Nửa thế kỷ làm báo: Đem theo lời dạy của Bác Hồ
- Cập nhật: Thứ tư, 17/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chưa một lần vinh hạnh được trực tiếp gặp Bác Hồ và được Người dạy bảo cách làm báo, mặc dù tôi biết Người là một nhà báo lớn, sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam. Và theo một tài liệu, cũng giống như Lê-nin trong bản khai lý lịch khi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, Bác Hồ khai nghề nghiệp của mình là làm báo. Hơn nửa thế kỷ kể từ ngày bắt đầu cầm bút làm báo năm 1958, tôi luôn luôn khắc sâu trong trái tim mình những lời dạy thật giản dị mà sâu sắc của Người.
Khi tôi làm việc ở Báo Tây Bắc - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Khu Tây Bắc vào những năm 1959-1960, tờ báo có đăng tin phê bình một xã ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La về việc hàng ngày Ủy ban hành chính (UBHC) xã làm việc đều có người phục dịch. Ít ngày sau, Văn phòng Chủ tịch nước có bì thư lớn chuyển lại cho cơ quan Báo Tây Bắc, tờ báo đã đăng tin phê bình xã nọ, ngoài lề có bút tích của Bác Hồ: "Phải chăng chế độ Phìa Tạo được phục hồi ở đây?".
Chao ôi, tất cả anh em trong Tòa soạn xúm lại xem, cảm động đến run lên bởi không ngờ một mẩu tin đăng trên tờ báo Đảng địa phương cũng được Bác Hồ để tâm đến. Thì ra hàng ngày Bác vẫn đọc, vẫn theo dõi không chỉ những tờ báo lớn ở Trung ương mà cả các báo địa phương, mặc dù Người đang phải lo toan bao nhiêu công việc lớn lao của đất nước.
Trong Tòa soạn ai cũng mừng, nhưng cũng lại rất lo vì không biết độ chính xác của cái tin làm Bác bận tâm đến đâu. Cơ quan báo có trách nhiệm báo cáo ý kiến của Bác với Khu ủy và UBHC khu và chuyển ý kiến phê bình nghiêm khắc của Bác đến xã nọ để sửa chữa. Tòa soạn cử người đi thẩm định lại, rất may là tin phê bình ấy chính xác, UBHC xã được phê bình đã tiếp thu sửa chữa nghiêm túc. Khi ấy tôi mới vào nghề được ít năm.
Từ học nghề sư phạm (Toán, Lý) không hiểu sao tôi lại rẽ ngang sang nghề làm báo. Khi ấy còn rất trẻ, tôi thích nghề báo cũng chỉ là sự viển vông, mơ hồ nào đấy. Nhưng khi nhận được tờ báo có bút tích của Bác Hồ, tôi sung sướng như phát điên lên vì nhận ra báo chí có tầm quan trọng đến nhường ấy và tôi thầm nghĩ: Mình chọn con đường đến với báo chí là sự lựa chọn đúng đắn và tin rằng mình có thể tiếp tục đi theo con đường ấy cho đến tận cùng.
Năm sau, Báo Tây Bắc lại đăng bài báo biểu dương một tấm gương làm việc tốt của một ông già người Thái ở huyện Mai Sơn. Báo phát hành không lâu anh em phóng viên, biên tập viên lại rất bất ngờ nhận được thư của Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu Tòa soạn báo và UBHC tỉnh xác minh lại tấm gương người tốt báo đã đăng để Bác tặng Huy hiệu của Người. Lần này anh em cũng mừng quýnh lên nhưng cũng lại lo thật sự vì nếu báo biểu dương chính xác được xã người ta công nhận thì mừng, nhưng nếu có gì sai sót có ít nói thành nhiều, tô vẽ thêm lên thì biết trả lời Bác thế nào. Nhưng cũng thật may, thẩm tra lại thấy tấm gương đó là chân thật và người đó xứng đáng được nhận Huy hiệu của Người năm ấy. Thế là lần này chúng tôi lại nhận được ở Bác lời dạy bảo chân tình là làm báo phải bảo đảm tính chân thật, mỗi tấm gương người tốt việc tốt, tự thân nó đã rất đẹp không phải tô vẽ gì thêm. Nhưng lớn hơn cả là chúng tôi nhận được từ Bác lời dạy bảo: Báo chí phải biết khơi dậy tinh thần yêu nước, đó chính là lấy những người tốt, việc tốt hàng ngày để giáo dục lẫn nhau và là cách làm tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới.
Từ hai bài báo của tờ Tây Bắc có bút tích của Bác Hồ, cho đến mãi sau này tôi mới biết, từ đầu năm 1956 Người bắt đầu sưu tập những bài báo, mẩu tin viết về người tốt, việc tốt ở tất cả các báo, những bài báo đó được cắt ra dán vào những bản tin đã sử dụng rồi đóng thành tập. Bài đầu tiên Người sưu tập là bài "Mẹ Đăng" cắt từ Báo Phụ nữ Việt Nam số ra 16.2.1956 cho đến bài báo cuối cùng là bài "Xông vào lửa cứu xe, cứu đạn" đăng trên báo Quân đội nhân dân ra ngày 30.12.1968 - trước khi Bác qua đời chưa đến một năm. Tất cả Bác đã sưu tập được 18 tập với hàng nghìn bài báo, bài nào cũng có bút tích của Người (hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ hơn 2000 bài).
Đến tháng 5 năm 1968, Bác giao cho các nhà xuất bản biên tập lại cho ngắn gọn, trong sáng nhưng không hoa hòe, hoa sói in thành sách để giáo dục đạo đức mới cho nhân dân. Người nói: "Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp". Sau khi biên tập xong, Bác kiểm tra lại bằng cách đọc một số bài bất kỳ của các nhà xuất bản. Khi đọc chuyện một anh bộ đội khi chiến đấu bị thương thủng bụng, lúc phải phẫu thuật, chiến sỹ nọ vẫn ngẩng đầu động viên bác sỹ. Vừa đọc Bác đã có nhận xét:
-Liệu có đúng thế không? Có lẽ hư cấu hoặc chưa đến nỗi thủng bụng? Phải nói sao cho chính xác, hợp lý thì người ta mới tin, mới có tác dụng giáo dục.
Đọc tiếp một chuyện khác của Nhà xuất bản Quân đội về chuyện anh bộ đội buộc cờ vào cánh tay bị gẫy để ra hiệu bắn, nghe đến đây Bác bảo:
-Anh ấy bị thương ở tay nọ sao không buộc cờ vào tay kia mà lại đi buộc cờ vào tay gẫy, có vẻ vô lý đấy...
Đọc sang bản thảo của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đó là chuyện hai em bé gái chăn trâu khi thấy máy bay Mỹ bắn phá ác liệt vẫn xông ra cứu trâu, Bác gợi ý:
-Các cháu dũng cảm thì đều đáng khen, nhưng phải thấy con người là quí nhất. Không những phải xem sự việc có đúng thế không, mà còn phải cân nhắc xem có nên thế không.
Qua đọc thử mấy chuyện, được Bác chỉ ra những thiếu sót của bài báo, của người biên tập là: viết còn dài, chưa tập trung, còn tô vẽ thêm làm mất tự nhiên. Phải chọn những tấm gương tiêu biểu, dễ đọc, dễ nhớ như: "Thập nhị tứ hiếu" ấy.
Nghe những lời chỉ bảo của Bác, về nhà tìm đọc lại "Thập nhị tứ hiếu" càng hiểu sâu sắc hơn những điều Người dạy. Vì chả mấy bậc ông bà, cha mẹ chúng ta không lấy những chuyện trong "Thập nhị tứ hiếu" ra để giáo dục cháu con bởi nó dễ nhớ, dễ thấm vào lòng người.
Nửa thế kỷ cầm bút, tôi khắc sâu trong tâm khảm của mình những lời dạy bảo giản dị và sâu sắc của Bác Hồ. Tôi đem theo nó như một thứ hành trang trong suốt cuộc đời của người làm báo.
Hải Đường
Các tin khác
Danh sách 3.276 người đã hi sinh và từ trần ở Côn Ðảo từ năm 1930-1975 vừa được thạc sĩ sử học Bùi Văn Toản tập hợp lại trong hơn 1.700 trang sách Nhà tù Côn Ðảo - danh sách hi sinh và từ trần giai đoạn 1930-1975 (khổ 20,5x29cm, báo Thanh Niên, Hãng phim Thanh Niên và NXB Thanh Niên ấn hành).
Năm 2009 tưởng chừng như khép chặt cửa với các Hoa hậu Quý Cô thì thông tin mới đây của Bộ Văn hoá - Thể Thao – Du lịch cho phép Tỉnh Khánh Hoà tổ chức thi Hoa hậu Thế giới người Việt đã là sự mở rào cho các người đẹp Việt Nam.
Cuốn sách đồ sộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân do NXB Trẻ ấn hành, dày 960 trang, khổ 16cm x 24cm, bìa cứng, được minh họa với hơn 700 ảnh, sơ đồ, bản đồ, tư liệu gốc.
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn có khoảng 26 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa phi vật thể. Thực tế do nhiều lý do khác nhau mà hầu hết các di tích, danh thắng này chưa được nghiên cứu, khảo sát một cách bài bản, khoa học để đề nghị chính quyền địa phương và Trung ương xem xét, ra quyết định công nhận.