Khát khao cháy bỏng của người Ukraine về hòa bình và yên ổn
Vẫn có tỷ lệ lớn người dân Ukraine phản đối nhượng lãnh thổ cho Nga. Nhưng các cuộc thăm dò dư luận cũng như các bình luận gần đây của giới lãnh đạo nước này phản ánh sự thay đổi có thể cảm nhận được trong vấn đề hòa đàm.
Bà Olha Predchenko cầm tay người mẹ già 85 tuổi khi hai người cũng nhìn vào đài tưởng niệm tạm thời trên cỏ ở trung tâm thủ đô Kiev, trong đó mỗi lá cờ xanh vàng gắn với tên một người lính Ukraine đã tử trận trong xung đột vũ trang với Nga.
Họ thường tới quảng trường Maidan, dành thời gian nghĩ ngợi về những người đã chết và chiến tranh. Predchenko, 61 tuổi, cho biết, bà không ưa Kremlin nhưng cũng hy vọng hai bên sớm đạt một thỏa thuận hòa bình. Bà nói: "Thà có một nền hòa bình tệ hại còn hơn là có một cuộc chiến tốt”.
Mỗi lúc một mệt mỏi hơn vì xung đột, giờ đây nhiều người Ukraine cởi mở hơn với ý tưởng đạt được hòa bình thông qua đàm phán.
Hồi giữa tháng 7/2024, một cuộc điều tra xã hội do hãng truyền thông Ukraine ZN thực hiện cho thấy khoảng 44% dân thường Ukraine mong muốn khởi động đàm phán chính thức với Nga. Vào ngày 23/7, Viện Xã hội học quốc tế Kiev công bố kết quả thăm dò cho thấy gần 1/3 số người Ukraine đồng ý nhượng bộ một phần lãnh thổ cho Nga để đối lấy việc chấm dứt xung đột vũ trang. Con số như này là gấp hơn 3 lần con số năm ngoái (2023).
Nadia Ivashchenko, 28 tuổi - một nhân viên tín hiệu đường sắt ở tỉnh Kirovohrad (miền Trung Ukraine), cho biết chồng cô đã chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu tiến công Ukraine vào tháng 2/2022. Cặp đôi này có một đứa con trai 5 tuổi, thằng bé chưa được gặp cha trong ngần ấy năm.
Ivashchenko tự hỏi: "Nhiều người chết như vậy, để làm gì chứ? Tôi muốn mọi thứ kết thúc. Dẫu sao tôi cũng có một cậu con trai. Tôi không muốn cháu nó lớn lên trong thời chiến như hiện nay”.
Càng mệt mỏi, càng muốn sớm chấm dứt xung đột
Đối với Ukraine, năm thứ 3 của xung đột thật khủng khiếp. Quân Nga đang nhích lên từng bước sau mỗi ngày. Ukraine vẫn chưa thể tiến hành một chiến dịch phản công nào thành công kể từ năm 2022. Đất nước lại thường xuyên bị mất điện và tỷ lệ tử vong gia tăng.
Sự ủng hộ của phương Tây dường như khó dự đoán, đặc biệt nếu ứng viên tổng thống Mỹ Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng vào tháng 11 tới. Đức sẽ cắt giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine nếu dự thảo ngân sách 2025 của họ được thông qua.
Theo thăm dò của Viện Kiev, sự thay đổi thái độ trong năm qua là rõ nhất ở miền Nam Ukraine - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xung đột. Hơn một nửa số người được hỏi nói rằng họ hoặc ủng hộ nhượng một bộ phận lãnh thổ hoặc không có quan điểm rõ ràng. Chỉ 46% số người được khảo sát là nói rằng họ phản đối nhượng bộ. Số người phản đối cách đây một năm là 86%.
Mykola, 33 tuổi, cư dân vùng Odessa, người giấu phần họ của mình do đang tránh quân dịch, nói rằng anh ta có thể hình dung việc nhượng bán đảo Crimea (hiện do Nga kiểm soát) hoặc khu vực gần thành phố Lugansk ở Đông Donbass như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga.
Cuộc thăm dò dư luận của Viện xã hội học nói trên không xác định rõ mức độ nhượng bộ là bao nhiêu và liệu bộ phận lãnh thổ của Ukraine sẽ được nhượng chính thức hay chỉ để Nga tạm thời kiểm soát.
Giám đốc điều hành của Viện, Anton Grushetskyi, cho biết dù sao thì ngày càng có nhiều người Ukraine sẵn sàng cho kịch bản hòa bình với Nga. Theo ông, lý do chính là các kỳ vọng của người dân Ukraine từ năm ngoái đã tan vỡ, khi chiến dịch phản công của quân đội Ukraine cơ bản thất bại và viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine bị trì hoãn.
Những chuyển động bên trong thượng tầng kiến trúc Ukraine và Nga
Quốc tế đang gia tăng áp lực lên cả Ukraine và Nga, yêu cầu 2 nước tiến tới một thỏa thuận nào đó mặc dù các chuyên gia đánh giá rằng cả hai đều chưa sẵn sàng.
Nga hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, theo DeepState. Vào tháng 6, Tổng thống Nga Putin tuyên bố ông sẽ chỉ ra lệnh ngừng bắn và bước vào đàm phán với Ukraine nếu Kiev rút quân khỏi những khu vực mà Moscow đã tuyên bố chủ quyền nhưng vẫn chưa giành được sự kiểm soát hoàn toàn. Ông Putin cũng yêu cầu Kiev từ bỏ mong muốn gia nhập khối quân sự NATO.
Về phần mình, Ukraine coi yêu sách trên của Nga là yêu cầu đầu hàng. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, ông muốn Ukraine trở lại đường biên giới năm 1991 và có một suất trong NATO.
Nga không được mời tới Thụy Sĩ dự thượng đỉnh hòa bình quốc tế đầu tiên về Ukraine hồi tháng 6. Có sự tham gia của đại diện 92 quốc gia, hội nghị này thúc đẩy tầm nhìn của Ukraine về cách thức kết thúc xung đột với Nga. Nhưng cũng từ sau hội nghị này, Ukraine công khai gửi tín hiệu rằng Nga nên dự hội nghị hòa bình kế tiếp. Trả lời phỏng vấn của BBC, Tổng thống Zelensky bày tỏ hy vọng sẽ có giải pháp ngoại giao.
Tháng 7 này, Ngoại trưởng Ukraine có mặt tại Bắc Kinh để bày tỏ nước này sẵn lòng để cho Trung Quốc đóng vai trò mang tính trung tâm hơn trong đàm phán hòa bình. Mới đây, Ukraine đã mời nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đi thăm Kiev.
Nga cho tới nay vẫn chưa cam kết tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình thứ 2. Nhưng trong các tuần gần đây Kremlin cũng bắn tín hiệu rằng họ có thể ngồi vào bàn đàm phán ngay cả khi Kiev không đáp ứng được các yêu sách do ông Putin đưa ra hồi tháng 6.
(Theo VOV)