Một cánh hoa rơi
- Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hoa từng mùa. Mùa nào cũng vậy, hoa tàn hoa nở theo quy luật của tạo hóa vô tình, dù lòng người tiếc thương hay than thở.
|
Mùa hạ thì:
“Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Chẳng cho ai có thể lạnh tanh
Hoa đặt vào lòng chúng ta vệt đỏ
Như vết xước của trái tim”
(Thời hoa đỏ - Thanh Tùng)
Mùa thu thì:
“Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến
Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi
Còn sót lại trên bàn bông cúc tím
Bốn cánh tàn, ba cánh sắp sửa rơi”
(Hò hẹn mãi cuối cùng
em cũng đến - Hoàng Nhuận Cầm)
Mùa đông thì:
“Lại đã thêm một mùa đông nữa đến
Phố ngoài kia như vội sớm lên đèn
Hoa sữa muộn mằn cố thơm cuối vụ
Người qua đường trong sương sớm lạ, quen…”.
Và mùa xuân, mùa của chồi non, lộc biếc, của mưa xuân hoa nở, của sự sống sinh sôi. Bất cứ ai cũng khó lòng có thể dửng dưng trước cảnh xuân sang. Đó là quy luật của muôn đời mà đến một vị thiền sư như Mãn Giác cũng nhận ra:
“Xuân qua, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười”
(Có bệnh bảo mọi người)
Xuân tới, trăm hoa đua nở, khoe sắc phô hương rực rỡ. Ấy thế mà không phải vậy. Ngay giữa cảnh xuân tươi có thi nhân vẫn thấy:
“Hoa đào từng cánh rơi như tưới
Xuống mặt sân rêu những giọt buồn”
(Nguyễn Bính)
Điều ấy tưởng như một nghịch lí nhưng lại có thi nhân lí giải rằng:
“Héo trước trăm hoa, hoa bạc mệnh
Đang xuân để khỏi thấy xuân tàn”
(Hoa bạc mệnh - J. Leiba)
Thuở xưa, người ta thường gọi những người đẹp là “khách má hồng”, “kiếp hoa đào”, còn Leiba gọi họ là “hoa bạc mệnh”. Cái đẹp thường ngắn ngủi, dễ gì thấy mĩ nhân đầu bạc, hoa đẹp tươi thắm mãi. Vì thế, đang giữa ngày xuân ngời cũng khiến ta phải thở dài ngậm ngùi cho cái đẹp...
Chẳng trách thi nhân vốn dĩ đa tình luôn nặng lòng với cảnh hoa rơi lá rụng. Ta đã thấy bao thi nhân buột kêu lên thảng thốt:
“Ô kìa! Sao hoa lại phải rơi?”
(Xuân Diệu)
“Gió giật - hoa rơi một cánh
Chao ôi! Một kiếp người đi?”
(Điền Ngọc Phách)
Hoa rơi mùa nào cũng buồn nhưng khiến lòng người xao động hơn cả là hoa rơi lúc đương xuân:
“Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân”
(Đỗ Phủ)
Chỉ một cánh hoa rơi cũng đã giảm hẳn vẻ đẹp của mùa xuân, nói gì đến lớp lớp cánh hồng rớt rơi? Đến đất nâu cũng phải nghiêng lòng đón khẽ những cánh hoa bay...
Nhưng rồi ta cũng lại thấy, không phải ai cũng thấy hoa rơi gợi vẻ buồn. Chợt ngộ ra rằng, điều này chẳng phải Nguyễn Du đã từng nói đấy sao?
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.
Đấy là cái lúc Hồ Chí Minh thấy:
“Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình”
(Cảnh chiều hôm)
Hương hoa không chấp nhận nở tàn trong sự vô tình của tạo hóa mà “bất bình” kể với thi nhân để tìm sự đồng cảm. Nỗi niềm ấy đến giờ vẫn còn băn khoăn nên ta thường thấy dù cánh nhung đã lìa đài mà hương hoa vẫn còn vương vấn vấn vương mãi chẳng xa lìa. Như người ngọc dù đã đi xa mà chút hương vẫn còn đọng lại khiến khách đa tình ôm mãi sầu mộng trong lòng chẳng nguôi:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
(Khóc Bằng Phi - Tự Đức)
Và cũng bởi vì điều gợi nên sự tiếc nuối không phải vì cánh thắm rụng rơi mà bởi vì nuối tiếc hương hoa rồi sẽ vĩnh viễn bay đi cùng với gió dù có kiên trì “tố bất bình” với người biết thương hoa tiếc ngọc đến đâu đi nữa. Nhưng dù sao, làn hương vẫn là thứ cuối cùng chịu khuất phục quy luật vô tình của tạo hóa:
“Dẫu là đỡ kịp hoa rơi
Thì làn hương vẫn chơi vơi cuối cành”
(Nguyễn Ngọc Oánh)
“Hoa rơi trắng mảnh sân con
Dù hoa đã rụng vẫn còn ngát hương”
(Hoa bưởi - Trần Đăng Khoa)
Có phải vì thế không mà trước đó, thi sĩ vốn cực kì yêu cái đẹp - Xuân Diệu - đã từng có ước muốn phi lí, táo bạo là muốn đoạt quyền tạo hóa:
“Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
(Vội vàng)
Hồ Chí Minh sở dĩ có con mắt nhìn vạn vật phơi phới lạc quan như vậy vì Người là một nhà cách mạng, nên hoa hay “Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Ta không hề thấy trong bài thơ “Cảnh chiều hôm” có cái vẻ buồn của sự yếm thế mà lại thấy cái hùng và chất thép của tinh thần cách mạng sục sôi.
Rồi ta lại gặp một cặp mắt xanh non, biếc rờn nữa trong cái nhìn về cảnh lá rụng hoa rơi. Lần này là của cậu bé Trần Đăng Khoa thuở còn thơ ngây viết về hoa bưởi - cũng là một đóa hoa xuân:
“Hôm qua hoa rụng cánh rồi
Sớm nay cái cuống đã trồi quả non”
Ở đây, hoa rơi không gợi cảm giác tàn tạ, li biệt mà lại nói lên một quy luật giản dị muôn đời của tạo hóa. Vạn vật có sinh có diệt, vũ trụ tuần hoàn thì mới có mùa xuân vĩnh hằng. Cái chân lí hết sức đơn giản mà sâu sắc ấy lại được một tâm hồn thơ ngây phát hiện, thật quả là thần đồng! Bởi vậy, hoa rơi không phải buồn mà phải nên tiếc nếu hoa chẳng nở kịp lúc xuân sang, nếu không sẽ tìm đâu trái ngọt lúc thu vàng?
Và cuối cùng, ta gặp một cành hoa xuân thắm mãi trong thơ dù cổ kim bao thăng trầm dâu bể:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai ”
(Có bệnh bảo mọi người - Mãn Giác thiền sư)
Một người trong lúc lâm trọng bệnh, sắp từ giã cõi đời về nơi cực lạc mà vẫn thấy đời thắm đẹp sắc xuân trong cành mai nở muộn lúc giao mùa. Làm gì có chút tàn tạ, thê lương nào trong câu thơ trên? Chỉ thấy một tấm lòng yêu đời, một niềm tin vào sự sống đến bất khả diệt…
Sáng nay, tôi lại thấy một cành mai nở muộn trước sân, màu hoa trắng rưng rưng trong gió sớm xôn xao… Cầu mong cho những cây non chóng nảy lộc ấm cành để mùa hạ cứng cáp tán xanh, mùa thu cho quả ngọt đầy sai và hoa thắm dành đón bao mùa xuân sắp tới…
Nguyễn Thị Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Nhà sàn đã có từ thời Vua Hùng và được thể hiện trên trống đồng. Nhà sàn đã là nơi cư trú, che nắng che mưa, ngăn thú dữ, là nơi sum họp gia đình của người Việt. Theo biến động của thời gian, có dân tộc chuyển sang ở nhà đất; còn nhà sàn của mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng, phù hợp với điều kiện sống, phong tục tập quán…
Bộ phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá - Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog millionaire) của đạo diễn Anh Danny Boyle cùng dàn diễn viên như Dev Patel, Freida Pinto, Madhur Mittal, Irrfan Khan, Anil Kapoor... dù đã được chiếu rộng rãi khắp thế giới và một số khán giả Việt Nam đã xem qua băng đĩa nhưng vẫn được Công ty Megastar nhập về phục vụ khán giả yêu điện ảnh trong nước. Phim khởi chiếu từ ngày 29.4.2009 tại tất cả các rạp trên toàn quốc.
Tượng nặng 4,5 tấn, cao hơn 4m, được chế tác điêu khắc từ một khối ngọc vĩ đại, nặng 18 tấn, màu sáng bóng và không có tỳ vết.
Hồ sơ về di sản ca trù đã được Cục Di sản và Viện Âm nhạc hoàn thiện và chuyển tới UNESCO đăng ký danh sách Di sản Văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp.