Tết của người Giáy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Ở Yên Bái, người Giáy định cư đông nhất là xã Gia Hội, huyện Văn Chấn. Một số ít sống xen kẽ ở Yên Bình, Lục Yên. Trong năm, bà con có nhiều ngày Tết. Mỗi ngày Tết lại có nội dung, ý nghĩa và cách tổ chức riêng. Xin giới thiệu vài nét về tục ăn tết trong năm của dân tộc này.

Mùa xuân đi chơi hội.
Mùa xuân đi chơi hội.

Tết Nguyên đán (tiếng Giáy là Xiêng it) có nơi còn gọi là Tết Một, hoặc Tết lớn (Xiêng láo). Tết này được coi trọng nhất trong năm. Mọi sự chuẩn bị cho Tết thật công phu. Bắt đầu từ việc lên rừng kiếm củi, tiếp đó là sửa lại nhà cửa. Đàn bà lấy chuối, hái rau lợn, lá dong. Đàn ông ép mía, nấu mật. Mọi thành viên trong gia đình giã gạo, xay bột, nấu rượu. Người phụ nữ có tuổi bận bịu việc khâu áo, khâu giày, thêu khăn, làm còn, làm yến, đẽo quay...

Đêm giao thừa, người đi hứng nước “thiêng” ở nguồn, người thắp hương ngoài cửa, người đi mổ gà, mổ vịt cúng tổ tiên. Riêng nước, nếu không có điều kiện tới tận nguồn thì có thể lấy ngay ở nơi dẫn nước về nhà, đồng bào gọi là nước “giỏi”. Việc lấy nước “giỏi” phải là ông chủ gia đình, thời gian trước giao thừa. Nước “giỏi” đem đun sôi pha trà dâng cúng. Số còn lại, mọi thành viên rửa mặt, chân tay. Sở dĩ nước được quý trọng bởi người Giáy tin rằng: nước lấy đầu năm là nước sạch, nhiều may mắn, nước sẽ đem lại cho họ những điều tốt lành.

Với trẻ con, nước giúp chúng chóng lớn, khôn ngoan. Giống như các dân tộc khác, người Giáy đặt bàn thờ ngày Tết ở vị trí trang trọng trong nhà. 4 góc bàn buộc 4 cây mía đan quấn vào nhau. Trên bàn bày hoa quả như bưởi, cam, quýt cùng các loại bánh (chỉ có ở ngày Tết) như bánh sa khao, bánh mật, bánh dầu thòn... Mọi việc làm cỗ cúng đến 5 giờ sáng là xong. Lúc này cả nhà mới quây quần bên mâm, ăn bữa tất niên.

Trong bữa tất niên nếu gia chủ có khách đến vui chung thì khách sẽ được ngồi mâm với chủ nhà. Khách phải làm đủ thủ tục trước khi cầm đũa: ấy là “rửa” đúng 6 chén rượu; lần lượt 4 chén “rửa” chân, tay; liếp theo 1 chén “rửa” mặt đầu xuân cho “mát mẻ”; rồi 1 chén “rửa” miệng để năm mới nói lời hay ý đẹp (thực chất là uống). Kết thúc đêm giao thừa cũng là sáng mồng một. Gia chủ, người cao tuổi, cá nhân hoặc nhóm đi chúc Tết lẫn nhau. Người lớn hân hoan chào đón, tay bắt mặt mừng cùng với những lời tốt đẹp, tình cảm nồng nàn. Trẻ con được tặng quà, chủ yếu là tiền. Những ngày Tết, bản người Giáy đâu đâu cũng tưng bừng. Bên mâm rượu họ ôn cố tri tân, chuyện mùa màng, chuyện dâu rể, con cháu trong dòng tộc. Trong khi ngoài thôn làng trống hội vào xuân rộn rã cùng các trò chơi như đánh quay, chơi yến, tung còn, bập bênh. Kết thúc 3 ngày Tết Nguyên đán, mọi người lại cuốc, cày xuống ruộng.

