Theo Tuyên bố Chủ tịch, Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích thúc đẩy ASEAN xây dựng cộng đồng, đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN và giải quyết các vấn đề cấp bách cùng có lợi cho tất cả các quốc gia Thành viên ASEAN.
Về hợp tác xây dựng Cộng đồng ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sự thống nhất, tương trợ lẫn nhau vượt qua các thử thách, xây dựng cộng đồng ASEAN ổn định, hòa bình và tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời duy trì vai trò trung tâm, uy tín và vị thế của ASEAN.
Hội nghị các Nhà lãnh đạo ASEAN vừa qua đã tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục đích và nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN, bao gồm cả việc tuân thủ luật pháp, quản trị tốt các nguyên tắc dân chủ và chính phủ hợp hiến; đồng thời tôn trọng các quyền tự do cơ bản, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.
Trong khuôn khổ trụ cột kinh tế, ASEAN hỗ trợ thực hiện các Mục tiêu kinh tế ưu tiên (PED) của Chủ tịch ASEAN Brunei. ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh hoàn thành Khung thỏa thuận về Hành lang du lịch ASEAN (ATCAF), sớm vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khu vực cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và nhanh chóng thành lập Trung tâm ASEAN về các trường hợp khẩn cấp và các bệnh mới nổi.
Trong đối phó với đại dịch Covid-19, các Nhà lãnh đạo ASEAN cam kết đẩy mạnh và thúc đẩy phục hồi toàn diện, sớm hoàn tất và thực hiện kế hoạch sử dụng Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 để mua vaccine hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các nước bày tỏ ủng hộ cao đối với sáng kiến tăng cường sức mạnh tổng hợp của ASEAN ứng phó với các thảm họa thiên tai (Sáng kiến ASEAN SHIELD) do nước Chủ tịch Brunei đề xuất.
Trong quan hệ đối ngoại, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, các nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ đối thoại, hợp tác hiệu quả, thực chất, cân bằng với các đối tác, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của ASEAN, đảm bảo phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Các nhà lãnh đạo đã bày tỏ ủng hộ tích cực các đề xuất tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Australia, Mỹ và Anh, trong đó chấp nhận kết nạp Anh làm đối tác đối thoại của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 54.
Với tư cách là đại gia đình ASEAN, Tuyên bố Chủ tịch bày tỏ "quan ngại sâu sắc” về tình hình Myanmar, đồng thời đánh giá cao sự tích cực của ASEAN trong tìm ra giải pháp hòa bình, vì lợi ích của người dân Myanmar. Các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được 5 điểm đồng thuận về vấn đề Myanmar. Trong đó có việc yêu cầu các bên kiềm chế, chấm dứt sử dụng vũ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm giải pháp cho tương lai của Myanmar, cử đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN làm trung gian thúc đẩy tiến trình đối thoại trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar thông qua Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA).
ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực không ngừng của Myanmar trong việc giải quyết tình hình ở bang Rakhine, trong đó có quá trình hồi hương tự nguyện, an toàn theo các thỏa thuận song phương của nước này với Bangladesh, đồng thời nhấn mạnh giải quyết tận gốc tình trạng ở Bang Rakhine./
(Theo VOV)