Xây dựng nhà sàn văn hóa: Đừng đánh mất kiến trúc truyền thống!
- Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhà sàn đã có từ thời Vua Hùng và được thể hiện trên trống đồng. Nhà sàn đã là nơi cư trú, che nắng che mưa, ngăn thú dữ, là nơi sum họp gia đình của người Việt. Theo biến động của thời gian, có dân tộc chuyển sang ở nhà đất; còn nhà sàn của mỗi dân tộc đều có những đặc điểm riêng, phù hợp với điều kiện sống, phong tục tập quán…
(Ảnh: Thanh Thủy)
|
Ngày nay, ở nhiều địa phương xây dựng các nhà sàn văn hóa để phục vụ những sinh hoạt cộng đồng và phát triển dịch vụ du lịch. Song tiếc thay, dẫu được đầu tư khá nhiều kinh phí và công sức của Nhà nước và nhân dân thì những ngôi nhà sàn văn hóa ấy còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nhìn một ngôi nhà sàn văn hóa, dù xây dựng bằng vật liệu gì thì trước hết mọi người cũng có thể phân biệt được đó là nhà sàn của dân tộc Mường, Tày hay Thái… Đáng buồn, trên thực tế, các nhà sàn văn hóa cứ na ná nhau.
Thị xã Nghĩa Lộ có tới 44% dân số là người Thái đen đồng thời chính là cái nôi của người Thái đen Tây Bắc. Cả bảy xã, phường đều có nhà sàn văn hóa nhưng chưa có ngôi nhà nào mang đúng phong cách kiến trúc truyền thống ngôi nhà sàn của người Thái đen.
Các nhà sàn văn hóa này cũng làm số gian lẻ, tuy nhiên hai đầu hồi - "Tụp cống" không có cấu trúc khum khum tựa mai rùa như ngôi nhà truyền thống, gắn với truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa, thần rùa "Pua tấu” dạy cho người Thái biết cách làm nhà theo hình rùa đứng.
Các nhà sàn cũng có hai cầu thang: "Khửn song phái/ Cái song đay" , tức là “Mở hai cửa/ Đi hai thang” giống nhà sàn người Thái cổ: "Tang chan" và "Tang quản". "Tang chan" ở cuối nhà, bên trái dành cho phụ nữ lên xuống. "Chan" là phần sàn nhà được nối dài ra ngoài trời - đây là nơi các mẹ, các chị, các em thường ngồi chơi lúc nhàn rỗi, thêu thùa. Cầu thang này luôn mang số lẻ, thường là 9 bậc, ứng với 9 vía. Cầu thang dành riêng cho nam giới - "Tang quản" ở đầu nhà, thường có 7 bậc, ứng với 7 vía. Tuy nhiên, các nhà sàn văn hóa lại thiếu hai bếp lửa - "Chík pháy". Đó là bếp lửa phía "Tang quản" dành cho người già; bếp chính ở phía "Tang chan" dành cho nữ giới và công việc nội trợ.
Đặc biệt, hình tượng cột thiêng - biểu tượng cho linh hồn của ngôi nhà (bản mường) thì chưa nhà sàn văn hóa nào có. Nơi đây có gian thờ tổ tiên - "Hỏng hóng" và cột thiêng - "Sau hẹ". Trên cột thiêng có “Chóp nguôm” đan bằng tre, tượng trưng cho bầu trời, được lồng vào cột thiêng từ trước khi dựng. Trên cột thiêng treo hình thần rùa bằng gỗ, ba bông lúa - "Sam huống khẩu" và ba nhánh rau thì là - "Sam hóm chík". Ngoài ý nghĩa có tính biểu tượng của tô tem giáo thì còn mang bóng dáng của thuyết thiên - địa - nhân và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Cột thiêng quan trọng đến mức, khi dựng nhà bao giờ cũng phải dựng cột thiêng trước, dựng cột gian thờ “Sau hóng” sau: “Púc sau hẹ khửn cón/ Púc sau hóng nắm lăng”. Cột thiêng được cụ thể hóa trong lễ “Xên bản, xên mường” bằng bốn chiếc lõi gỗ quí - “Đắc mường” và sau khi cúng được đem đi chôn bí mật ở bốn góc chiềng. Nếu kẻ thù phát hiện, phá “Đắc mường” tức là đã xâm phạm chủ quyền, có thể làm lung lay hoặc sụp đổ hệ thống cầm quyền và vận mệnh bản mường.
Bên cạnh đó, những hoa văn, họa tiết truyền thống chưa được thể hiện đúng mức trên các nhà sàn văn hóa.
Đó là, nhà sàn người Thái đen cổ được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song của sổ, trên "Khau cút" ở hai hồi nhà: "Khau cút vẽ vân sen/ Đầu kèo vẽ vân én/ Mái nhà xén bằng dui” (Khau cút tẻm lai bua/ Sinh dua tẻm lai én/ Nhả ca bén tin con) đã trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái đen Tây Bắc xưa, nay không hề có trên các nhà sàn văn hóa.
"Khau cút" là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc - "Tiêu bôn", trước hết để chắn gió - "Pảy lốm" cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Trên “Khau cút” được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết như: búp cây guột - “Cút lo ngong”, hoa sen - “Bók bua”, hình trăng khuyết - “Bươn hai bín”…
Giải thích về biểu tượng "Khau cút" có nhiều ý kiến khác nhau như: đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước; đó là những búp cây guột - "Cút lo ngong" có nhiều ở Tây Bắc, hay gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái, anh em luôn nhớ về nhau… Dù có giải thích như thế nào nhưng khi bắt gặp hình "Khau cút" trên nóc nhà sàn là mỗi người Thái đen Tây Bắc lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản mường yêu dấu.
Trên bậu cửa sổ thường chạm hình đôi thuồng luồng - "Tô ngựa", linh vật làm chủ sông, suối - biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc. Trên các chấn song cửa sổ chạm các hoa văn, họa tiết mô phỏng thiên nhiên theo hình đối xứng hoặc lặp lại. Đó là những hình thoi như quả trám, hoa ban - "Bók ban", búp cây guột - "Cút lo ngong"… Nhà sàn người Thái trắng - "Táy khao" thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.
Chắc rằng, những người xây dựng nhà sàn văn hóa cũng có nhiều lý do để giải thích như: do kinh phí; do là nhà xây vĩnh cửu nên không thể dễ dàng thể hiện như trên ngôi nhà bằng gỗ (nhưng thậm chí ngay cả những ngôi nhà sàn văn hóa xây dựng bằng gỗ cũng bộc lộ các thiếu sót này). Xây dựng nhà sàn văn hóa, chúng ta cũng không thể đánh mất kiến trúc truyền thống của mỗi dân tộc. Bởi điều đó không chỉ là thái độ trân trọng nền văn hóa dân tộc mà còn góp phần nhắc nhở mỗi người luôn hướng về nguồn cội, tôn trọng và gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa của tổ tiên. Và đó cũng còn là điều làm nên sự khác biệt của văn hóa mỗi dân tộc, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học cũng như du khách gần xa.
Trần Vân Hạc
Các tin khác
Bộ phim đoạt nhiều giải thưởng danh giá - Triệu phú khu ổ chuột (Slumdog millionaire) của đạo diễn Anh Danny Boyle cùng dàn diễn viên như Dev Patel, Freida Pinto, Madhur Mittal, Irrfan Khan, Anil Kapoor... dù đã được chiếu rộng rãi khắp thế giới và một số khán giả Việt Nam đã xem qua băng đĩa nhưng vẫn được Công ty Megastar nhập về phục vụ khán giả yêu điện ảnh trong nước. Phim khởi chiếu từ ngày 29.4.2009 tại tất cả các rạp trên toàn quốc.
Tượng nặng 4,5 tấn, cao hơn 4m, được chế tác điêu khắc từ một khối ngọc vĩ đại, nặng 18 tấn, màu sáng bóng và không có tỳ vết.
Hồ sơ về di sản ca trù đã được Cục Di sản và Viện Âm nhạc hoàn thiện và chuyển tới UNESCO đăng ký danh sách Di sản Văn hoá cần được bảo vệ khẩn cấp.
Sáng 20/4, tại Thư viện Quốc gia Hà Nội khai mạc Triển lãm tư liệu về các nước ASEAN với tên gọi "Ấn tượng Việt Nam".