“Cổ cồn vàng” hồi hương

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/12/2008 | 12:00:00 AM

Nhiều trí thức Trung Quốc cao cấp được đào tạo tại Mỹ đã chọn ở lại xứ người để tìm kiếm một cuộc sống như mong ước. Nhưng khi khủng hoảng kinh tế lan rộng, họ buộc phải quay về quê nhà.

Hàng trăm chuyên gia tài chính người Trung Quốc từng học ở Mỹ chen lấn nộp hồ sơ trong một buổi giới thiệu việc làm tại New York ngày 13-12.
Hàng trăm chuyên gia tài chính người Trung Quốc từng học ở Mỹ chen lấn nộp hồ sơ trong một buổi giới thiệu việc làm tại New York ngày 13-12.

Họ là nhóm “cổ cồn vàng”, những người Trung Quốc học cao và làm việc ở Phố Wall. Nhưng giờ đây người ta gọi họ là “rùa biển” (hải quy, một cách chơi chữ của người Hoa, vì chữ “quy” là rùa đồng âm với chữ “quy” là quay về) khi họ tìm đường vượt Thái Bình Dương trở về để thoát khỏi cơn bão khủng hoảng tài chính.

Khoảng 1.000 “chú rùa” như thế, trong đồ vét doanh nhân lịch lãm, đã đứng chật sảnh lớn một khách sạn tại New York trong hội chợ việc làm tổ chức ngày 13-12 giới thiệu những cơ hội ở Thượng Hải - trung tâm tài chính của Trung Quốc. Ông Dong Shaw, người đã làm việc ở Phố Wall được tám năm cho quỹ Scudder Investments, Ngân hàng Goldman Sachs sau khi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Columbia, thừa nhận: “Cuộc khủng hoảng ở Mỹ rất trầm trọng. Chúng tôi gặp phải một cú sốc lớn sẽ làm thay đổi hoàn toàn Phố Wall. Với tư cách là một thị trường mới, Trung Quốc có đầy cơ hội”.

Chiêu dụ nhân tài từ Mỹ

Khủng hoảng tài chính khiến các doanh nghiệp Mỹ phải cắt giảm hơn 2 triệu việc làm tính tới thời điểm này. Theo Cơ quan thanh tra tài chính New York, ngành kinh doanh chứng khoán ở New York đã cắt giảm 16.000 việc làm, và có thể sẽ phải sa thải thêm 38.000 người nữa cho tới tháng 10-2009, chưa kể 10.000 công việc khác liên quan các lĩnh vực như ngân hàng, tín dụng và các quỹ đầu tư.

Nhiều thành phố và các công ty lớn ở Trung Quốc nhanh chóng tận dụng cơ hội đó để lôi kéo những nhân tài bản địa trở về nước. Hội chợ việc làm hôm 13-12 là do chính quyền thành phố Thượng Hải bảo trợ và được hàng chục ngân hàng, hãng bảo hiểm cũng như các công ty chứng khoán, bao gồm cả sàn chứng khoán Thượng Hải, đứng ra tổ chức. Họ hi vọng có thể lôi kéo trở về nước ít nhất là 170 chuyên gia trong những lĩnh vực như quản lý rủi ro và quản lý tài sản cá nhân.

Trong hai đợt tổ chức trước ở London (Anh) và Chicago (Mỹ), hội chợ đã thu hút tổng cộng 1.200 người. Đầu tháng 12-2008, thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, cũng đã tổ chức những sự kiện tương tự ở một vài thành phố lớn của Mỹ, thu hút được hàng trăm người.

Thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho biết trong số 1,2 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài du học trong 30 năm qua, chỉ 1/4 trở lại. Nhưng giờ tình hình đã khác. Ông Tony Tang, chủ tịch Hiệp hội Tài chính Trung Quốc (TCFA), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở New York, bình luận: “Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ nếm trải cảm giác thất nghiệp và phải đối diện với sức ép rất lớn. Giờ thì tới lượt các công ty Trung Quốc có thể đưa ra các đề nghị và nhiều người đang rất chờ đợi”.

Sự lạc quan ở quê hương

Nhiều chú “rùa biển” muốn hồi hương đến mức dân Bắc Kinh, Thượng Hải và một số thành phố khác giờ còn chế ra một tên gọi mới cho những ai quay về nhưng không tìm được việc làm: “tảo biển” (hải đãi, lại một cách chơi chữ nữa, chữ “đãi” là tảo biển đồng âm với chữ “đãi” là chờ đợi). Tuy nhiên, bất chấp việc tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, vẫn còn nhiều cơ hội trên đỉnh của thị trường lao động, đặc biệt cho những ai được đào tạo ở nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm.

Ông Zack Liu, vừa trở lại quê nhà vào đầu năm nay sau hơn một thập niên làm việc ở Phố Wall, khẳng định rất ấn tượng vì những nỗ lực học hỏi sự chuyên nghiệp của các quỹ đầu tư Trung Quốc. Ông Liu bắt đầu sự nghiệp trong ngành tài chính năm 1996 ở Bear Stearns, sau khi lấy bằng MBA tại Đại học Cornell và bằng tiến sĩ ở Đại học bang Florida. Trong năm qua, ông đã chứng kiến ba công ty mà ông làm việc sụp đổ hoặc bị sáp nhập do hệ quả của khủng hoảng tín dụng. “Tôi đã quyết định đúng khi trở về Trung Quốc” - ông Liu khoe với Reuters qua điện thoại từ ngôi nhà mới của mình ở Thâm Quyến.

Lòng yêu nước cũng là một yếu tố, nhưng các lợi ích kinh tế mới là điều quyết định. Ngoài ra, nhiều chú “rùa biển” chấp nhận một mức lương thấp hơn vì họ tin vào triển vọng của công việc tại quê nhà. Career International, một công ty tuyển dụng hàng đầu ở Bắc Kinh, cho biết hiện đang có một sự gia tăng đột biến về nhu cầu của công ty Trung Quốc đối với Phố Wall, khi những người từ đó trở về sẽ được đề nghị mức lương 100.000-500.000 USD mỗi năm.

“Trước cuộc khủng hoảng, chúng tôi nhận được khoảng năm bản lý lịch công việc mỗi tuần, còn bây giờ con số đó gấp ba lần - giám đốc một tập đoàn tài chính ở Bắc Kinh nói với Reuters - Chúng tôi còn giúp gia đình họ vượt qua khủng hoảng. Không như chúng tôi (những người chỉ có một con), nhiều chú “rùa biển” có gia đình rất đông con và cần những cơ sở giáo dục song ngữ”.

Có vẻ như đã đến lúc những nhà lãnh đạo Trung Quốc không còn phải phàn nàn về nạn chảy máu chất xám nữa rồi.

(Theo TTO)

Các tin khác

Ngày 21-12, tình trạng bạo động tại Athens, Hy Lạp tiếp tục dâng cao sau vụ đụng độ giữa cảnh sát và hàng ngàn người biểu tình vào ngày 20-12.

Hệ thống phòng không S-300.

Matxcơva bắt đầu cung cấp các cấu kiện của hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, một nghị sĩ quốc gia Trung Đông cho hay.

Thủ tướng Thái Lan trả lời các câu hỏi bên ngoài tòa nhà Chính phủ

Nội các Thái Lan lần này gồm 35 thành viên Chính phủ trong đó có 3 Phó Thủ tướng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao chỉ có một Bộ trưởng trong khi đó có tới 4 Bộ có 3 Bộ trưởng và Thứ trưởng, gồm: Bộ Tài chính, Nội vụ, Giao thông và Bộ giáo dục.

Trước khi tới Hawaii đón Giáng sinh, ông Barack Obama đã chốt lại danh sách nội các để chuẩn bị cho việc chính thức tiếp quản ghế tổng thống Mỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục