Sắp công chiếu bộ phim về bác sĩ Đặng Thùy Trâm
- Cập nhật: Thứ năm, 9/4/2009 | 12:00:00 AM
Sau buổi chiếu ra mắt, gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm khá hài lòng với hình ảnh của chị được thể hiện trên phim, mặc dù khi truyền tải qua ngôn ngữ điện ảnh có ít nhiều hư cấu
|
Câu chuyện về nữ liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm thêm một lần nữa gây xúc động cho người xem qua ngôn ngữ điện ảnh trong buổi chiếu ra mắt bộ phim "Đừng đốt" (biên kịch và đạo diễn: NSND Đặng Nhật Minh) sáng 8/4 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia - Hà Nội. "Đừng đốt, trong đó đã có lửa" - câu nói đầy ý nghĩa của một người lính phiên dịch chế độ Sài Gòn cũ tên Huân (người đã nhặt được cuốn nhật ký sau một vụ tàn sát bệnh xá - nơi bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đang chữa trị cho thương binh) được đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã chọn đặt tên cho phim - "Đừng đốt". Cái đẹp cứu rỗi thế giới. Dường như tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đối với những người thân yêu đầy thiêng liêng, trong sáng của tác giả cuốn nhật ký- nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm- giống như ngọn lửa thức tỉnh lương tri, đã khiến những người bên kia chiến tuyến, khi được đọc cuốn nhật ký đều phải thay đổi cách nhìn của mình về cuộc sống, về cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Đó là Huân, là Fred, là bà chị dâu người Việt của Fred (người có bố và anh trai theo nguỵ đã bị chết trong cuộc chiến)..., hay bất kể những ai được đọc cuốn nhật ký đều phải dừng lại, suy ngẫm và thay đổi nhân sinh quan sống. Đúng như bà mẹ của Fred, sau khi nghe con trai kể về cuốn nhật ký, đã nói: "Rồi cuốn nhật ký sẽ thiêu đốt cả cuộc đời con", quãng đời còn lại của Fred sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam, trở về Mỹ, đã luôn bị ám ảnh, dày vò bởi những ký ức chiến tranh khủng khiếp ở Việt Nam, những gì đã gây ra cho nhân dân Việt Nam... Sau khi tìm được cách đưa cuốn nhật ký trở lại với gia đình bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm sau 35 năm gìn giữ bên mình, Fred đã oà khóc giống như một đứa trẻ khi sự sám hối của ông dường như đã được chấp nhận... Giọt nước mắt vỡ oà sau 35 năm phải kìm nén những day dứt, hối hận trong lòng... Fred đã dặn người cháu gái của mình khi cô quyết định tham chiến ở Iraq để có tiền vào đại học: "Cháu hãy nhớ rằng, viên đạn bắn ra không thể thu lại được", và cô cháu gái đã mỉm cười: "Tốt nhất là không nên để viên đạn nào phải bắn ra bác ạ". Ý nghĩa của những thông điệp về hoà bình, về con người, về lý tưởng sống từ cuốn nhật ký của Đặng Thuỳ Trâm, dù rất đỗi giản đơn, nhưng đã vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc chiến tranh ở Việt Nam, có ý nghĩa với toàn nhân loại. "Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình" - tên nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được dịch sang tiếng Anh đã được xuất bản ở Mỹ và 14 nước khác trên thế giới. Là bộ phim do Nhà nước đặt hàng, nhưng vượt qua những lo ngại về việc làm xong và... xếp kho như nhiều bộ phim đặt hàng khác, bộ phim "Đừng đốt", với phần âm nhạc tuyệt vời của hai nhạc sỹ người Hungary Benedicfi Zoltan và Benedicfi Istvan và đã gây xúc động mạnh cho người xem trong suốt 102 phút bộ phim được chiếu. Mặc dù khi được truyền tải qua ngôn ngữ điện ảnh, ít nhiều hư cấu so với nguyên mẫu, song khán giả, và cả những người thân của gia đình liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm có mặt tại buổi công chiếu đều tỏ ra hài lòng sau khi xem phim. Bên cạnh những áp lực về một bộ phim từ một nguyên mẫu có thật, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, quá trình làm phim gặp nhiều thuật lợi khi tất cả những người tham gia đều có chung sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng dành cho liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Ai cũng cố gắng làm hết sức mình. Trong phim có tới 7 diễn viên Mỹ chuyên nghiệp được ông chọn thông qua Hiệp hội diễn viên New York và tất cả họ khi nhận lời tham gia vào bộ phim đã đọc rất kỹ cuốn nhật ký đã được phát hành ở Mỹ với tên sách "Đêm qua tôi mơ thấy hoà bình". Diễn viên Matthew Korchs, người vào vai cựu chiến binh Mỹ Fred, trước khi trở về Mỹ sau khi bộ phim đóng máy, đã nắm tay đạo diễn Đặng Nhật Minh xúc động: "Đây là quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời tôi". Một trong những người góp phần quan trọng làm nên thành công của bộ phim phải kể đến diễn viên Minh Hương, mà như đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tỏ ra khá hài lòng nhận xét: "Có lẽ không có sự diễn xuất của Minh Hương thì bộ phim không thể thành công". Với vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện, lối diễn xuất chân thực, giản dị, vai diễn bác sỹ Đặng Thùy Trâm của Minh Hương đã thuyết phục được người xem.
Bệnh viện Bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở Quảng Ngãi
Khi bộ phim đang trong giai đoạn tuyển diễn viên, bà Doãn Ngọc Trâm, thân sinh liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã yêu cầu: diễn viên vào vai Đặng Thuỳ Trâm không thể là diễn viên "chân dài", vì bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm sinh thời là người có vóc dáng thấp; và diễn viên phải không bị điều tiếng gì. Sau khi xem phim, bà cho rằng, mặc dù phim có những hư cấu và chưa thực sự đúng với tính cách của Đặng Thuỳ Trâm ngoài đời thực, nhưng bà cũng khá hài lòng với hình ảnh của Đặng Thuỳ Trâm được thể hiện trên phim.
Bộ phim chính thức ra mắt vào 29/4 tới trong loạt phim kỷ niệm những ngày lễ lớn 30/4 và mùng 1/5 năm nay.
(Theo VOV)
Các tin khác
Bộ VH-TT&DL vừa quyết định đầu tư 15 tỉ đồng để xây dựng 25 tụ điểm văn hóa tại 25 làng, bản, buôn, ấp ở vùng có hoàn cảnh đặc biệt thuộc 25 tỉnh trong cả nước gồm: Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang.
YBĐT - Đến với Mường Lai (Lục Yên - Yên Bái), không chỉ được đắm mình trong giai điệu du dương, trầm bổng của tiếng sáo, làn then trữ tình mà còn ấn tượng với tiếng trống mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nơi đây, nhịp sống thường ngày của đồng bào Tày gắn cùng những tiếng trống. Nhưng, đó đã là chuyện của những năm 1990 trở về trước...
Ngày 5/4, diễn đàn UNESCO - trường đại học và di sản lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội. Việt Nam hy vọng đây là cơ hội quảng bá Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010.
Cuộc thi siêu mẫu thế giới Top Model of the World 2009 vừa kết thúc tại Đức với chiến thắng thuộc về Débora Lyra, người đẹp đến từ “quê hương” của những người mẫu Brazil.