng lớn cần được bảo tồn và phát huy.

Bánh tro là loại bánh đặc trưng của đồng bào Tày trong Tết Đoan ngọ.

Tết mồng năm tháng năm (âm lịch) còn gọi là Tết Đoan ngọ. Đây là Tết kỉ niệm thời điểm nóng nhất trong năm, không phải ngẫu nhiên ngày mồng năm tháng năm, năm nào cũng gần trùng với ngày hạ chí. Chính vào thời điểm nóng nực nhất, nhiều bệnh tật phát sinh nên người Tày gọi Tết mồng năm tháng năm là Tết “Giết sâu bọ”.

Đồng chí Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Hội VHNT tỉnh Yên Bái.(Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổng kết công tác năm 2007 và triển khai nhiệm vụ năm 2008.

YBĐT - Đám cưới của đồng bào Dao nói chung và người Dao ở xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn nói riêng được thực hiện theo nhiều khâu, nhiều bước và mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục