Xa rồi tiếng trống Mường Lai...

  • Cập nhật: Thứ tư, 8/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến với Mường Lai (Lục Yên - Yên Bái), không chỉ được đắm mình trong giai điệu du dương, trầm bổng của tiếng sáo, làn then trữ tình mà còn ấn tượng với tiếng trống mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nơi đây, nhịp sống thường ngày của đồng bào Tày gắn cùng những tiếng trống. Nhưng, đó đã là chuyện của những năm 1990 trở về trước...

Một trong số những chiếc trống còn được giữ ở thôn 16, xã Mường Lai của gia đình ông Hoàng Quang Nhạn.
Một trong số những chiếc trống còn được giữ ở thôn 16, xã Mường Lai của gia đình ông Hoàng Quang Nhạn.

Một thời đã xa...

Xã Mường Lai có trên 1.500 hộ, hơn 7.000 nhân khẩu, sinh sống ở 20 thôn. Toàn xã có 4 dân tộc chung sống, trong đó đồng bào Tày chiếm trên 97%. Người dân Mường Lai chủ yếu trông vào cây lúa, chăn nuôi nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong đời sống tinh thần của họ vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa mang bản sắc dân tộc riêng có. Đó là những nét đẹp văn hóa còn nguyên vẹn trong các dịp rằm tháng Giêng, tết Đoan ngọ, rằm tháng Bảy, đám cưới hỏi hay lễ cúng lúa mới, lễ vào nhà mới rồi tục đeo vòng tay, lễ ra đồng... Đó còn là tiếng sáo, điệu hát then và cả tiếng trống.
Trước những năm 1990 ở Mường Lai, mỗi gia đình đều có một đến hai cái trống.

Tiếng trống gắn với phong trào hợp tác xã “Gió Đại Phong” (một điển hình tiên tiến về học tập, lao động sản xuất). Tiếng trống theo cùng phong trào 1.000 việc tốt của thanh thiếu niên, học sinh trong xã. Tiếng trống không tách rời phong trào học tập của trẻ em nơi đây...

Ông  Hoàng Văn Ngân ở thôn 6 cho biết: “Trước những năm 1990, tiếng trống có nhiều ý nghĩa lắm, đặc biệt là báo hiệu giờ học cho các em nhỏ. Cứ đến 7 giờ tối là có người trực ở trụ sở UBND xã để đánh trống thì ngay lập tức, tiếng trống lan đi toàn xã và các em ngồi vào bàn học”. Theo vòng quay thời gian bốn mùa, thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, tiếng trống dùng để đón giao thừa tại mỗi gia đình. Đêm giao thừa, trống đánh 3 hồi, mỗi hồi 3 tiếng, sau đó chủ nhà ra mở cửa, nổi lửa đun nước, thắp hương, đốt đèn, rót nước mời tổ tiên. Rồi cứ 5 đến 10 phút, trống lại được đánh một lần để báo hiệu năm mới cùng mùa xuân đã về. Không những thế, tiếng trống còn được dùng làm hiệu lệnh để từng thành viên trong mỗi gia đình nhận biết đâu là tiếng trống của nhà mình. Nhờ vậy nên thậm chí có khách đến chơi khi gia chủ đang chơi quanh xóm làng hay ra đồng cũng chỉ cần đánh trống hiệu là chủ nhà sẽ về ngay.

Trong các dịp lễ, đám cưới hỏi, tiếng trống cũng không thể thiếu - ấy là tiếng trống chứa đựng niềm vui, rộn ràng. Tiếng trống như tiếng lòng thúc giục bao bạn trẻ đến gần nhau hơn qua những câu hát giao duyên và sau mỗi câu hát kết thúc là những tiếng trống đệm. Người dân Mường Lai còn dùng trống để báo động khi trong nhà có người đau ốm, người sắp qua đời, cháy nhà, kẻ xấu đột nhập rồi báo thời gian đi làm, thời gian nghỉ và trống báo an ninh, báo họp thôn...

Người Tày Mường Lai sống ở nhà sàn. Trống và nhà sàn gắn bó khăng khít với nhau. Trong nhà sàn, trống được trưng bày ở một vị trí thuận lợi, dễ đánh nhưng không vướng người đi lại và thường là đặt trên cầu thang. Nhà nào có trống to thì đồng bào quan niệm nhà đó có của ăn của để.

Thưa vắng tiếng trống xưa

Đáng tiếc, khi mà đời sống của người dân từng bước được cải thiện thì tiếng trống càng thưa vắng. Hết thời bao cấp, hết thời lao động hợp tác xã, tiếng trống đã bớt đi một phần quan trọng đối với nhân dân. Và nhất là hiện nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, các phương tiện thông tin liên lạc cũng theo đó lan rộng, lấn át dần tiếng trống. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả xã Mường Lai chỉ còn khoảng 30% hộ gia đình có trống, trong đó nhiều hộ còn giữ nhưng trống cũng đã hư hỏng, không được sửa chữa. Và đáng buồn hơn bởi người dân thậm chí không quan tâm đến sự tồn tại cùng ý nghĩa, lịch sử của tiếng trống một thời.

Ông Hoàng Quang Nhạn - Bí thư Chi bộ thôn 16 nuối tiếc: “Thôn 16 có 70 hộ nhưng đến nay chỉ còn khoảng 20 đến 25 cái trống. Các gia đình bây giờ ít sử dụng trống, không như trước đây nữa...”. Còn ông Lê Khánh Lợi - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai giãi bày: “Quả thật, tiếng trống ngày càng mai một. Nếu như trước đây về với Mường Lai, các bạn sẽ cảm nhận được nhiều nét đẹp văn hóa từ tiếng trống chứ hiện giờ, người dân mấy ai còn tha thiết...”.

Thiết nghĩ, để tiếng trống có thể tiếp tục hiện diện trong đời sống thường nhật của người dân, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu sắc hơn, thêm yêu mến nét đẹp văn hóa này. Đồng thời cần khuyến khích, động viên nhân dân gìn giữ, phát huy, đưa trống trở lại với các lễ hội, những hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... Và cũng cần thiết có sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực giúp người dân làm trống mới. Tất cả những điều đó là mong muốn, tiếng trống lại vang ngân khi bắt đầu bình minh mỗi ngày mới ở Mường Lai...

Văn Tuấn

Các tin khác
Cấm Thành Thăng Long nằm trong giới hạn viền đỏ. Khu vực nằm trong hình vuông xanh là Trung tâm Hoàng thành (số 18 Hoàng Diệu).

Ngày 5/4, diễn đàn UNESCO - trường đại học và di sản lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội. Việt Nam hy vọng đây là cơ hội quảng bá Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010.

Débora Lyra cùng với Á hậu 1 (trái) và Á hậu 2 (phải)

Cuộc thi siêu mẫu thế giới Top Model of the World 2009 vừa kết thúc tại Đức với chiến thắng thuộc về Débora Lyra, người đẹp đến từ “quê hương” của những người mẫu Brazil.

Du khách thập phương về dự Lễ hội đền Hùng.

Người Việt Nam vẫn thường nhắc nhau: "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng Ba". Gần một tháng qua, nhân dân cả nước và kiều bào xa Tổ quốc đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về ngày Quốc giỗ Đức tổ Hùng Vương. Đây thực sự trở thành ngày hội hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên của mọi người con đất Việt.

Tiến Đoàn - Hồng Nhung

Theo thư mời của tổ chức Festival người mẫu và sắc đẹp quốc tế 2009, người mẫu Thạch Hồng Nhung sẽ lên đường sang Trung Quốc từ 22/4 đến 17/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục