Một nét xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 4/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đã nhiều năm nay, cứ mỗi độ xuân về, cùng với những nét xuân muôn thuở: hoa đào khoe sắc, cây cối đâm chồi nảy lộc, trên bàn thờ mỗi gia đình thêm mâm ngũ quả, cặp bánh chưng... là một nét xuân mới cũng không kém phần xuân sắc. Nét xuân mới đó là: sinh hoạt thơ trong dịp Nguyên tiêu.
Hoa cúc. (Ảnh: Thanh Ba)
|
Không chỉ có cơ quan hội văn học – nghệ thuật đứng ra tổ chức Ngày Thơ Việt Nam mà nhiều tổ chức xã hội khác cũng nô nức, hào hứng làm những chương trình thơ của mình. Chỉ tính riêng ở thành phố Yên Bái, trong những ngày qua, Hội Văn học – Nghệ thuật Yên Bái, các câu lạc bộ thơ của Chi hội Thơ Việt Nam tại Yên Bái, Hội Người cao tuổi Yên Bái, cho đến các nhà đền: chùa Ngọc Am, đền Tuần Quán, đền Nam Cường... đều tràn ngập một không khí thơ ca. Đó chẳng phải là thơ ca đã mang tính xã hội hóa cao độ, thơ ca không chỉ là tháp ngà dành riêng cho các nhà thơ chuyên nghiệp mà còn là ngôi nhà ấm cúng, sưởi ấm, nâng đỡ tâm hồn cho mọi con người? Đó chẳng phải là dịp để tôn vinh những giá trị của thơ Việt đã có một truyền thống mấy nghìn năm qua với những tên tuổi lẫy lừng và với cả một phong trào thơ bình dân rộng khắp? Đó chẳng phải là dịp để thơ ca mừng xuân, mừng Đảng, mừng đất nước, quê hương đổi mới? Đó chẳng phải là một nét xuân mới rất đẹp, rất xuân đó sao?
Xin điểm qua đôi chút để thấy cái hương vị của nét xuân này. Tại trụ sở Hội VH - NT Yên Bái đã long trọng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Phần nghi lễ: thắp nến, dâng hương tưởng nhớ tới các nhà thơ tiền bối, tưởng nhớ nhà thơ lớn Hồ Chí Minh và thể hiện 2 bài thơ Việt tiêu biểu. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” tương truyền là của tướng quân Lý Thường Kiệt, ra đời từ năm 1077 tại trận chiến với quân xâm lược nhà Tống trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, góp phần động viên quân sĩ đập tan ý đồ đen tối của kẻ thù, giữ yên bờ cõi. Bài thơ đã được suy tôn là thơ “Thần”, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.
Bài thơ “Nguyên tiêu”, Bác làm vào đúng đêm Nguyên tiêu, cũng là Nguyên tiêu của năm Mậu Tý, tức ngày 24/2/1948. Cách đây tròn 60 năm, khi ấy tại chiến khu Việt Bắc, sau chiến thắng Lũng Mười, Bác tham dự một cuộc họp quân sự quan trọng, lúc trở về đã nửa đêm, ngồi trên chiếc thuyền (thực ra đó chỉ là một chiếc mảng nứa), trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và tiền đồ của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy triển vọng, Bác đã ứng khẩu đọc 4 câu thơ thất ngôn cho mọi người cùng nghe:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.
Bốn câu thơ thất ngôn Bác đọc đêm ấy là bài thơ “Nguyên tiêu” bất hủ của thơ Việt và Nguyên tiêu đã được chọn làm Ngày Thơ Việt Nam từ 6 năm nay.
Sau phần nghi lễ trang trọng đến phần trình bày các bài thơ tiêu biểu của Yên Bái trong năm 2007. Đó là thơ của các tác giả được giải trong cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái năm 2007, thơ của các nhà thơ, người cao tuổi, của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ. Vừa đọc thơ cho nhau nghe, vừa xem thơ được trình bày nghệ thuật trên vải lụa và kết thúc bằng cuộc thả thơ. Thơ Yên Bái như những cánh diều bay lên cao vút trên không trung của một chiều Nguyên tiêu trời trong, nắng ấm, gió nhẹ, trong tiếng hò reo vui vẻ như báo hiệu một điềm lành...
