"Lồng tồng" - Hội vui lại mở

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Theo tộc truyền, tổ tiên người Tày đến định cư tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã từ nhiều thế kỷ trước, tập trung ở Đồng Song, Kiên Lao và Khe Rộng. Họ tích cực lao động sản xuất và hình thành những nét sinh hoạt văn hóa như: thờ cúng, truyền khẩu các truyện cổ tích như trời đất gặp nhau, các nàng tiên xuống trần cứu giúp người dân, Bó khau quang, chàng Tham Lường và nàng Ứ Lự...

Quang cảnh lễ hội “Lồng tồng” ở xã Kiên Thành Xuân Kỷ Sửu 2009.
Quang cảnh lễ hội “Lồng tồng” ở xã Kiên Thành Xuân Kỷ Sửu 2009.

Đặc biệt, hằng năm vào mùa xuân, người Tày Kiên Thành tổ chức lễ hội Cầu mùa - Lồng tồng (Cau Lôống Tôống) cầu sự bình an, hạnh phúc và no đủ. Lễ hội với những nghi lễ trang nghiêm thể hiện lòng thành kính và phần hội tươi vui với các nghệ nhân biểu diễn hát nôm, hát then, tấu nhạc đàn tính, sáo cùng và những khuôn múa Dậm thuông nồng say... Song đáng tiếc vì nhiều lý do khác nhau mà lễ hội truyền thống đó hơn nửa thế kỷ qua không được tổ chức nữa, nhiều nét sinh hoạt văn hóa độc đáo có nguy cơ mai một. Qua khảo sát của ngành văn hóa Yên Bái, người dân Kiên Thành từ 45 tuổi trở xuống không hiểu biết gì về lễ hội Lồng tồng nói riêng và nhiều nét sinh hoạt văn hóa nói chung của dân tộc mình.

Đứng trước nguy cơ ấy, xã Kiên Thành quyết định khôi phục lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày. Thật mừng bởi kế hoạch này không những được huyện Trấn Yên, được tỉnh Yên Bái, nhất là ngành văn hóa quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ mà nhân dân cũng rất phấn khởi, nhiệt tình ủng hộ. Khi cán bộ văn hóa về Kiên Thành nghiên cứu, tìm hiểu để khôi phục lễ hội đã được đồng bào quan tâm, giúp đỡ, coi như người thân trong gia đình.

Ông Hoàng Văn Lũy - Chủ tịch UBND xã Kiên Thành hào hứng: “Rất vui và rất bất ngờ, qua quá trình sưu tầm được biết, cả phần lễ và phần hội đều là những ước nguyện, những lễ vật rất gần gũi, thân thuộc với cuộc sống của người dân hằng ngày. Chẳng hạn như lời cúng thần hoàng bản thổ là cầu cho mưa thuận gió hòa; cầu cho chim muông, thú rừng không phá hoại mùa màng; cầu cho ngô, lúa tốt tươi; cầu cho thôn xóm bình yên...

Lễ vật cũng không hề xa lạ là thịt lợn, các món ăn truyền thống với các loại xôi như: khảu cắm, đăm, deng, khao, lương; các loại bánh gói hình vuông, hình tròn như: pẻng uôi, pẻng chàa lam, khảu nố. Đặc biệt nhất là sáu lễ chính gồm lễ cúng thần gió, thần mưa; thần hoàng bản thổ; thần núi gồm: khau raáo, khau cuốm, khau thú; bà chúa. Phần hội tươi vui thu hút mọi người, nhất là những ai có năng khiếu văn nghệ như hát nôm, hát then, tấu nhạc đàn tính và các trò chơi đánh yến, đáng quay, tung còn... rồi cùng thi đấu đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay”.

Xuân Kỷ Sửu vừa qua, khi sắc hoa đào thắm, trắng sắc mận rừng, những ngọn măng vầu vươn mình đón nắng ấm thì cả xã Kiên Thành, từ bản Mông Đồng Rộng, bản Tày Đồng Song, Kiên Lao, Khe Rộng... tấp nập vui hội Lồng tồng. Phần lễ được chuẩn bị chu đáo, cả sáu đội đều thi nhau thổi xôi, làm bánh, làm kiệu hoa rất công phu bởi ai ai cũng muốn tham gia buổi lễ cho thật trang trọng, thể hiện lòng thành kính với trời đất, với tổ tiên. Phần hội càng vui hơn từ các cháu thiếu nhi đến những cụ ông, cụ bà đều tham gia  tập luyện, biểu diễn và thi đấu. Tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn hay ở nhà các trưởng bản đã từ lâu trở thành “sân khấu nhỏ” để luyện tập các tiết mục múa, hát và tấu nhạc.

Điệu “Dậm đáp” (múa kiếm) của các thiếu nữ Tày trong lễ hội “Lồng tồng” thể hiện tinh thần thượng võ.

Đúng ngày rằm tháng Giêng, hòa trong âm hưởng của dòng thác 9 tầng Tôông Naá là tiếng trống, tiếng nhạc của các đoàn rước lễ đến sân hội. Đi đầu đám rước là ông trưởng bản đồng thời là người cúng lễ, phía sau có 5 mâm cỗ xếp thành hàng dài. Những thiếu nữ Tày dường như duyên dáng hơn, đáng yêu hơn trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Khi các đoàn rước tề tựu đông đủ, các lễ vật đã được sắp xếp đủ đầy, một hồi trống nổi lên để bắt đầu phần lễ chính. Nghi lễ được thực hiện rất trang nghiêm trước sự chứng kiến của hàng ngàn du khách, đông nhất là nhân dân các xã lân cận như: Quy Mông, Y Can, Hoàng Thắng, Lương Thịnh... Già làng thắp hương gọi mời thần hoàng bản thổ, thần núi, thần nước cầu cho mưa thuận gió hòa.

Già làng cúng xong, các trưởng họ, khách mời và dân làng cùng vào thắp hương, làm lễ. Rồi phần hội mở đầu bằng việc già làng cúng nàng Còn: “Mời nàng Còn xuống chơi cùng dân bản và phù hộ cho mùa màng tốt tươi...”. Khấn xong, già làng khai hội để dân bản cùng vui ném còn. Tiếp đó là các điệu dậm đàn tính, dậm vii (quạt), dậm đáp (múa kiếm) - thể hiện tinh thần thượng võ, dậm cheo rưứa (chèo thuyền), dậm teo kéo (nhảy chân sáo) - thể hiện sức sống mãnh liệt, lòng tự hào dân tộc và dậm mạc rính (múa quả nhạc). Điều đặc biệt trong lễ hội Lồng tồng ở Kiên Thành còn có sự xuất hiện của những vị khách mời là người dân tộc Dao tham gia. Những vị khách này thổi kèn pí lè trong khi rước kiệu hoa, thể hiện sự giao thoa giữa các nền văn hóa cũng như truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc từ ngàn đời đã được vun đắp, giữ gìn và không ngừng phát huy.

Du khách đến với lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày ở Kiên Thành không chỉ kính cẩn với lòng thành trong phần lễ, vui tươi cùng phần hội sôi động mà còn đắm say bởi tình người mộc mạc, chân thành, ngất ngây men rượu nồng qua lời hát mời:

“Chén rượu để không trên cửa sổ nó đắng
Chén rượu đầy để trên mâm nó đổ
Mời ông, mời quan vào mâm
Mời các bậc cao niên nhấp rượu”...

Tự hào lắm khi quê hương mình có lễ hội độc đáo và tươi vui! Từ nay, năm nào Kiên Thành cũng tổ chức lễ hội. Tết đến, xuân sang, xin mời du khách bốn phương về với Kiên Thành để cùng vui hội Lồng tồng! 

                  Tấn Đạt

Các tin khác

Sau buổi chiếu ra mắt, gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm khá hài lòng với hình ảnh của chị được thể hiện trên phim, mặc dù khi truyền tải qua ngôn ngữ điện ảnh có ít nhiều hư cấu

Bộ VH-TT&DL vừa quyết định đầu tư 15 tỉ đồng để xây dựng 25 tụ điểm văn hóa tại 25 làng, bản, buôn, ấp ở vùng có hoàn cảnh đặc biệt thuộc 25 tỉnh trong cả nước gồm: Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Một trong số những chiếc trống còn được giữ ở thôn 16, xã Mường Lai của gia đình ông Hoàng Quang Nhạn.

YBĐT - Đến với Mường Lai (Lục Yên - Yên Bái), không chỉ được đắm mình trong giai điệu du dương, trầm bổng của tiếng sáo, làn then trữ tình mà còn ấn tượng với tiếng trống mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nơi đây, nhịp sống thường ngày của đồng bào Tày gắn cùng những tiếng trống. Nhưng, đó đã là chuyện của những năm 1990 trở về trước...

Cấm Thành Thăng Long nằm trong giới hạn viền đỏ. Khu vực nằm trong hình vuông xanh là Trung tâm Hoàng thành (số 18 Hoàng Diệu).

Ngày 5/4, diễn đàn UNESCO - trường đại học và di sản lần thứ 12 diễn ra tại Hà Nội. Việt Nam hy vọng đây là cơ hội quảng bá Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục