Tết nhảy - Vũ điệu làng Dao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/1/2008 | 12:00:00 AM

"Tết nhảy" chỉ ở làng Dao Ba Vì mới có. Ðó là Tết nhảy, là điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm làm nên vũ điệu độc đáo của người Dao trong những dịp Tết đến xuân về.

Người Dao lên nương.
Người Dao lên nương.

Theo lời kể của các già làng ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Tây) thì người Dao thờ Tản Viên Sơn Thánh với lòng ngưỡng mộ đặc biệt và với những nghi lễ đặc biệt. Gia đình nào, dòng họ nào cũng lập bàn thờ Thánh Tản chung với bàn thờ Tổ, thể hiện cùng lúc ước vọng được hưởng lộc Thánh phù hộ và ghi nhớ công đức tiên tổ. Ngoài ra, ở mỗi làng của người Dao còn lập một miếu thờ riêng Thánh Tản do một ông thầy mo trông coi.

Mỗi năm người Dao tổ chức tế lễ Ðức Thánh Tản bốn lần vào bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Ngày đó, tất cả các gia đình trong bản đều góp gạo, rượu, gà làm lễ chung dâng lên bàn thờ Thánh với những lời thỉnh cầu một năm bình yên, tốt lành, mùa màng tươi tốt, bội thu. Hạ lễ, cả làng cùng ăn uống, múa hát chung vui. Những điệu múa chuông, múa kiếm, múa rùa từ đó mà thành.

Vào những năm mưa thuận gió hòa, thu hoạch khá giả thì "bữa tiệc cộng đồng" của người Dao kéo dài nhiều ngày. Cả vùng núi Tản dậy lên không khí rộn ràng của tiếng chuông, tiếng thanh la. Những bài ca dân gian làm lòng người say đắm cũng từ đó cất lên. Họ hát để nhớ về cuộc sống khổ cực du canh du cư nay đây mai đó, như "con chim lạc ngàn, đổ gốc ăn ngọn" lang thang các triền núi, lá trên mái lều chưa héo đã lại dời đi của một thời:

Người Dao ta không có đất.
Lam lũ chạy theo núi rừng.
Ðói nghèo bám chặt vào lưng...

Hát để trao gửi tình cảm, bộc bạch lời yêu đương tha thiết:

Anh khổ không ai giúp.
Em có lòng giúp đỡ anh không?
Bao giờ mặt trời mới chiếu đến bản của anh?


Hát cho niềm lạc quan yêu đời, tin tưởng vào một cuộc sống đủ đầy, có vợ, có chồng cùng nhau lao động, tạo dựng hạnh phúc:

"Anh lo thì em cùng lo.
Anh lo sao có cơm no, đất cày.
Em lo nương rẫy luôn tay.
Mong sao xuân tới được ngày hát vui".

Trong cuộc rượu đó có mẹ ru con, bà ru cháu, con trai con gái hát ví, hát đối tỏ tình... Bí thư Lý Văn Thọ nói, người Dao của anh coi bữa tiệc cộng đồng ấy không chỉ là cuộc tập huấn nghi thức tế lễ có tính chất "tục hèm" mà còn là trường dạy múa, dạy hát cho các thế hệ người Dao. Nhưng nếu muốn xem hội hát, hội múa linh đình hơn nữa thì phải chờ khi có Tết nhảy (Nhìàng chậm đao).

Tết nhảy do một gia đình người Dao đăng cai và được cả bản tham dự. Tết thường bắt đầu từ giữa tháng chạp âm lịch đến trước Tết Nguyên đán. Trước đây, tổ chức được một Tết nhảy rất tốn kém, phải làm trong ba năm liên tục; năm đầu tiên làm một ngày một đêm; năm thứ hai làm hai ngày hai đêm; năm thứ ba làm ba ngày ba đêm. Nhiều gia đình nghèo, tổ chức xong Tết nhảy là đeo nợ từ đời cha sang đời con, thậm chí sang đời cháu cũng chưa trả hết, phải chịu cảnh nghèo đói quanh năm. Nay, thực hiện nếp sống văn hóa, Tết nhảy đơn giản hơn nhiều; gia đình nào đến lượt mà có đủ điều kiện thì mới làm và làm trong ba ngày ba đêm một lần Tết.

Trong Tết nhảy, tuy phần nghi lễ vẫn duy trì theo phong tục riêng, nhưng phần hội mở rộng hơn. Trước đây, chỉ khi có Tết mới được xem múa rùa và múa kiếm, múa chuông; nhưng nay, múa chuông đã được cải biên làm nền minh họa cho hát dân ca và được đem đi biểu diễn tại các Hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh, của toàn quốc, hoặc diễn trong những mùa lễ hội, trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người Dao.

Nhưng để làm Tết nhảy, không đơn giản cứ đến phiên là làm, mà phụ thuộc vào những điều kiện có tính bắt buộc liên quan đến thờ tự và việc lập bàn thờ, vô cùng tốn kém và lắm thủ tục, lễ nghi. Cách thờ tự của ngưòi Dao rất độc đáo. Bàn thờ không đặt giữa nhà mà đặt ở góc nhà (họ cho đây là nơi linh thiêng nhất) và không chỉ có một bàn thờ mà là hai; bàn thờ nhỏ thì nhà nào cũng có, nhưng muốn dựng bàn thờ lớn thì phải có của cải vật chất (trước đây gia đình nào dựng bàn thờ lớn phải mổ ba con lợn, năm con gà, mời thầy mo đến làm lễ cúng một ngày một đêm; cúng xong mời cả bản tới uống ruợu, ca hát, nhảy múa) và phải có đủ hai bộ tranh thần treo ở bàn thờ. Bộ tranh thần nhỏ (gọi là bộ Hanh xlay) được sắm từ năm trước; bộ tranh thần lớn (gồm nhiều bức tranh gọi là bộ Phàm sinh) sắm vào năm sau. Mỗi lần sắm tranh là một lần gia đình đó phải mổ ba con lợn, sáu con gà, mời ba ông thầy cúng (hai ông thầy cả, một ông thầy phụ) cúng chay hai ngày, hai đêm. Sau những thủ tục đó, phải thêm lễ tạ mả nữa thì nhà có bàn thờ lớn mới thành nhà Tổ. Và chỉ khi nào nhà Tổ có đủ các bộ tranh thần, thì gia chủ mới được làm Tết nhảy. Chính vì vậy, để làm Tết nhảy, nhiều gia đình người Dao phải mất hàng chục năm mới mua đủ hai bộ tranh thờ; tổ chức xong Tết nhảy thường lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Vào những ngày Tết nhảy, tham gia nghi lễ như cúng bái thường chỉ có đàn ông; phụ nữ lo làm cỗ, dọn dẹp. Nội dung của những bài cúng thường là cầu tổ tiên phù hộ cho sự bình yên, khỏe mạnh; cầu cho trời đất mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, công việc làm ăn thuận lợi. Nội dung của những điệu múa, bài hát dân ca của người Dao thường hướng tới những điều tốt lành, ước vọng cuộc sống hạnh phúc no ấm. Người tham dự Tết nhảy múa liên tục cả ngày cả đêm; ai đói thì ra dùng bữa, người khác thay thế.

Cứ như vậy, Tết nhảy kéo dài ba ngày ba đêm. Gia đình người Dao nào cũng đến lượt đăng cai làm Tết nhảy và thường là dù khó khăn đến mấy cũng vay mượn để tổ chức; vì vậy mà năm nào, trong xóm cũng có "bữa tiệc cộng đồng" làm nên sắc thái văn hóa của riêng người Dao Ba Vì. Sau Tết nhảy là đến Tết Nguyên đán. Từ khoảng 25 tháng chạp đến hết ngày 30  Tết, lần lượt các gia đình người Dao làm Tết, mỗi nhà làm một mâm cỗ mời cả xóm tới cùng dự đông vui và thân thiện, đoàn kết. Từ ngày 1 đến hết Tết, các gia đình thờ cúng tổ tiên và vui xuân.

Năm 1964, cuộc cách mạng hạ sơn đã đem lại sự thay đổi lớn lao đối với cuộc sống của người Dao. Từng bước ổn định từ trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây thuốc nam..., kinh tế của xã Ba Vì có bước phát triển. Phong tục lễ tết của người Dao đơn giản và tiết kiệm nhiều so với trước. Vẫn giữ được phong tục riêng, bản sắc riêng, nhưng nhiều hủ tục lạc hậu đã được cởi bỏ, đem đến cho người Dao sự thanh thản về tinh thần, và vì vậy, họ đến với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới cũng nhanh hơn. Từ năm 1998, làng Dao Yên Sơn đã được UBND tỉnh công nhận là làng văn hóa; hai làng Hợp Nhất và Hợp Sơn cũng đã xây dựng quy ước làng và đang phấn đấu để đạt danh hiệu văn hóa trong nay mai.

Trong định hướng phát triển kinh tế du lịch, UBND huyện Ba Vì đã đề ra những giải pháp cụ thể để tập trung đầu tư phát triển vành đai du lịch miền Tây Ba Vì. Ðiều đó sẽ đem lại nhiều cơ hội giúp người Dao vừa phát triển kinh tế, vừa khôi phục và phát huy vốn văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc mình. 

(Theo NDĐT) 

Các tin khác

YBĐT - Cũng như người Kinh, đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái)ăn tết cổ truyền “Mạz chiêng” theo Tết Nguyên đán.

YBĐT - Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trời, ấy là dấu hiệu của một mùa xuân mới đã về với các bản, làng ở vùng cao.

Trang phục phụ nữ Khơ Mú trong lễ tết.

YBĐT - Người Khơ Mú ở Yên Bái sống tại 2 huyện Văn Chấn và Trạm Tấu, nhưng chủ yếu tập trung tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn. Cộng đồng người Khơ Mú tại Yên Bái tuy ít, sống rải rác và chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái song đời sống văn hoá của người Khơ Mú vẫn là một kho tàng lớn cần được bảo tồn và phát huy.

Bánh tro là loại bánh đặc trưng của đồng bào Tày trong Tết Đoan ngọ.

Tết mồng năm tháng năm (âm lịch) còn gọi là Tết Đoan ngọ. Đây là Tết kỉ niệm thời điểm nóng nhất trong năm, không phải ngẫu nhiên ngày mồng năm tháng năm, năm nào cũng gần trùng với ngày hạ chí. Chính vào thời điểm nóng nực nhất, nhiều bệnh tật phát sinh nên người Tày gọi Tết mồng năm tháng năm là Tết “Giết sâu bọ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục