Lãnh đạo EU lo chống khủng hoảng
- Cập nhật: Thứ hai, 13/10/2008 | 12:00:00 AM
Lãnh đạo 15 nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Euro, hôm nay gặp gỡ tại Paris nhằm đưa ra bước tiếp cận chung đối với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
|
Bộ trưởng Tài chính Pháp, Christine Lagarde, nói cuộc gặp này nhằm “theo đuổi và thực hiện” kế hoạch năm điểm mà nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đã đưa ra.
Trước đó, lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cảnh báo rằng hệ thống tài chính của thế giới đang trên bờ vực suy sụp.
Ông Dominique Strass-Kahn nói các quốc gia giàu có đã không vực dậy được lòng tin. Tuy nhiên, ông phê chuẩn kế hoạch hành động mới của nhóm G7 và nói rằng IMF đã sẵn sàng cho các nước đang gặp khó khăn vay tiền.
"Phục vụ người dân"
Pháp, Đức và Ý là các nước đã ký vào các mục tiêu chính mà khối G7 nhất trí vào hôm thứ Sáu. Phóng viên kinh tế của BBC cho biết rất nhiều nhà bình luận hoan nghênh các mục tiêu, nhưng kêu gọi người ta phải sớm đưa ra các chi tiết.
Trước cuộc họp của lãnh đạo các nước châu Âu, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel nói họ sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm giảm bớt việc phong tỏa tín dụng khiến cho một số ngân hàng quốc tế lớn phải sụp đổ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, sau cuộc gặp tại Paris vào hôm thứ Bảy, hai vị lãnh đạo này nói hội nghị thượng đỉnh hôm Chủ Nhật sẽ không đưa đến một quỹ ứng cứu tài chính chung cho châu Âu giống như biện pháp của chính phủ Mỹ là đưa ra 700 tỉ dollar.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói các chính phủ phải “tái định hướng các thị trường để phục vụ cho người dân chứ không phải để gây hại cho họ”.
Mô hình của Anh
Thủ tướng Anh Gordon Brown dự kiến sẽ gặp ông Sarkozy trước hội nghị thượng đỉnh của khối Eurozone sau khi đã hứa Anh Quốc sẽ “dẫn đường” để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.
Trả lời báo chí Anh hôm qua, ông Brown cảnh báo những hậu quả không lường ở Âu Châu nếu các nước không cùng nhau hành động. Ông nói với hai tờ báo Observer và Sunday Mirror rằng ông muốn thuyết phục các nước Âu châu làm theo Anh bằng cách mua cổ phiếu các ngân hàng và bơm thêm tiền vào để kích hoạt cho vay.
Chính phủ Pháp, nước đương kiêm chủ tịch EU, đang nghiêm túc xem xét mô hình của London.
Do Anh Quốc không sử dụng đồng tiền chung Euro, đáng lý ông Brown không phải tham dự hội nghị thượng đỉnh, tuy nhiên, một người phát ngôn từ văn phòng Thủ tướng Anh nói Tổng thống Pháp đã mời ông Brown tham dự.
Lãnh đạo bốn nền kinh tế lớn nhất khối EU là Anh, Pháp, Đức và Ý đã có hội nghị thượng đỉnh tuần trước nhằm đối phó với khủng hoảng, nhưng họ vẫn không thống nhất được kế hoạch hành động chung.
(Theo HaNoiMoiĐT)
Các tin khác
Hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết: Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục quá trình vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp tục công việc tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon.
Ngày 11/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack thông báo Mỹ đã đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách “các quốc gia bảo trợ khủng bố”.
Các bộ trưởng Tài chính và chủ tịch Ngân hàng Trung ương của Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G-7) ngày 10/10 đã công bố kế hoạch hành động nhằm đối phó với cuộc khủng khoảng tài chính trầm trọng nhất trong hơn nửa thế kỷ qua.
Ủy ban trao giải Nobel vừa quyết định trao giải Nobel hòa bình năm 2008 cho ông Martti Ahtisaari, cựu tổng thống Phần Lan vì những nỗ lực đóng góp xây dựng nền hòa bình bền vững và lâu dài từ khu vực châu Phi, châu Á đến châu Âu và Trung Đông.