Lái xe nhiều nước theo nhau phản đối giá nhiên liệu tăng
- Cập nhật: Thứ năm, 12/6/2008 | 12:00:00 AM
Hàng nghìn người lái xe tải ở Thái Lan hôm 11/6 đã đình công nửa ngày, hòa nhịp với các cuộc biểu tình toàn cầu nhằm phản đối giá nhiên liệu tăng.
Lái xe tải biểu tình cùng với phương tiện vận chuyển của mình ở Tây Ban Nha.
|
Hiện, cuộc biểu tình ở Thái Lan là diễn biến mới nhất trong làn sóng biểu tình phản đối giá nhiên liệu leo thang ở châu Á và châu Âu. Các lái xe người Thái đòi Chính phủ nước này giúp đỡ đối phó với giá xăng tăng cao.
Đe dọa gây tắc nghẽn ở thủ đô
Các nhóm chuyên chở tuyên bố, họ đã sẵn sàng phong tỏa một số con đường ở Bangkok vào tuần tới. Thông báo này càng chất thêm sức ép lên chính phủ Thái, vốn đang phải đối mặt với những cuộc biểu tình đường phố kéo dài liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp.
"Nếu chính phủ không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi trước ngày 17/6, chúng tôi sẽ huy động xe tải làm tràn ngập Bangkok", Thongyu Khongkan - Tổng thư ký Liên đoàn vận tải trên đất liền của Thái Lan cho hay. Có khoảng 400.000 xe tải thuộc sự quản lý của cơ quan này.
Những đòi hỏi cụ thể của các lái xe tải gồm giảm 3bath/lít cho dầu diesel trong vòng 6 tháng, cho vay với lãi suất thấp để giúp họ chuyển từ động cơ sang khí nén thiên nhiên, ông Khongkan cho hay.
Các nhà máy tinh chế của Nhà nước hồi tháng trước đã nhất trí bán dầu diesel cho các công ty xe buýt của Bangkok với mức chiết khấu là 8%. Một số ngành khác như đánh bắt và vận chuyển bằng xe tải cũng có thể được hưởng ưu đãi như vậy theo thỏa thuận tương tự.
Biểu tình nối tiếp biểu tình
Giá nhiên liệu tăng, bắt nguồn từ giá dầu thô tăng lên mức kỷ lục 139USD/thùng vào tuần trước, làm bùng lên nhiều cuộc biểu tình của người tiêu dùng lẫn các công ty vận tải ở khắp nơi trên thế giới.
Tại châu Âu, người Tây Ban Nha bắt đầu tích trữ lương thực vì sợ cuộc đình công của cánh lái xe tải sẽ ảnh hưởng tới vận chuyển và gây thiếu hụt hàng hóa. Các thương nhân tại chợ bán buôn thực phẩm ở Madrid cho hay, nguồn cung lương thực tươi sẽ sớm cạn kiệt.
Ở Bồ Đào Nha, cánh lái xe cũng tham gia đình công. Biểu tình cũng diễn ra tại Pháp.
Tại châu Á, nơi có nhiều nước là nhà nhập khẩu dầu thô, một số quốc gia đã phải cắt giảm trợ cấp nhiên liệu và để giá cả leo thang, làm tăng thêm gánh nặng cho các gia đình vốn đang vật lộn với giá lương thực cơ bản như gạo, đang tăng cao.
Nội các Hàn Quốc cũng xin từ chức trước sức ép từ các cuộc biểu tình phản đối chính sách mở rộng nhập khẩu thịt bò Mỹ của Tổng thống Lee Myung-bak.
Ông Lee nói, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có thể rơi vào khủng hoảng vì giá cả tăng, tăng trưởng chậm lại. Tỷ lệ lạm phát trong tháng trước tại nước nhập khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới này đã lên tới mức gần cao nhất trong vòng 10 năm.
Cánh lái xe tải ở Hàn Quốc nhất trí tiến hành đình công hôm 9/6, phớt lờ gói viện trợ 10,2 tỷ USD của chính phủ, được đưa ra nhằm giúp hạn chế tác động giá nhiên liệu leo thang.
Tại Malaysia, Thủ tướng Badawi, hôm 10/6, đã cam kết chi thêm 306,6 triệu cho bang Sarawak nhằm tăng cường sự ủng hộ của các nghị sĩ vốn đang không hài lòng về giá nhiên liệu tăng vọt.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vừa đe dọa sẽ áp dụng thêm các lệnh cấm vận mới chống Iran, trừ phi nước này chứng thực đã chấm dứt hoạt động làm giàu uranium. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - EU lần này chỉ kéo dài 1 ngày, nhưng lại bàn hầu như tất cả các vấn đề quốc tế lớn hiện nay, từ cuộc khủng hoảng lương thực, giá xăng dầu, đàm phán thương mại, biến đổi khí hậu, cho tới các điểm nóng như Lebanon, Kosovo, Afghanistan, Zimbabwe, hòa bình Trung Đông hay chương trình hạt nhân của Iran.
Tối 10/6 một chiếc Airbus A310 chở hơn 214 người trên khoang đột nhiên bốc cháy ngùn ngụt ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Khartoum, Sudan, khiến 28 hành khách thiệt mạng và 53 người mất tích.
Ngày thứ ba, 10-6, nhân viên nhiều ngành nghề ở Pháp đã tham gia đình công, phản đối các chính sách giảm việc làm và cải tổ.
Theo một báo cáo công bố ngày 9-6 của LHQ, ước tính có khoảng 33,2 triệu người trên thế giới đang phải sống chung với HIV.