Tại đền Tuần Quán, nhà đền cùng các chi hội người cao tuổi cũng tổ chức một đêm thơ Nguyên tiêu thật ý nghĩa. Các bài thơ của các cụ, các bà, các anh, các chị đều làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt cổ điển. Chủ đề xoay quanh vịnh cảnh đêm Nguyên tiêu, nhớ Bác Hồ, vịnh cảnh đẹp của đền, lễ hội đền cầu cho quốc phú dân an...
Thật xúc động khi thấy các cụ, các bác, các anh, các chị, người là nông dân, người buôn bán ở chợ, người đã về hưu tâm sự việc làm thơ và đọc thơ của mình một cách tự tin, hào hứng! Xin trích mấy bài thơ của các cụ để thấy tấm lòng người cao tuổi nặng tình, nặng nghĩa với đất nước, quê hương và với Bác Hồ đến thế nào: “Mậu Tý nguyên tiêu nguyệt tất viên/ái thi, ái quốc, ái xuân thiên/ Ngã môn tề tụ nghênh xuân tiết/Nguyện dĩ thanh tâm đãi thánh hiền” (Lê Đăng Dũng, tổ 51, Đồng Tâm); “Kháng chiến nguyên tiêu Bác làm thơ/Trăng vào thuyền chiến, sóng đung đưa/Xuân khứ, xuân lai đà sáu chục/Vẫn nhớ thơ trăng của Bác Hồ” (Nguyễn Bá Hoán, phố Tuần Quán); “Xuân về hoa nở khắp nơi nơi/Đền thiêng tấp nập dưới nắng trời/Vào đền dâng lễ lòng thành kính/Cầu đẹp non sông, đẹp hương đời” (Phạm Minh Luân, Chi hội Nông dân Tuần Quốc.
Những hoạt động thơ ca ấy quả là một nét xuân mới, nét xuân đẹp và nhiều ý nghĩa ở thành phố Yên Bái trong mùa xuân Mậu Tý 2008. Những nét xuân này cần được nhân lên nhiều hơn nữa ở nhiều nơi trên khắp địa bàn tỉnh. Để cho thơ ca trong những dịp Nguyên tiêu này thực sự là những món ăn tinh thần bổ ích cho tất cả mọi người, để vườn hoa thi ca Yên Bái ngày càng nở rộ với nhiều sắc hương, điều đó cũng cần sự quan tâm của các cấp, các ban, ngành.
Thiết nghĩ, đó cũng là một cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đổi mới và hội nhập, không tốn kém mà lại khơi động được lòng người thêm trong sáng, góp phần cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Hiền Lương
Các tin khác
Nhóm nhạc nam đình đám một thời đã thông báo về sự trở lại với làng âm nhạc thế giới của họ, bắt đầu bằng việc biểu diễn trực tiếp lần đầu tiên trên sân khấu sau gần 8 năm.
Cuộc trưng bày về Việt Nam, giới thiệu gần 300 bộ sưu tập và hiện vật về nghề thủ công truyền thống và văn hóa Việt Nam, sẽ khai mạc ngày 10/3 tới tại thủ đô Seoul
Chỉ còn duy nhất Zhang Zi-lin (Trung Quốc) - đương kim Hoa hậu Thế giới 2007 - người giành giải cao nhất ở một trong 4 cuộc thi sắc đẹp lớn nhất thế giới là còn trụ lại ở Top 5.
Lần đầu tiên, một sinh hoạt trao đổi tri thức được tổ chức trong một tuần liên tục tại Huế, do tạp chí Văn hóa Phật giáo và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tại chùa Từ Đàm (TP Huế) từ ngày 1 đến 7-3.