“Sao tổn khuống” một truyện ngắn hay của Hoàng Thế Sinh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cái hay của truyện ngắn “Sao tổn khuống” trước hết là sự ám ảnh của hình tượng văn học, là sự linh hoạt trong bút pháp hiện thực – huyền ảo. Nội dung của truyện đã đề cập những vấn đề lớn của cuộc sống hôm nay ở miền núi. Đó là cuộc sống còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng lại đầy ắp những giá trị văn hóa. Ở đó, con người và thiên nhiên hòa quyện với nhau, nương tựa vào nhau, tạo nên sự trường tồn hàng nghìn năm qua.

Truyện ngắn “Sao tổn khuống” của nhà văn Hoàng Thế Sinh Báo Yên Bái) lần đầu in trên “Tạp chí Văn nghệ Dân tộc miền núi” của Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó in lại trên “Tạp chí Văn nghệ Yên Bái” số 5-2007. Cũng trong thời điểm này, anh có truyện ngắn “Người nông dân bé nhỏ” được lọt vào vòng chung khảo của cuộc thi truyện ngắn trên Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu đặt hai truyện này cạnh nhau, tôi thích “Sao tổn khuống” hơn.

Cái hay của truyện ngắn này trước hết là sự ám ảnh của hình tượng văn học, là sự linh hoạt trong bút pháp hiện thực – huyền ảo. Nội dung của truyện đã đề cập những vấn đề lớn của cuộc sống hôm nay ở miền núi. Đó là cuộc sống còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng lại đầy ắp những giá trị văn hóa. Ở đó, con người và thiên nhiên hòa quyện với nhau, nương tựa vào nhau, tạo nên sự trường tồn hàng nghìn năm qua.

Huyền thoại đã góp phần gắn kết những giá trị tinh thần và cũng là một phần của văn hóa. Tác giả đã đưa người đọc đến một vùng núi cao với lễ hội Lồng Tồng. Đến hẹn lại lên, các chàng trai, cô gái thi nhau hát giao duyên: “Tôi từ bản xa nhìn thấy lửa. Nhìn thấy bóng áo cỏm của em. Nhìn thấy má hồng muốn hỏi thăm. Nhìn thấy sân hoa muốn đến chơi. Sân hoa của người yêu đấy...”. Lập tức Sao tổn khuống Sa và cùng bốn sao lắc xáy cất lời đáp: “Anh từ phương trời nào tới đây. Chim khôn sao lạc trong rừng xanh tươi này. Muốn đón anh lên sân hoa, nhưng nấc thang còn ở mãi trong rừng xa. Một mình em không lấy được. Phải nhờ bạn mới có thang về...”. Nhân vật chính của truyện cũng là Sao tổn khuống, là Sa, một cô gái đẹp người, đẹp nết. Theo quan niệm của người dân: “Làm Sao tổn khuống phải thật trong sạch cả thể xác lẫn tâm hồn”.

Nhưng cơ chế thị trường đã mở ra, đồng tiền đã mang theo sức mạnh ghê gớm của nó. Người dân miền núi đang phải đối mặt với thứ văn minh vật chất để bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Bởi vì nếu mất văn hóa, sẽ mất tất cả.

Người đọc hồi hộp theo dõi bước đi của Sa. Từ cái lần cô đi bắt ốc suối, ngã xuống nước, được hươu vàng cứu vớt. Đến khi cô được chọn làm Sao tổn khuống, rồi đột ngột xuống nhà hàng Chiều Ban Tím để làm thêm, có tiền (vì ở nhà mẹ đang ốm, em gái đang cần tiền đi học). Và cũng vì đồng tiền mà Sa không còn giữ được trinh tiết nữa. Người yêu của cô là anh Tềnh đã phải chịu đau đớn để xông vào cứu cô. Mặc dù được nhiều người tha thứ, năm sau Sa vẫn được chọn làm Sao tổn khuống, nhưng mẹ cô gần như không tha thứ cho cái tội làm ô uế thể xác và linh hồn của cô.

Đỉnh cao là Sa đã phải chịu sự trừng phạt bằng cái chết của mình. Tiếng con hươu vàng kêu “kéc, kéc, kéc...” như một mệnh lệnh không thể cưỡng lại được. “Linh tính báo cho Sa một điều gì đó không bình thường. Sa như người bị bắt mất hồn vía, cứ ngẩn ra... Sa chạy ngược dòng Nậm Đung, tắt qua chân núi Khau Soóng, vượt dốc đá, tìm lên ngọn núi thác Mây... Ba ngày sau, dân bản vớt được xác của Sa giạt vào triền đá phía dưới thác Mây. Điều thật kỳ lạ, bên cạnh Sa là xác con hươu vàng, sừng vẫn mắc chùm phong lan hoàng thảo hoa vàng, có hơi dập nát một chút nhưng lá xanh rờn, hoa vàng tươi như nắng mai...”.

Có thể nói, cái chết của Sa và con hươu vàng như sự ra đi của một thiên thần trong truyện cổ tích ám ảnh rất lâu trong lòng người đọc. Ngay trong phần đầu truyện ngắn, con hươu vàng đã xuất hiện, như là hình ảnh của lòng bao dung độ lượng, của tình yêu và khát vọng, hướng tới cái đẹp chân chính. Nó đã làm mê hoặc nhiều cô gái đẹp, nhưng lại bị mọi người hiểu lầm là quỷ dữ. Mặc dù, con hươu vàng cũng có thể được hiểu như một vị thần linh của núi rừng sâu thẳm. Một vị thần có cá tính và nghiêm khắc, vừa cụ thể, vừa huyền bí, sẵn sàng truyền năng lượng tinh thần, giúp cho người miền núi vượt qua mọi gian lao, thử thách, để đứng vững và hướng tới tương lai. Cái chết của con hươu vàng như một lời cảnh báo: con người phải vừa say, vừa tỉnh trong buổi đầu hội nhập văn hóa Đông – Tây. Bản sắc dân tộc là chất đề kháng tốt nhất để con người tiếp thu có chọn lọc, kế thừa những giá trị mà cha ông để lại, để luôn được là mình và làm mới bản thân mình. Ở đây, nội dung câu chuyện đã đạt tính phổ quát và phương pháp hiện thực, huyền ảo đã mang lại hiệu quả tối đa.

Câu chuyện đã được kể liền mạch, giàu kịch tính và hấp dẫn. Ngôn ngữ trở nên giản dị, như cách nghĩ và cách nói của người miền núi. Màu sắc, âm thanh trong ngày lễ hội đã mang những vẻ đẹp lấp lánh, tự nhiên như rừng, như suối. Ngoài những điều nói trên, nhà văn còn gửi một thông điệp tới các nhà quản lý văn hóa, du lịch ở miền núi. Họ không thể vì lợi nhuận mà làm tổn thương đến văn hóa, linh hồn con người. Ở nơi ấy, các thần núi, thần rừng, cùng với tổ tiên luôn hiển linh với con người hiện tại. Ai vi phạm vào luật Đời, luật Trời sẽ bị trừng phạt như thuyết quả báo, quy luật nhân quả.

Có người nhận xét trên bình diện văn học cả nước là truyện ngắn như đang chững lại, còn thơ và tiểu thuyết thì đang cựa quậy. Quả thật, trong cái biển sách báo hàng ngày, tìm được những truyện ngắn hay để đọc là một điều thật thú vị. Tôi chưa có điều kiện đọc hết những tác phẩm của nhà văn Hoàng Thế Sinh, nên chưa dám khẳng định đây là truyện ngắn hay nhất của anh. Ở đây, tôi chỉ nêu ra một vài cảm nghĩ khi đọc truyện ngắn “Sao tổn khuống”. Chắc chắn không thể nói hết được giá trị của một tác phẩm văn học.

Văn Thà

 

Các tin khác
Thày Cả thả tranh thơ trước khi lễ “thụ đèn” trong “Chẩu đàng”.

YBĐT - “Chẩu đàng” là một nghi lễ vừa mang tính xã hội sâu sắc trong cộng đồng người Dao, vừa thể hiện tín ngưỡng tôn giáo, đậm bản sắc dân tộc, thấm đẫm nhân văn.

Lần đầu tiên một tập hồi ký của những chuyên gia quân sự Nga đã từng tham gia giúp Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ được công bố rộng rãi tại nước Nga. Tác phẩm này đã được NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật dịch, biên tập và phát hành rộng rãi với tên gọi Chiến tranh Việt Nam là thế đó.

Hãng Warner Bros. vừa thông báo họ sẽ chuyển thể phần cuối của loạt truyện "Harry Potter", Harry Potter and the Deathly Hallows của J.K. Rowling thành 2 bộ phim.

Đài truyền hình Hồ Nam tuyên bố sẽ thực hiện phiên bản Trung Quốc của sitcom "Ugly Betty".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục