Giải cứu 33 thợ mỏ Chile: thợ mỏ thứ tư đã lên mặt đất

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/10/2010 | 2:13:20 PM

13g08, thợ mỏ thứ tư và là người nước ngoài duy nhất trong số 33 người mang tên Carlos Mamani (23 tuổi) đã được đưa lên mặt đất. Anh mang quốc tịch Bolivia.

"Carlos, đến nơi rồi đấy!" - các nhân viên cứu hộ nói với Mamani. Vợ anh đã nhìn thấy anh. Anh vẫn ở trong khoang cứu hộ. Trong chiếc mũ bảo hiểm màu xanh, kính đen và nụ cười rạng rỡ, Mamani ôm chặt vợ.

Trước đó, hai thợ mỏ Sepuveda, Juan Illanes và Florennico Avalos đã được đoàn tụ với gia đình. Họ đã thấy ánh sáng sau 69 ngày bị kẹt sâu dưới lòng đất. Cả Chile vui mừng. Cả thế giới vỡ òa hạnh phúc.

Thợ mỏ thứ ba Juan Illanes đã lên đến mặt đất trong tiếng reo vang của người thân - Ảnh: AFP

Sepuveda (đeo kính) - người nổi tiếng nhất trong số 33 thợ mỏ - đã được đoàn tụ với gia đình - Ảnh: AFP

Câu chuyện về cuộc giải cứu các thợ mỏ đã đến mọi ngóc ngách trên thế giới.

Kelvin Kamang sống ở Kalulushi, Zambia, bình luận trên BBC: "Tôi cũng là một thợ mỏ làm việc ở một mỏ đồng tên là Chibulama. Chúng tôi cảm thấy rất buồn khi nghe tin những người đồng nghiệp gặp nạn ở Chile. Điều tốt lành là giờ đây họ đã trở ra an toàn".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P J Crowley đã gọi cuộc giải cứu đang tiến hành ở Chile là "ngoạn mục". "Xin được chúc mừng đất nước Chile vì đã giải cứu thành công thợ mỏ đầu tiên. Một màn trình diễn ngoạn mục của hy vọng và khả năng con người" - ông Crowley nói trên Twitter.

Tổng thống Sebastian Pinera ôm chúc mừng Florencio Avalos - thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất - Ảnh: AFP

Mời bạn đọc xem chi tiết cuộc giải cứu:

6g44 sáng nay 13-10 (giờ Việt Nam, tức 20g44 giờ địa phương), khoang cứu hộ 33 thợ mỏ Chile mắt kẹt dưới lòng đất hơn hai tháng qua đã hoàn tất đợt chạy thử cuối cùng trước khi đưa xuống cứu thợ mỏ đầu tiên, Florenico Avalos, lên mặt đất.

Lồng cứu hộ Phoenix được đưa xuống hầm giải cứu 33 thợ mỏ - Ảnh: AFP

8g17. Khoang cứu hộ Phoenix đã được đưa xuống và kéo lên một lần nữa, có vẻ như các thử nghiệm vẫn chưa hoàn tất.

8g25. Mẹ của Daniel Herrera, thợ mỏ được đánh số 16 trong danh sách sẽ được đưa lên mặt đất, nói bà mong được nhìn thấy và ôm hôn cậu con trai của mình, đồng thời nói lời cảm ơn Chúa trời khi anh lên khỏi lòng đất. Bà cũng nói bà sẽ nấu bữa ăn có món mà anh thích nhất trong buổi tối đầu tiên anh về nhà.

Ánh mắt hy vọng của Florencio Avalos -  người đầu tiên dự kiến được đưa lên - từ trong khu hầm mỏ. Ảnh: Telegraph

8g36. Gia đình Avalos xuất hiện để chuẩn bị chào đón người đầu tiên dự kiến được đưa lên, anh Florencio Avalos. Phóng viên đã vây quanh họ, nhưng họ không vui với những ánh đèn flash từ máy ảnh. Trên Twitter, Tổng thống Chile Sebastian Pinera gửi đi một tin nhắn: "Sau 68 ngày lo lắng và hy vọng, khoảnh khắc sự thật đã đến".

Những thành viên của hai gia đình Avalos và Renan an ủi nhau khi chờ đợi người thân được giải cứu - Ảnh: Reuters

8g43. Cuộc chờ đợi tiếp tục, nhà báo Guy Adams của Telegraph cho hay các công ty địa phương đã lợi dụng tình hình dựng các lều tạm cho cánh nhà báo ở Camp Hope thuê với giá 250 USD mỗi đêm.

