Lên Phansipăng nghe gió hú
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với 50 bài ký và ghi chép mang đậm chất lãng mạn của người miền núi, “Lên Phansipăng” của nhà báo - nhà văn Hoàng Thế Sinh lại lần nữa chứng tỏ khả năng khai thác và thể hiện sinh động, hiệu quả loại hình nghệ thuật - báo chí đặc sắc này.
Hoa đỗ quyên rực nở trên đường lên đỉnh Phansipăng.
|
Ở bộ ba tiểu thuyết: Bụi hồ - Xứ mưa - Rừng thiêng, do Nhà xuất bản Lao động xuất bản mới đây tuy đã thỏa mãn nhu cầu hư cấu của tác giả nhưng đã phần nào phản ánh tài năng khắc họa hình tượng nhân vật miền núi khá độc đáo của cây bút thấm đẫm mồ hôi, chia sẻ bao nỗi vui buồn với nhân dân vùng Tây Bắc Tổ quốc. “Lên Phansipăng” với muôn mặt cuộc sống, có vùng đất, con người cụ thể, có cả những khát khao, tâm huyết dốc bầu máu nóng của tác giả với vùng đất này. Dẫu biết đây là tập hợp những bài ghi chép, những bài ký của anh trong khoảng thời gian gần đây nhưng logíc sự kiện, những con người có tên tuổi, có cuộc sống riêng gắn với những con suối, ngọn núi riêng có của Tây Bắc thì chẳng pha trộn vào đâu được (kể cả những bài viết trên đất Trung Hoa, miền Trung - Tây Nguyên), nhất là tiếng hú gọi quen thuộc của đồng bào trước rừng núi mà Hoàng Thế Sinh là người rất khéo léo thể hiện. Mảnh đất Yên Bái - nơi Hoàng Thế Sinh sống và gắn bó máu thịt mấy chục năm qua đã nuôi dưỡng tâm hồn, nghị lực và sức sáng tạo của anh. Chính lẽ đó, anh như người chịu ơn qua từng trang viết. Các tác phẩm: Xưa ơi thương nhớ miền Tây, Bên dòng sông Mẹ, Đất và người Mù Cang Chải, Kỳ vĩ Hoàng Liên, Thác Bà miền xanh trong, Khát vọng từ đất, Ban mai thành phố trẻ, Miền gái xinh, Nà Hẩu xa xanh… như những lời thầm thì mà phát hiện về mảnh đất, con người nơi đây. Những địa danh, những tộc người và cả những con người bằng xương bằng thịt cụ thể cũng được ngòi bút anh dựng tượng ngôn ngữ sừng sững mà lung linh, huyền ảo.
Trong một lần “Lên Phansipăng” cùng Hoàng Thế Sinh, bạn đồng nghiệp về kể rằng, ngày đó trời âm u như gió mưa sắp ập về, anh cứ hai tay chắp hướng lên trời mà khấn khứa cho được một lần chinh phục “mái nhà Đông Dương”. Tuổi không còn trẻ, đến mấy chàng thanh niên đồng nghiệp leo dốc ngang đường đã bở hơi tai muốn quay về, còn anh thì vẫn mải mê chụp ảnh, rồi lẩm nhẩm ghi ghi chép chép. Thảo nào về nhà, anh vung tay viết. Bút ký “Lên Phansipăng” của anh như một kho tư liệu quý về lai lịch vùng đất, cây cỏ. Đêm ở lưng chừng trời mà anh vẫn cảm nhận được tất cả: “Tiếng suối thoảng vào đêm như chảy từ đỉnh trời xuống, qua nắng - qua gió - qua bão - qua sương - qua cây - qua đá, cảm giác ngọt và trong đến lạ lùng. Trong sương mù và bóng tối, cây cổ thụ nghiêng ngả vào nhau cứ thì thầm thì thầm những chuyện đẩu đâu của rừng xanh núi thẳm… Tự nhiên tôi đưa tay khỏa vào sương lạnh, rồi ngửa mặt nhìn ngàn sao qua kẽ lá, lạ thay có gió mùa đông bắc mà ngàn sao vẫn lấp lánh thế kia thì chỉ có Giời mới sắp đặt cho chúng tôi một ngày mai thật tốt lành. Và cả ngàn sao ấy đã theo tôi vào đêm nguyên thủy, kết thành một giấc mơ kỳ lạ về sự mọc lên vời vợi của núi Phansipăng cách nay cả trăm triệu năm giữa mênh mông ạt ào sóng nước”. Rồi anh kể về muôn vàn cây lá suốt dọc đường lên đỉnh núi Phansipăng vời vợi với hàng trăm loại phong lan, loài gỗ quí, thảm thực vật bảy trăm loài đặc hữu và đặc biệt là rừng đỗ quyên tạo ra muôn sắc màu chỉ riêng Phansipăng mới có.
Tâm hồn và cảm nhận của anh về rừng cây, về đời người thì sâu sắc lắm. Anh kể, một lần đi rừng Bảo Yên cùng Bí thư Huyện ủy bỗng nghe tiếng chim hót, tiếng suối róc rách chảy: “Tôi nghểnh tai nghe. Ô, tiếng nước chảy, tiếng sơn ca hót, lẫn tiếng lá lao xao lao xao nữa, hòa thành bản hợp xướng tươi vui rộn rã của núi rừng hùng vĩ. Cứ nghe tiếng suối, tiếng chim, tiếng lá rừng là tôi lại muốn mò mẫm vào rừng xem cái nguồn sinh thủy bắt nguồn từ dãy núi nào, tiếng chim cất lên từ đàn chim nào, tiếng lá rung lên từ vòm cây nào. Biết rồi thì mê đắm mãi không thôi” (Bảo Yên thương nhớ). Điều này đã có thể giải thích về tiếng hú, tiếng reo vui rạo rực của anh trong mỗi trang viết có rừng, có muông thú và những con người lao động cần mẫn yêu rừng, giữ rừng mãi cho màu xanh thắm tươi.Muốn viết được bài ký cho ra hồn thì phải đi nhiều, đọc nhiều. Hoàng Thế Sinh nghiền ngẫm muôn sự trong những chuyến lãng du.
Hãy theo anh đến thăm mẹ Sáng ở An Thịnh, Văn Yên, Yên Bái: “Ngõ rơm và sân thóc vàng đưa chúng tôi vào nhà mẹ Sáng, người mẹ có ba con là liệt sĩ. Tôi sững sờ nhìn dáng mẹ gày tom, nhỏ bé và xiêu xiêu như giọt mưa đông… Mắt mẹ rưng rưng, những giọt nước mắt rịn ra lăn dài trên hõm má nhăn nhúm”. Mỗi tin con hy sinh, người thì ở Khe Sanh, người thì nằm ở chiến trường phía Nam và người hy sinh ở Cao Bằng: “Những đêm như thế, nước mắt mẹ chảy ngược vào trong tim, nóng bỏng và cảm giác mặn hơn cả nước mặn trùng dương”. Hy sinh ba người con trai vì Tổ quốc, trước Chúa, lời cầu nguyện của người mẹ rành rọt: “Các con tôi biết sống, biết chết vì quê hương, đất nước. Là người mẹ, tôi sao khỏi đau đớn nhưng tôi không ân hận. Tôi chỉ cầu nguyện đất nước mình không còn chiến tranh”. Trong sự hào sảng, phấn chấn trước bao đổi thay của đất trời và cuộc sống, tự tin và lạc quan, sau chuyến lãng du xuyên Việt, Hoàng Thế Sinh bộc bạch nhiệt thành mà nghiêm túc tâm trạng của một người lính - nhà báo - nhà văn đầy tình cảm và trách nhiệm: “Bước chân lãng du từng đặt trên chót đỉnh - nơi cột cờ Lũng Cú - Hà Giang, trên cái dấu chấm đỏ của chữ S ở Sa Vỹ - Trà Cổ và tọa độ quốc gia mũi Cà Mau.
Qua chín núi mười sông dọc dài Đất Nước, dù còn nghèo nhưng ở đâu tôi cũng thấy bát ngát đồng xanh, ngút ngàn rừng cây, vườn sum suê hoa trái. Phố xá lung linh. Các nhà máy, công xưởng, trường học, bệnh viện… mọc lên khắp nơi. Một cuộc sống sôi động đang trỗi dậy mạnh mẽ sau những năm tháng chiến tranh đau thương mất mát. Mới thấm thía sự hy sinh và cống hiến vô cùng lớn lao của ông cha, của bao chiến sĩ và nhân dân ta” (Mười chín ngày & một đêm). Sự cảm nhận ấy đeo đẳng anh, thúc giục cây bút anh xông xáo cày xới trên những trang văn làm đẹp cho đời.
Lan Hương
Các tin khác
YBĐT - Trong các bài hát quan làng của đám cưới dân tộc Tày, bài hát Sắng lùa (Dặn dâu) là bài hát đại diện của họ nhà gái, có thể là ông đưa, bà đưa hoặc là phù dâu hát, tùy theo khẩu khiếu của từng thành viên trong đoàn đưa đó.
“Đại náo Shinjuku” là một trong những bộ phim của điện ảnh Trung Hoa được chờ đợi nhất trong năm 2008, nhưng do một số trục trặc nên bộ phim đành rời sang năm 2009. Phim được chọn là phim chiếu mở màn cho Liên hoan phim Quốc tế Hồng Kông lần thứ 31, được tổ chức từ 22/03/2009 – 13/04/2009. Vào ngày 24/4, phim sẽ được trình chiếu tại Việt Nam, trước cả Nhật Bản (chỉ sau Hồng Kông và Malaysia).
Ban Quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ ngày 13.4 cho biết, ban đã xây dựng hoàn chỉnh nhóm tượng đài gồm 3 điểm, tại 2 xã Nà Nhạn và Mường Phăng - thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - nhằm tái hiện một phần chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Ngày 19/4 được Thủ tướng Chính phủ chọn là "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam". Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam" sẽ diễn ra tại Làng Văn hoá-Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội vào tối 19/4. Công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn này đã sẵn sàng.