Trong vòng 24h qua, toàn cầu đã có thêm tới 169 nghìn ca mắc mới, số ca tử vong trong ngày là hơn 3.000 ca. Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 79,41 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với 64,63 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 56,24 triệu ca, Nam Mỹ gần 38,42 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 8,57 triệu ca và châu Đại Dương 312.267 ca.
Ngày 1/11 đánh dấu một loạt nước châu Á mở cửa trở lại và tiếp tục thực hiện nới lỏng các hạn chế sau khi đã đạt được những tiến bộ nhất định trong chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, cùng với đó là quy trình chuẩn bị và những điều kiện đi kèm để giảm thiểu nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh.
Từ ngày 1/11, Thái Lan cho phép du khách quốc tế đã tiêm vaccine phòng COVID-19 từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập cảnh mà không cần cách ly. Thủ tướng Campuchia tuyên bố quốc gia này mở cửa trở lại hoàn toàn trong mọi lĩnh vực từ ngày 1/11 và đã sẵn sàng cho một cách sống mới. Campuchia sẽ áp dụng mô hình thử nghiệm mở cửa du lịch "cơ chế hộp cát" - cho phép du khách đến thành phố Sihanoukville, đảo Koh Rong (tỉnh Sihanoukville) và Dara Sakor (tỉnh Koh Kong) kể từ ngày 30/11 tới mà không cần cách ly.
Chính phủ Hàn Quốc lấy thời điểm ngày 1/11 để bắt đầu thực hiện kế hoạch 3 giai đoạn nhằm khôi phục hoàn toàn cuộc sống thường nhật. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ nới lỏng hạn chế thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh. Giai đoạn 2, chính phủ sẽ cho phép tổ chức sự kiện quy mô lớn và tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế số người tụ tập trong giai đoạn 3.
Cùng ngày, người dân Australia cũng trải qua những cảm xúc đặc biệt khi nước này mở lại biên giới quốc tế sau gần 600 ngày đóng cửa. Sau hơn 18 tháng tuân thủ những biện pháp bảo vệ biên giới nghiêm ngặt nhất, hàng triệu người dân Australia hiện có thể tự do đi lại mà không cần giấy phép hay cần phải cách ly khi đến nước này. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định đây là một ngày đặc biệt, đồng thời khẳng định nước này đã "sẵn sàng để cất cánh". Kế hoạch ban đầu sẽ giới hạn với công dân Australia, các thường trú nhân và gia đình trước khi mở rộng ra với du khách và lao động quốc tế.
Chính phủ Nhật Bản ngày 1/11 công bố quyết định nới lỏng quy định về hạn chế số người tham gia các sự kiện quy mô lớn như các giải đấu thể thao chuyên nghiệp, các buổi hòa nhạc đã được áp dụng tại 27/47 tỉnh.
Theo quyết định trên, số người được phép tham gia các sự kiện tập trung trung đông người là 5.000 người, hoặc tương ứng 50% sức chứa tại nơi diễn ra sự kiện, thay vì 1.000 người theo quy định cũ. Quy định mới này có hiệu lực tại thủ đô Tokyo và các vùng khác mà trước tháng 10 vẫn đang phải áp đặt tình trạng khẩn cấp hoặc một phần khẩn cấp. Tuy nhiên, chính quyền các tỉnh có thể chủ động và linh hoạt trong việc thực hiện các quy định nới lỏng hạn chế tùy theo tình hình dịch bệnh thực tế tại các địa phương.
Chính phủ Indonesia ngày 1/11 quyết định nới lỏng các điều kiện đi lại bằng máy bay, theo đó hủy bỏ yêu cầu trình kết quả xét nghiệm PCR đối với các hành khách.
Ở Trung Đông, Israel, một trong những quốc gia tiêm phòng sớm và nhanh nhất trên thế giới, từ ngày 1/11 cũng mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch đã tiêm vaccine, với điều kiện những du khách đó không đến từ các quốc gia thuộc nhóm "đỏ" về dịch bệnh trong vòng 2 tuần trước khi tới Israel. Đây là ngày đầu tiên Israel mở cửa đón du khách đã tiêm phòng kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 3/2020. Du khách phải được tiêm phòng đầy đủ với 1 trong 8 loại vaccine mà Israel phê chuẩn gồm vaccine của các hãng Sinopharm, Sinovac, Moderna, Pfizer, Janssen, AstraZeneca, Covishield (vaccine của AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh Ấn Độ) và Sputnik-V của Nga.
Trong khi đó, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp tại châu Âu. Ngày 1/11, Cơ quan liên bang về phòng chống dịch bệnh của Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 40.402 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên hơn 8,5 triệu ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới tại Nga vượt trên 40.000. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 1.155 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 239.693 ca. Trong khi đó, số người bình phục và đủ điều kiện xuất viện là 23.187 người. Như vậy, số người đã khỏi bệnh hiện chiếm 86,3% tổng số ca mắc.
Tại Pháp, giới chức y tế thông báo số lượng bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 đã tăng 48 người trong 24 giờ qua lên 6.572 người. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ ngày 6/9. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 6.329 ca, tăng 26,5% so với một tuần trước, nâng tổng số ca lên 7.17 triệu ca. Cũng theo ghi nhận, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày qua tại Pháp ở mức 5.858 ca và là mức cao ghi nhận trong 5 tuần gần đây.
Ngoài ra, số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tích cực tăng 7 trường hợp trong 24 giờ qua lên 1.046 người. Trong khi đó, với thêm 12 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp hiện tăng lên thành 117.755 ca.
Tại Đức, trước tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại nhanh chóng, Chủ tịch Hiệp hội y tế Đức Klaus Reinhardt kêu gọi cần phải tăng cường biện pháp kiểm soát phòng dịch hơn nữa.
Ông Klaus đề xuất 3 điểm gồm áp dụng quy tắc 2G (những người đã tiêm chủng hoặc đã bình phục) trong phần lớn các địa điểm đông người như bảo tàng, nhà hàng, siêu thị; áp dụng quy tắc 3G (những người đã tiêm chủng, đã bình phục hoặc có xét nghiệm âm tính) tại nơi làm việc; và tăng cường xét nghiệm đối với nhóm người già, người dễ bị tổn thương hoặc làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, ông cũng ủng hộ việc kích hoạt trở lại các trung tâm tiêm chủng tập trung để có thể đẩy mạnh chiến dịch tiêm tăng cường mũi vaccine thứ ba cho tất cả những người đã được tiêm.
(Theo VTV)