Ngoài tết Một tức là tết Nguyên đán như đã kể trên, người Giáy còn 5 cái tết nữa diễn ra trong năm, đó là:

Tết tháng Hai tức là Tết “Xiêng nghi”. Thời gian ăn tết là đầu tháng 2 âm lịch. Bà con nghỉ hai ngày. Trong hai ngày này làng bản không cho người lạ vào. Đặc biệt người Giáy không vui chơi như Tết Nguyên đán. Đây chính là hình thức “cấm bang”, mục đích giữ cho làng bản “trong sạch” không bị xúi quẩy, khỏi gặp những điều không may. Tết này tổ chức dưới hình thức cộng đồng. Làng, bản mổ chung một con lợn trong rừng cấm. Đại diện từng gia đình đem bát đũa vào đấy dự cơm, xong là về.

Tết tháng Ba - người Giáy gọi là Tết xiêng Sram. Đây chính là Tết Thanh minh (gần giống người Kinh). Mọi nhà, mọi người sắm lễ vật, hương hoa cùng nhau đi tảo mộ, tưởng nhớ người thân đã quá cố.

Tết Năm (Xiêng há) tức là Tết mồng 5 tháng 5.

Tết Bảy (Xiêng sặt) tổ chức vào rằm tháng bảy. Có nơi còn gọi là Tết “củn xíp xri” (ăn mười bốn). Với người Giáy, Tết này chỉ xếp sau Tết Nguyên đán. Làng bản cũng như mọi nhà cỗ bàn rất to (gần giống xíp xí của dân tộc Thái).

Tết Xiêng cú, tức là Tết Chín. Tết này, thực chất là lễ mừng cơm mới - Tục chủ yếu là ăn cốm, tổ chức vào tháng 11.

Tóm lại, tục ăn tết của người Giáy thật đa dạng, độc đáo. Dẫu có những đặc điểm khác nhau, nhưng tết của họ cũng có những nét tương đồng với các dân tộc anh em. Ở đây là sinh hoạt cộng đồng (gia đình, làng bản) gắn với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên (trời, đất, sông, núi, gió, mưa...) nhằm cầu sức khỏe, cầu mùa, cầu chúc phúc, lộc, thọ. Tết là thời điểm giã từ năm cũ, Tết là dịp để mọi gia đình sum họp.

Tết xưa bao giờ cũng gắn với lễ hội. Ngày nay, Tết còn là nét đặc sắc văn hóa của từng dân tộc. Tục ăn Tết của người Giáy Yên Bái không ngoài ý nghĩa, nội dung đó.

Bùi Huy Mai

Các tin khác

Ngày 31/1, Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất trong năm 2008 là phối hợp với các đơn vị chức năng khởi quay 3 bộ phim lịch sử về Thăng Long - Hà Nội.

Màn kết của Táo Quân 2008

Táo quân năm nay sẽ không có Táo giáo dục, Táo thể thao.. mà thay và đó là Táo báo chí cùng các Táo khác. Bên cạnh đó không thể thiếu Nam Tào, Bắc Đẩu và Thiên Lôi đã trở thành thân thuộc với khán giả.

Nữ văn sĩ người Anh Doris Lessing, 88 tuổi, đã chính thức đón nhận giải thưởng Nobel Văn chương 2007 tại một buổi lễ trao giải diễn ra ngay trên quê hương bà ở thủ đô London.

YBĐT - Đồng bào Thái vùng Mường Lò - Văn Chấn, Nghĩa Lộ có tục lệ trong ngày Tết phải dùng đến cá, là món lễ vật dâng lên tổ tiên, thần linh. Ngay từ ngày 29 tết, bà con kéo nhau ra suối, dùng các loại dụng cụ để bắt cá, cá to, cá bé bắt được đều đem về làm cỗ, chế biến thành 3 nhóm khác nhau như món cá độn cơm (khảu pái pa), cá mọc (pá mọc), cá nướng (pá pỉng).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục