Lễ "thạu khoăn" chúc thượng thọ ông bà, cha mẹ của người Tày

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/1/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong cuộc sống hàng ngày, người Tày có quan niệm "Po chài sam síp minh, me nhình sí síp khoăn", người nam có ba mươi hồn, người nữ có bốn mươi vía. Hồn vía hòa liền với thể xác giúp cho con người tạo nên sức sống, có sức mạnh để chống chọi với thiên nhiên.

Thiếu nữ Tày.
(Ảnh: Thái Hoàng)
Thiếu nữ Tày. (Ảnh: Thái Hoàng)

Mỗi khi con người gặp việc gì trắc trở hoặc giật mình đột ngột, một hồn vía nào đó lìa khỏi thể xác (hồn xiêu phách lạc) thì làm cho con người rùng mình sợ sệt, thể xác ốm yếu. Nếu hồn vía lìa khỏi thể xác nhiều thì con người sẽ không vượt nổi, dẫn đến sẽ có việc xấu xảy ra.

Mùa xuân đến là dịp để con người “Pố khoăn phủ minh”, tức là tiếp sức bồi bổ cho hồn vía, con người khỏe mạnh thêm. Với những người trên 60 tuổi sẽ làm "Pố khoăn phủ minh". Các cụ sống trên 70 tuổi thì làm lễ "Thạu khoăn" chúc thượng thọ. Dưới 60 tuổi thì làm lễ "Kỳ an giải hạn", cầu phúc cầu lành cho con người được sống khỏe, sống lâu, sống có ích cho đời.

Lễ “Thạu khoăn” mừng thượng thọ ông bà, cha mẹ được con cháu trong gia đình bàn nhau thống nhất làm “Phua mìa lục an ý. Pi cắp noọng băn căn. Đu sách đởi thầy cải táng mường, đởi thầy luông táng bản. Chắng đảy mự tốt vằn đay. Mự phúc sinh lồng làn, Mự iêu an lồng hẩư” – “Chồng, vợ, con bàn nhau. Anh với em cùng bàn. Xem sách với thầy giỏi khác mường, với thầy khôn khác bản. Xem được ngày tốt ngày lành. Ngày phúc sinh ngày iêu an rất tốt”. Ngày tốt đó đón thầy Tạo, thầy Bụt hay bà Then đến để làm lễ "Thạu khoăn" chúc mừng thượng thọ ông bà, cha mẹ. Mời bà con làng trên xóm dưới, anh em nội ngoại.

Mâm bàn lễ vật được bày đặt ra gồm có: một “giảo khoăn” (giống như cái quây nhỏ đan bằng tre) có trang trí hoa văn bằng giấy đỏ, xanh, vàng đặt trên một cái nong để đựng gạo do anh em họ hàng, con cháu mỗi người ba nắm gạo bỏ vào. Xung quanh giảo có 7 đôi "tài lường" đối với nam, 9 đôi đối với nữ (tài lường là một cái túi khâu bằng giấy màu xanh, đỏ to bằng cái đèn pin, dài độ một gang tay trong đựng gạo, nếu còn đủ vợ chồng thì khâu đôi, thiếu thì chỉ làm lẻ).

Mâm bánh dày, mâm bánh moọc (thứ bánh giã bằng gạo nếp xôi nặn bẹt to bằng khay chén chè), một mâm đầy hoa lá tươi, một mâm để một con gà sống có cựa đã luộc chín (Thíp cần thíp căm khảu cảu cần cảu tài lường). Mười người mười nắm gạo, chín người chín tài lường, tiếp hồn tiếp sức cầu chúc cho cha mẹ, ông bà luôn được “Mẳn băng cáy seng, rèng băng cáy tó, thổng pằn pi, quân mục bấu lồng xa, cốc ha bấu lồng toi, giảo khảu đảy têm nưa, giảo cưa đảy têm chốc, pay tẩư bấu mắc cừa, mừa nưa bấu mắc nỉ”. Nghĩa là: “Vững như gà trống, khỏe như gà chọi, sống ngàn năm, cái chết không được tìm đến, hồn người được khỏe thêm, vía người thêm đầy đặn, ngược xuôi không vướng nợ”.

Nếu lễ do thầy Tạo làm thì sau đọc xong kinh khoa, nếu lễ do thầy Bụt hay bà Then thì đến đoạn "Mường khoăn" tạm dừng lại để chuyển sang phần hội đan xen với phần lễ. Mời ông bà hay cha mẹ (người được thạu khoăn) ngồi trên một chiếc ghế đã đặt sẵn, đầu đội một tấm lụa đỏ, con cháu trong nhà, anh em nội ngoại đến bái lạy và nâng chén rượu chúc mừng. Mời người hát khắp bài "Chúc thụ khoăn thượng thọ bố mẹ". Khi con cháu đã chúc đầy đủ xong, thầy Tạo hoặc thầy Bụt tiếp tục hành trình bài vở của mình để cho xong phần lễ “thạu khoăn”.

Lễ “Thạu khoăn” - chúc thượng thọ ông bà, cha mẹ của người Tày Mường Lai cũng như người Tày Lục Yên, Yên Bình là một bản sắc văn hóa độc đáo đến nay vẫn được duy trì. Là con cháu dù có đi xa để làm ăn, dù là cán bộ đi công tác đến tết tháng Giêng hàng năm cũng tìm về gia đình đoàn tụ và lo cái lễ "Thạu khoăn" cho ông bà, cha mẹ còn sống. Đây cũng là một nét đẹp thể hiện sự kính trọng của con người còn lưu truyền mãi về sau.

    Hoàng Quang Nhạn

Các tin khác
Thanh niên người Mông (Mù Cang Chải) trong hội chơi xuân.

YBĐT - Ngạn ngữ Mông có câu: "Có rượu cùng đổ, có thịt cùng ăn". Sự ăn uống của đồng bào Mông ngày tết cũng đơn giản, không có nhiều món cầu kỳ như dân tộc khác. Mổ con lợn nuôi vài tuổi, nặng cả tạ, thịt mỡ thì tẩm gia vị ướp sấy và làm thịt chua để ăn quanh năm; lòng già được làm sạch, nhồi thịt mỡ và riềng giã nhỏ cùng các gia vị khác, sau đó đem phơi sương (giống lạp xường của người Kinh) để làm thức ăn dần.

Người Dao lên nương.

"Tết nhảy" chỉ ở làng Dao Ba Vì mới có. Ðó là Tết nhảy, là điệu múa chuông, múa rùa, múa kiếm làm nên vũ điệu độc đáo của người Dao trong những dịp Tết đến xuân về.

YBĐT - Cũng như người Kinh, đồng bào Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái)ăn tết cổ truyền “Mạz chiêng” theo Tết Nguyên đán.

YBĐT - Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng trời, ấy là dấu hiệu của một mùa xuân mới đã về với các bản, làng ở vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục