Các đồng lãnh đạo của đảng cực hữu Con đường khác cho nước Đức (AfD) ngày 11/6 cho biết họ "từ chối nghe một diễn giả mặc trang phục quân đội phát biểu".
"Ukraine hiện không cần một tổng thống thời chiến, nước này cần một tổng thống hòa bình sẵn sàng đàm phán", Tino Chrupalla và Alice Weidel, hai lãnh đạo đảng AfD, tuyên bố, thêm rằng đây là lý do khiến các nghị sĩ của họ quyết định rời nghị trường khi lãnh đạo Ukraine phát biểu.
Các nghị sĩ đảng cực tả BSW cũng có hành động tương tự. BSW vận động chống lại việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cả hai đảng này đều đạt được những thắng lợi trong cuộc bầu cử thành viên Nghị viện châu Âu hôm 9/6, khi AfD nhận được số phiếu bầu nhiều hơn cả ba đảng trong liên minh của Thủ tướng Olaf Scholz còn BSW chiếm hơn 6% số phiếu, dù là một đảng mới.
Không chỉ ở Đức mà trên khắp châu Âu, đà trỗi dậy mạnh mẽ của phe cực hữu đang làm dấy lên lo ngại rằng ủng hộ từ phương Tây dành cho Ukraine có thể suy yếu.
Ông Zelensky, với bộ trang phục quân đội quen thuộc, phát biểu trước quốc hội Đức trong chuyến công du ngoại giao chớp nhoáng nhằm củng cố động lực ủng hộ dành cho Ukraine. Việc ông bị các nghị sĩ cực hữu và cực tả Đức từ chối lắng nghe đã làm bật lên những thách thức ngày càng tăng mà Kiev phải đối mặt để vận động ủng hộ từ phương Tây.
Trước bài phát biểu, Tổng thống Zelensky đã cảnh báo về những mối nguy hiểm khi quan điểm chống Ukraine đang có xu hướng lan rộng ở châu Âu.
Trước hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ dự kiến diễn ra vào giữa tháng này, các đảng như AfD đang phát đi thông điệp rằng chiến lược hiện tại của phương Tây nhằm trang bị vũ khí cho Kiev sẽ không chấm dứt được tình trạng thù địch.
Tuy nhiên Thủ tướng Scholz, phát biểu tại một hội nghị tái thiết Ukraine ở Berlin, đã cam kết sẽ không ngừng ủng hộ Kiev.
Ông kêu gọi các đồng minh cung cấp hệ thống phòng không để giúp Ukraine chống lại tên lửa Nga, đồng thời khẳng định Moskva không được phép giành chiến thắng trong cuộc xung đột.
"Sẽ không có chiến thắng quân sự nào", ông nói, thêm rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin phải chấm dứt chiến dịch ở Ukraine và rút quân về nước.
Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi giúp đỡ. "Lợi thế chiến lược lớn nhất của Nga so với Ukraine là ưu thế trên bầu trời. Chính khả năng tấn công bằng tên lửa và bom đã giúp quân đội Nga đạt được bước tiến trên bộ", ông nói, nhấn mạnh "phòng không là tất cả".
Đức đã đóng góp 3 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, trong khi ông Zelensky cho biết Ukraine cần tổng cộng 7 hệ thống này để bảo vệ các trung tâm đô thị khỏi cơn bão tên lửa Nga.
Cuối ngày 11/6, Tổng thống Zelensky cùng Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đến thăm khu huấn luyện quân sự ở Sanitz, miền bắc Đức, nơi quân đội Ukraine được huấn luyện sử dụng hệ thống Patriot.
Pistorius hứa cung cấp thêm cho Ukraine 100 tên lửa Patriot cũng như súng bắn tỉa, vũ khí chống tăng và máy bay không người lái (UAV). Bộ trưởng nói thêm rằng ông đã thấy rõ "phòng không quan trọng như thế nào đối với sự sống còn của Ukraine" trong các chuyến thăm nước này.
(Theo VnExpress)