Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN bế mạc với 6 chữ “C”
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/7/2008 | 12:00:00 AM
Ngày 24/7, tại Singapore bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 41 (AMM), các Hội nghị sau AMM và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 15, sau 8 ngày làm việc.
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo Chủ tịch Ủy ban thường vụ ASEAN (thứ 2 từ trái) tại cuộc gặp báo chí sau phiên họp đặc biệt về Myanmar.
|
Tại phiên bế mạc này, đại diện Singapore nước chủ nhà đã bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ ASEAN cho Thái Lan.
Chiều 24/7, trang web của Ban Thư ký ASEAN đăng tải bài diễn văn bế mạc Hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo trong đó ông gói gọn kết quả hơn một tuần làm việc của các Ngoại trưởng ASEAN với nhau và với các bên đối thoại bằng 6 chữ “C”.
Trong đó, 3 chữ “C” đầu tiên là những chữ cái tiếng Anh của các từ: Hiến chương ASEAN, Xây dựng Cộng đồng ASEAN, và Những thách thức chung đối với ASEAN (Chapter, Community building, Common challenges). Đây là những công việc chủ chốt của ASEAN.
Còn 3 chữ “C” tiếp theo là những chữ cái đầu các từ tiếng Anh: Uy tín, Cạnh tranh, và Trung tâm ASEAN (Credibility, Competitiveness, Centrality of ASEAN).
Theo ông George Yeo, đây là những điều mà các thành viên của Hiệp hội cần nhớ khi thực hiện những điều chủ chốt nói trên.
Về chữ “C” thứ nhất, bản Hiến chương được ký kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 tại Singapore giúp cho Hiệp hội này trở thành một tổ chức hoạt động có hiệu quả hơn với những mục đích rõ ràng hơn, với một khuôn khổ pháp lý mạnh hơn, và một cơ chế tốt hơn cho việc giải quyết tranh chấp.
Hiến chương ASEAN sẽ chính thức có hiệu lực tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 14 tổ chức tại Bangkok vào tháng 12 tới.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 13 tại Singapore, hàng loạt nhóm chuyên gia, chuyên trách về các lĩnh vực quan trọng đã được thành lập để chuẩn bị cho công việc của Hiệp hội trước và sau khi Hiến chương ASEAN có hiệu lực.
Chữ “C” thứ hai về xây dựng cộng đồng: Tại Hội nghị lần này các Ngoại trưởng ASEAN đã thông qua bản dự thảo kế hoạch về Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đây thực chất là một bản lộ trình để xây dựng ASEAN thành một cộng đồng kinh tế. Hội nghị cũng làm việc khẩn trương về các bản dự thảo xây dựng Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN, và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN.
Chữ “C” thứ ba về những thách thức chung đối với ASEAN được Ngoại trưởng Singapore tóm lại rằng: Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. ASEAN chưa thể biết được Hiệp hội này sẽ bị tác động xấu đến mức nào do cơn lốc tài chính từ Hoa Kỳ.
Sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ giúp làm giảm xóc cho ASEAN ở mức độ nhất định. Không còn nghi ngờ gì nữa sức hút trung tâm kinh tế toàn cầu trong những thập kỷ tới sẽ quét toàn bộ khu vực Thái Bình Dương.
Sự biến đổi lớn lao này là một quá trình không suôn sẻ nên ASEAN phải chuẩn bị các biện pháp đối phó. Bên cạnh đó, Hiệp hội phải chuẩn bị sẵn sàng vượt qua những thách thức xuyên quốc gia như biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai.
Sau cơn bão Nargis, ASEAN đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối tin cậy giữa Chính phủ Myanmar và cộng đồng quốc tế.
(Theo TPO)
Các tin khác
Một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển miền bắc nước Nhật vào lúc 0giờ 26 phút sáng 24.7. Ít nhất 91 người bị thương, hàng trăm chuyến tàu bị kẹt và hàng ngàn hộ gia đình mất điện.
Đại sứ Thái Lan tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Don Pramudwinai hôm 23-7 cho biết Hội đồng Bảo an (HĐBA) dự kiến sẽ đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại biên giới giữa nước này và Campuchia vào phiên họp khẩn diễn ra ngày 24-7.
Cuộc họp bộ trưởng 35 nước chủ chốt của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm cứu vãn Vòng đàm phán thương mại Doha đã qua 2 ngày họp đầu tiên, song vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề gây tranh cãi liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Uỷ ban châu Âu, hôm 22.7 đề xuất thiết lập một cơ chế đặc biệt để ứng phó với giá thực phẩm leo thang ở những nước đang phát triển.