Cần bảo vệ phát huy giá trị văn hóa đình Bằng Là
- Cập nhật: Thứ năm, 21/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đình Bằng Là (huyện Văn Chấn) được tôn dựng năm Giáp Thân (năm 1704) thuộc triều vua Lê Duy Tông. Đình này vừa thờ sơn thần (Đức Thánh Tản), vừa thờ ông Phạm Đình Yên, là người có công khai sơn lập địa ở vùng này.
(Ảnh: Thành Trung)
|
Sắc phong của đình cơ bản ghi: “Đức Thánh Tản đặc trật thượng đẳng thần”, Đệ tam Đại Vương thượng ngàn, Phò mã Quận Công, quan trấn ải quản lãnh sơn hà kiêm thủy bộ...” Bà Lê Thị Dong cũng được thờ tại đền này và nhà vua truy phong “Đức chúa núi Nả” hay được gọi là bà chúa Nả lưu truyền đến ngày nay. Cụ Phạm Đình Tế là danh tướng văn võ song toàn, là phó tướng của Nguyễn Quang Bích có công lớn vận động binh sỹ, nhân dân đứng dậy chống thực dân Pháp xâm lược từ ngày đầu. Rồi đến cụ Lãnh Năm là võ tướng kiệt suất cùng nhiều người yêu nước khác kiên quyết đánh giặc Pháp xâm lược để bảo vệ cả vùng tam tổng Nghĩa Lộ cũng được thờ tại đây.
Đình Bằng Là, là trung tâm của cụm đình bao gồm các đình nhỏ từ xã Minh Phú, xã Việt Hồng (huyện Trấn Yên); đình Đồng Bờ (xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn). Những đình này được các triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức ban sắc phong, nhưng hầu hết các sắc phong đều thất lạc. Tuy vậy, đình Bằng Là đến nay còn nhiều các cứ liệu quan trọng vẫn còn lưu giữ trong dân gian và thư tịch.
Căn cứ vào những tư liệu, gia phả, hiện vật, chúc thư của các vị tiền bối để lại và những lời kể của nhiều người cao niên cho thấy, lịch sử văn hóa đình Bằng Là đã tồn tại hơn 3 thế kỷ. Kiến trúc đình Bằng Là tồn tại từ năm 1705 đến năm 1947. Ở đây, có một thời gian dài đã diễn ra các hoạt động văn hóa tâm linh không chỉ ở xã Đại Lịch mà còn nhiều xã khác của huyện Văn Chấn và huyện Trấn Yên gọi là tổng Đại Lịch – một trong 4 tổng của Văn Chấn.
Đình Bằng Là đầu thế kỷ 18 còn đơn sơ. Về sau, đình được làm bằng cột bằng gỗ chò, gỗ thọ, lợp bằng lá cọ rộng rãi, khang trang. Năm 1924, đình Bằng Là được làm lại cấu trúc theo mẫu đình tỉnh miền xuôi kết hợp kiểu kiến trúc dân tộc Tày theo kiến trúc cổ là nhà sàn 2 gian 2 trái có cầu thang lên, xuống hai bên. Hai gian chính giữa là chính điện. Đến năm 1944, đình được mở rộng gồm có 5 ngôi nhà.
Riêng khu tiền sảnh nhà có 3 gian bằng gỗ lim. Đây là nơi diễn ra các lễ hội lớn, cúng rước thần hồi hoàn cung, đàn nhạc, ca múa... Vào các ngày 1, 14, ngày rằm đều có đèn nhang, trầu nước để cung vọng. Hàng năm, vào ngày 5, 6 tháng giêng âm lịch tổ chức mở lễ hội “khai xuân mở rừng”; ngày 15, 16 tháng 7 âm lịch tổ chức lễ hội “Mở hội kỳ an, xá tội vong nhân”. Vào những ngày này, các thế hệ con, cháu... các dòng họ, họ tộc gần, xa đến đình Bằng Là thắp hương, cúng tế thể hiện lòng thành kính, biết ơn trân trọng các thế hệ đi trước đã có công khai sơn lập địa, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược để đất nước bình an, thịnh vượng.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Đình Bằng Là là nơi chi bộ Đảng, đội du kích xã Đại Lịch diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng bàn cách đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, xây dựng căn cứ cách mạng... Từ đó, phong trào cách mạng được đẩy mạnh từ Đại Lịch đến nhiều xã khác trong và ngoài huyện. Tiêu biểu là phong trào du kích, đứng đầu là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Thọ. Trung ương Đảng quyết định cho nhân dân Đại Lịch và một số xã khác đi tản cư đến vùng tự do của tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, chỉ để lại lực lượng dân quân, du kích kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, Đại Lịch còn là vùng đệm để bảo vệ chiến khu Vần – Vân Hội (huyện Trấn Yên) - là căn cứ cách mạng bảo vê cơ quan đầu não của huyện. Đại Lịch còn là nơi có nhiều nhà hoạt động cách mạng thời kỳ 1930 – 1945. Trong 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, cuối năm 1947 đình Bằng Là bị giặc Pháp tàn phá. Nay các cứ liệu, tư liệu di tích đình Bằng Là được chính quyền huyện và xã giao cho ông Phạm Đình Phi ở thôn 15, Bằng Là trông nom, bảo quản còn nhiều hiện vật như: một bàn thờ cổ 3 tầng, 1 lư hương đồng đại, một chiêng đồng, 2 cây đèn đại, 2 đèn tiểu, 2 ống phóng, 1 bút tích phò mã, 1 chúc thư ghi năm 1760, 1 chứng nhận được lập đình và thờ, 3 đạo sắc phong...
Hiện nay, khu đình Đại Lịch còn có những viên gạch cổ, xây từ năm 1705, quanh đình còn di tích thành lũy tường bằng đất hình xoáy ốc. Nay còn rõ nét những lũng gà, lũng lợn, lũng dê... là bãi chăn thả gia súc cung cấp thực phẩm cho du kích tham gia chống thực dân Pháp của Nguyễn Quang Bích...
Có thể nói, đình Bằng Là có giá trị văn hóa về tâm linh; nơi để thể hiện lòng thành kính của nhân dân huyện Văn Chấn, những chi tộc dòng họ đối với tổ tiên, xây dựng bản làng và chống thực dân Pháp xâm lược; là một điểm có thể phát triển du lịch nối liền tua du lịch Chiến khu Vần – Hiền Lương - Âu Cơ và di tích lịch sử Căng và đồn Nghĩa Lộ.
Để mãi mãi sau này các thế hệ con cháu hiểu và tự hào về lịch sử oai hùng của cha ông, của quê hương đất nước và biết kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay thì Đình Bằng Là cần được Đảng, Nhà nước, ngành hữu quan quan tâm xây dựng lại để xứng tầm với lịch sử ở khu vực này.
Hoàng Hữu Nghiêm
Các tin khác
Phần 3 của High School Musical mang tên High School Musical 3: Senior Year sẽ công chiếu ở Pháp ngày 22-10, trước cả khi ra mắt khán giả Mỹ, đây có lẽ là món quà thú vị đối với các fan Pháp.
Mới đây, trong khuôn khổ của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật khu di tích miếu Đồng Cổ thuộc thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai, huyện Từ Liêm.
Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (Bộ VH-TT-DL) vừa có công văn gửi các Sở VH-TT các tỉnh, thành phố, yêu cầu ngăn chặn và loại bỏ ngay hiện tượng thương mại hóa lễ hội như: đấu thầu tổ chức, thu phí không hợp lý, lừa gạt khách tham quan...
Theo ông Lê Nguyên Long, phó giám đốc Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM, lễ trao giải Oscar (giải thưởng điện ảnh của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ) lần thứ 80 sẽ được đài truyền hình Việt Nam phát sóng độc quyền trên kênh VTV9 và nối sóng tại Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đài truyền hình Hà Nội từ 8g30 - 11g30 ngày 25-2.