Trung Quốc mua đất nước ngoài, thúc đẩy lương thực
- Cập nhật: Thứ bảy, 10/5/2008 | 12:00:00 AM
Các công ty Trung Quốc sẽ được khuyến khích mua đất trồng ở nước ngoài, đặc biệt là châu Phi và Nam Mỹ, để đảm bảo an ninh lương thực theo một kế hoạch đang được chính phủ xem xét.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang tiến hành đàm phán với Brazil về khả năng tậu đất trồng đậu tương (Ảnh Koeller)
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa ra đề xuất hỗ trợ các công ty nông nghiệp nội địa mua đất ở nước ngoài. Bắc Kinh đã có những chính sách tương tự với việc đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng quốc doanh, nhà máy sản xuất và công ty dầu lửa, nhưng đầu tư nông nghiệp tính đến thời điểm này vẫn chỉ dừng lại ở một vài dự án nhỏ.
Nếu đề xuất của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc được thông qua, kế hoạch này có thể phải đối mặt với sự phản đối từ nước ngoài trong lúc giá lương thực leo thang và nạn phá rừng chưa dừng lại. Tuy nhiên, một quan chức trong bộ tiết lộ, có vẻ mọi sự đã ’’được quyết định’’.
“Không có vấn đề gì trong chính sách này cả. Vấn đề có thể xuất phát từ các chính phủ nước ngoài, những nước không muốn từ bỏ các diện tích đất trồng lớn’’, vị quan chức này nói.
Đang có những động thái tương tự ở các nước nhiều dầu nhưng hiếm lương thực như ở Trung Đông và Bắc Phi. Libya đã đàm phán với Ukraine về việc trồng lúa mỳ tại quốc gia thuộc Liên Xô cũ, trong khi Ảrập Xêút thì tuyên bố sẽ đầu tư vào các dự án nông nghiệp và gia cầm vật nuôi ở nước ngoài để đảm bảo an ninh lương thực và kiểm soát giá hàng hóa tối cần thiết.
Trung Quốc đang mất khả năng tự cung cấp trong lương thực khi tầng lớp trung lưu ngày một phát triển, đang chuyển dần thói quen ăn uống từ dùng nguyên liệu thô như gạo sang các thực phẩm thịt cá chế biến, vốn đòi hỏi việc nhập khẩu lương thực số lượng lớn.
Trung Quốc chiếm 40% số lượng nông dân của thế giới nhưng lại chỉ chiếm 9% tổng diện tích đất trồng. Theo một số nhà nghiên cứu Trung Quốc, các công ty nông nghiệp nội địa nên mở rộng diện tích ở nước ngoài để Trung Quốc có thể đảm bảo được an ninh lương thực và giảm bớt nhu cầu sử dụng với thị trường toàn cầu.
“Trung Quốc phải ’’hướng ngoại’’ vì nguồn tài nguyên đất của chúng ta bị hạn chế’’, Dương Văn Lai, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viên Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết. “Đó sẽ là giải pháp cùng có lợi khi sử dụng tối đa lợi thế của cả hai bên’’.
Trong quý một đầu năm nay, giá lương thực ở Trung Quốc đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát nông nghiệp ở mức cao nhất kể từ đầu thập niên 90.
Trung Quốc vẫn là nhà xuất khẩu ròng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp nhưng lại gia tăng nhu cầu nhập khẩu đậu tương và trở thành nhà nhập khẩu ngũ cốc.
Năm ngoái, sản lượng nhập khẩu đậu tương của nước này đã tăng 60%. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang tiến hành đàm phán với Brazil về khả năng tậu đất trồng đậu tương.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Giá dầu thô tiếp tục lập những kỷ lục mới tại cả thị trường London và New York do quan ngại về nguồn cung, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao và đồng đô la suy yếu.
36 người đoạt Giải Nobel sẽ gặp nhau trong một cuộc họp kín được bảo vệ an ninh “như pháo đài” vào tháng tới ở thành phố cổ Petra của Jordan để thảo luận những giải pháp cho các vấn đề của thế giới, bao gồm sự khủng hoảng lương thực tác động đến nhiều quốc gia.
"Obama là ứng viên tổng thống và Hillary là ứng viên phó tổng thống. Đó là giải pháp mà đảng Dân chủ sẽ phải cân nhắc một cách nghiêm túc trong vài tuần tới", Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo đảng Dân chủ, cựu nghị sĩ Harold Ford nói.
Quốc hội Nga hôm 8/5 đã bỏ phiếu phê chuẩn cựu Tổng thống Nga Putin làm Thủ tướng mới của nước này, một ngày sau khi ông Putin chuyển giao quyền lực cho ông Dmitry Medvedev, người đắc cử tổng thống hồi tháng 3/2008.