20 phút khoang cứu hộ mới xuống đến chỗ các thợ mỏ bị kẹt, và 20 phút nữa để đưa thợ mỏ lên trong quãng đường khoảng 620 mét.

Thợ mỏ đầu tiên hy vọng sẽ được đưa lên trong vòng một tiếng đồng hồ tới.

8g59. Báo Chile The Santiago Times cho biết Manuel Gonzales sẽ là nhân viên cứu hộ đầu tiên xuống hầm mỏ để chỉ đạo việc đưa từng người một lên ra sao. Ông là một chuyên gia về cứu hộ khẩn cấp trong hầm mỏ.

9g18. Một tràng pháo tay vang dội cho ông Gonzales khi ông bước vào khoang cứu hộ. Trước đó, Tổng thống Pinera đã đích thân bước lên bắt tay ông. Cần 20 phút để khoang cứu hộ xuống đến chỗ các thợ mỏ và 20 phút nữa để lên cho quãng đường khoảng 620 mét.

9g25. Chyên gia cứu Gonzales tỏ ra khá lo lắng khi bước vào khoang cứu hộ. Ông sẽ cần sự can đảm khó tin. Thợ mỏ đầu tiên hy vọng sẽ được đưa lên trong vòng một tiếng đồng hồ tới.

9g32. Các nhân viên cứu hộ và Tổng thống Pinera cùng nhau hát quốc ca ở trên khu hầm mỏ. Sau khi chuyên gia thợ mỏ Gonzales trở lại mặt đất, một nhân viên y tế sẽ tiếp tục xuống hầm mỏ để tăng cường sức khỏe và cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. Nhân viên này sẽ được cử xuống ở cùng các thợ mỏ trong quá trình giải cứu, từng người một.

9g38. Ông Gonzales đã xuống đến chỗ các thợ mỏ. Đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy một người từ trên mặt đất sau 69 ngày. Họ chào đón ông với những vòng tay ôm chặt. Ông Gonzales đang giải thích với các thợ mỏ về cách thức hoạt động của khoang cứu hộ sẽ đưa họ lên. Những hình ảnh truyền đi từ lòng đất gây ra cảm xúc dâng trào ở trên mặt đất với những tiếng hô vang "Chile muôn năm".

Lúc 9g49 sáng, nhân viên cứu hộ Manuel Gonzalez đã đến được với các thợ mỏ bằng khoang cứu hộ. Trong ảnh là các thợ mỏ vui mừng chào đón Manuel Gonzalez (ảnh chụp qua video) - Ảnh: Reuters

Lúc 8g30 sáng, người dân đã đổ ra đường tuần hành ủng hộ các thợ mỏ. Họ tụ tập ở một quảng trường tại Copiapo theo dõi cuộc giải cứu qua màn hình lớn - Ảnh: Reuters

Cờ Chile được vẫy cao, rất nhiều nước mắt từ các thành viên gia đình có thợ mỏ gặp nạn đã rơi lệ vì quá vui mừng. Khoang cứu hộ chỉ mất 16 phút để đến nơi, sớm hơn bốn phút so với dự kiến.

9g41. Florencio Avalos đã mặc lại quần áo để chuẩn bị bước vào khoang cứu hộ.

9g53. Thợ mỏ đầu tiên Avalos đã trèo vào khoang cứu hộ để bắt đầu lên mặt đất. Anh sẽ mặc một bộ quần áo đặc biệt để giữ cho thân nhiệt ổn định, đồng thời đeo một dây đo nhịp tim, nhịp thở và huyết áp.

Trước đó, lúc 8g39 sáng, Tổng thống Sebastian Pinera (bên phải, mặc áo khoác đỏ) và Bộ trưởng Mỏ Laurence Golborne (trái, áo khoác đỏ) đã gặp gỡ gia đình các thợ mỏ bị mắc kẹt ở Copiapo - Ảnh: Reuters

9g55. Chiếc khoang cứu hộ dần biến mất khỏi màn hình để đưa thợ mỏ đầu tiên lên mặt đất, những thành viên gia đình Avalos ôm chặt nhau trong nước mắt ở trên mặt đất khi chiếc khoang Phoenix từ từ tiến lên.

10g00. Công tác chuẩn bị đón Avalos được tiến hành khẩn trương trên mặt đất với pháo hoa, pháo bắn bông vụ và bong bóng đủ màu sắc. Quốc kỳ Chile sẽ được kéo cao ngay khi Avalos lên tới mặt đất. Đích thân Tổng thống Pinera và đệ nhất phu nhân sẽ là những người đầu tiên đón anh.

10g04. Khoang cứu hộ đã sắp lên đến mặt đất. Những âm thanh đầy hy vọng. Vợ và con Avalos đang đợi trên hầm mỏ.

10g10. Avalos đã lên đến mặt đất trong khoang cứu hộ trong tiếng hét vang vui mừng của đám đông ở Camp Hope. Người ta hô to "Chile, Chile, Chile". Hàng trăm bong bóng đủ màu sắc được thả lên trời. Đeo kính bảo vệ mắt khỏi sự thay đổi cường độ ánh sáng, Avalos tươi cười bước ra. Người đầu tiên trong số 33 thợ mỏ sẽ được cứu.

Vợ và cậu con trai 7 tuổi đã òa khóc khi nhìn thấy người chồng, người cha thân yêu của mình trở về. Tổng thống Sebastian Pinera đã ôm hôn và chúc mừng Avalos.

Avalos (31 tuổi) là người đầu tiên được giải cứu trong tổng số 33 thợ mỏ đã bị kẹt dưới lòng đất trong 69 ngày qua. Nhiệm vụ của Avalos là ghi nhận lại toàn bộ quãng đường để thông báo chi tiết cho những chuyên gia cứu hộ trên mặt đất. Đội cứu hộ sẽ là những người cuối cùng rời khỏi khu mỏ.

10g23, thợ mỏ Florencio Avalos (giữa) đã lên tới mặt đất. Anh được chào đón bởi người thân, các nhân viên cứu hộ và Tổng thống Sebastian Pinera (trái, áo khoác đỏ) - Ảnh: Reuters

Tổng thống Sebastian Pinera ôm chúc mừng Florencio Avalos - thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất - Ảnh: AFP chụp qua video

Lúc 10g06, người dân Chile ở Copiapo bật khóc khi nhân viên cứu hộ đầu tiên đến được lòng đất nơi các thợ mỏ bị kẹt - Ảnh: Reuters

10g20. Sau khi được gia đình và người thân chào đón, anh Avalos nhanh chóng được đưa đến một trạm y tế tạm để kiểm tra sức khỏe, trong khi 32 gia đình khác đang chờ đợi người thân của họ.

Thợ mỏ đầu tiên Florencio Avalos được kiểm tra sức khỏe - Ảnh: AFP chụp qua video

  10g23. Nhân viên cứu hộ thứ hai, Robert Rios Seguel, bước vào khoang cứu hộ để đưa thợ mỏ thứ hai, Mario Sepulveda, lên.

10g20. Sau khi được gia đình và người thân chào đón, anh Avalos nhanh chóng được đưa đến một trạm y tế tạm để được kiểm tra sức khỏe, trong khi 32 gia đình khác đang chờ đợi người thân của họ.

Tổng thống Pinera phát biểu cuộc giải cứu là một phép màu và ông "rất tự hào" nhưng cũng khẳng định vẫn còn "đường dài phía trước". Ông nói cả đất nước Chile đang hoàn tất điều thần kỳ này nhờ vào việc có lòng tin và "sự lan truyền sức mạnh và hy vọng" - Ảnh: CNN

10g23. Cuộc ăn mừng tiếp tục và một nhân viên cứu hộ thứ hai. Robert Rios Seguel, bước vào khoang cứu hộ để đưa thợ mỏ thứ hai, Mario Sepulveda, lên.

10g32. Tổng thống Pinera, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi Avalos lên mặt đất, nói cuộc giải cứu là một phép màu và ông "rất tự hào" nhưng cũng khẳng định vẫn còn "đường dài phía trước". Ông nói cả đất nước Chile đang hoàn tất điều thần kỳ này nhờ vào việc có lòng tin và "sự lan truyền sức mạnh và hy vọng".

10g45. Khoang cứu hộ xuống đến đáy hầm mỏ lần thứ hai để đưa Mario Sepulveda lên.

Sơ đồ quy trình giải cứu thợ mỏ - Ảnh: BBC

Toàn bộ quang cảnh khu vực giải cứu - Ảnh: BBC

10g56. Sau vài kiểm tra an toàn, anh Sepulveda đã trên đường trở lại mặt đất. Ở trên, những tiếng vỗ tay lại vang lên.

10g57. Sepulveda đang trên đường trở lại mặt đất. Anh mặc một áo len dày và đeo mặt nạ oxy. Nhiệt độ dưới hầm mỏ là hơn 30 độ C trong khi ở trên là gần âm độ.

11g08. Người thợ mỏ thứ hai Sepuveda đã lên đến mặt đất trong tiếng reo vang của cô vợ Elvira. Sepuveda là người nổi tiếng nhất trong số 33 thợ mỏ. Anh đã làm người đại diện phát biểu của họ trong các nhật ký video trước đây và được dự đoán có khả năng trở thành một ngôi sao truyền hình Chile trong tương lai.

11g13. Sepulveda tỏ ra hoàn toàn khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Anh ôm Tổng thống Pineda ba lần, hôn vợ con và hô vang Chile, Chile. Anh đang được kiểm tra sức khỏe.

Thợ mỏ thứ hai Sepuveda đã lên tới mặt đất. Anh cũng được Tổng thống Sebastian Pinera ôm chúc mừng - Ảnh chụp lại từ truyền hình

11g17. Cuộc giải cứu tiếp tục. Một người thứ ba, lần này là một nhân viên y tế, sẽ đi xuống dưới hầm mỏ. Không khí đã trở nên bớt căng thẳng sau hai cuộc giải cứu thành công. Thợ mỏ thứ ba dự kiến được đưa lên là Juan Illanes.

Kế hoạch là đưa một người khỏe mạnh nhất lên trước, sau đó là những người mắc bệnh như cao huyết áp hay tiểu đường, rồi cuối cùng lại đến những người khỏe.

11g24
. Chiếc khoang cứu hộ Pheonix 2 đã hoạt động tốt cho đến thời điểm này, nhưng sơn đã bị tróc ra ở một số chỗ. Còn có một chiếc khoang dự bị.

11g27. Người xuống hầm mỏ tiếp theo sẽ là Patricio Roblero, một sĩ quan hải quân Chile rất nhiều kinh nghiệm về việc sống sót trong cấc môi trường khắc nghiệt.

11g34. Sĩ quan Roblero sẽ có trách nhiệm lên danh sách những người được đưa ra tiếp theo dựa trên điều kiện cụ thể của họ. Kế hoạch là đưa một người khỏe mạnh nhất lên trước, sau đó là những người mắc bệnh như cao huyết áp hay tiểu đường, rồi cuối cùng lại đến những người khỏe.

12g10. Thợ mỏ thứ ba Juan Illanes đã lên đến mặt đất trong tiếng reo vang của người thân.  

Đến 13 g, vẫn còn 33 người ở dưới hầm, bao gồm cả ba nhân viên cứu hộ.

12g28. Khoang cứu hộ được hạ xuống một lần nữa để đưa lên Carlos Mamani, thợ mỏ (23 tuổi) quốc tịch Bolivia và là người nước ngoài duy nhất trong nhóm.

12g44. Khoang cứu hộ xuống đến đáy hầm mỏ một lần nữa và người tiếp theo sắp bước lên.

1h03. Vợ của Carlos Mamani, cô Veronica Quispe, đang chờ đợi đầy lo lắng trên mặt đất. Tổng thống Bolivia Evo Morales đã hứa sẽ cấp cho cặp vợ chồng và cô con gái Emily một miếng đất ở thành phố Cochabamba miền trung Bolivia để họ bắt đầu một cuộc sống mới.

Khoảng một tỉ người đang theo dõi sự kiện này trên toàn thế giới.

13g08. "Carlos, đến nơi rồi đấy!" - các nhân viên cứu hộ nói với Mamani. Vợ anh đã nhìn thấy anh. Anh vẫn ở trong khoang cứu hộ. Trong chiếc mũ bảo hiểm màu xanh, kính đen và nụ cười rạng rỡ, Mamani ôm chặt vợ.

13g23. Tiếp theo sẽ là Jimmy Sanchez, người trẻ nhất trong số các thợ mỏ, 19 tuổi.

13g24. Những thân nhân của các thợ mỏ, một cách mê tín, đã có rất nhiều vật khước cho con số 33. Có 33 người mắc kẹt, họ được tìm thấy vào ngày 22-8, trong tuần thứ 33 của năm. Kế hoạch B được hoàn tất sau 33 ngày tiến hành khoan. Ngày hôm nay là 13-10-10, cộng lại đúng bằng...33.

13g35. Khoang cứu hộ đã chạm mặt đất. Nhóm tiếp theo được cứu ra sẽ bao gồm một số người yếu người yếu nhất trong nhóm thợ mỏ, kể cả Jimmy Sanchez.

13g46. Jimmy Sanchez đã bước vào khoang cứu hộ để sẵn sàng được kéo lên.

Đối mặt với áp lực về sức khỏe, tinh thần

Ông Michael Duncan, nhân viên y tế cấp cao thuộc NASA, nói các thợ mỏ có thể sẽ gặp các vấn đề về hô hấp bởi đã sống trong môi trường đầy bụi suốt 68 ngày.

Sức khỏe tinh thần của các thợ mỏ cũng đang là điều được quan tâm. Theo chuyên gia tâm lý Don Catherall, các thợ mỏ có nguy cớ mắc hội chứng PTSD (Post traumatic stress disorder - rối loạn stress tâm lý sau sang chấn), chứng bệnh tâm lý có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tinh thần.

Các thợ mỏ cũng có thể mất nhiều thời gian vượt qua những căng thẳng tâm lý trong quá trình tái hòa nhập với gia đình, tương tự như trường hợp ở những phi hành gia hoặc thủy thủ xa nhà lâu năm, theo ông Nick Kanas, nhà tâm lý học tại Đại học California. Họ cũng sẽ phải tìm cách dàn xếp những mâu thuẫn giữa những người ruột thịt với nhau.

Người thân hò reo khi thợ mỏ đầu tiên lên khỏi mặt đất tại khu mỏ San Jose

Theo như hãng tin AP, đã có xung đột giữa những người họ hàng xa gần xung quanh những tranh chấp về tiền bạc cũng như quyền được trả lời phỏng vấn của giới truyền thông. Chính quyền Chile cho biết sẽ giải quyết tình trạng này bằng cách yêu cầu mỗi thợ mỏ chỉ định 3 thân nhân được tiếp cận họ ngay sau khi được đưa lên mặt đất.

Một vấn đề đáng lưu tâm khác là các thợ mỏ sẽ xử lý ra sao với những áp lực về tiền bạc và sự nổi tiếng. Đã có những lời mời phỏng vấn độc quyền lên đến 20.000 USD, cùng nhiều quà cáp bằng tiền mặt và hiện vật đến từ các nhà hảo tâm.

Khoản tiền bản quyền cho một bộ phim về những người thợ mỏ này có thể lên đến 500.000 USD, theo như người sáng lập TVFilmRights.com Scott Manville. Thế nhưng các thợ mỏ cũng sẽ gặp rắc rối với sự giàu có này, bởi theo Jorge Diaz thì đa số các thợ mỏ “chỉ học hành qua loa” và nhiều người không biết đến việc mở tài khoản ngân hàng.

Theo AP, các thợ mỏ đã thỏa thuận miệng với nhau về những gì sẽ nói với giới truyền thông để tránh gây mâu thuẫn, và một bản thỏa thuận chính thức sẽ được ký dưới sự chứng kiến của luật sư.

Tuy nhiên không phải mọi thứ đều sẽ tồi tệ sau khi họ được giải cứu. Theo Maccallum, giám đốc điều hành của tổ chức Paragon Space Development chuyên sản xuất thiết bị duy trì sự sống ở những nơi khắc nghiệt, các thợ mỏ sẽ cảm thấy một cuộc sống đầy ý nghĩa hơn sau biến cố này.

“Bạn sẽ thấy cuộc sống này tươi đẹp biết sau khi đã từng cận kề cái chết” - ông MacCallum trích dẫn lời của vận động viên Nando Parrado, từng bị kẹt hai tháng rưỡi trên dãy Andes hoang vu.

(Theo TTO)

Các tin khác

Ngày 12/10, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 5 thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an. Tại cuộc chạy đua lần này, Canada đã chính thức rút lui và Bồ Đào Nha giành chiến thắng.

Binh sĩ Campuchia gác tại đền Preah Vihear.

Tờ Kampuchea Thmey của Campuchia đưa tin Phó Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia, Tướng Chea Dara cho biết quân đội Campuchia và quân đội Hoàng gia Thái Lan đã thỏa thuận cùng rút quân khỏi các vị trí nhạy cảm nhằm giảm căng thẳng tại khu vực biên giới hai nước.

Các chuyên gia kiểm tra chiếc lồng cứu hộ trước khi đưa xuống hầm giải cứu 33 thợ mỏ.

Cuộc giải cứu 33 thợ mỏ Chile được ấn định bắt đầu vào 3g sáng giờ GMT ngày 13-10 (khoảng 10g ngày 13-10 giờ Việt Nam), sau 68 ngày sống dưới lòng đất sâu 700m trong hầm khai thác mỏ San Jose.

Những người áo đỏ đốt nến trước tượng đài Dân chủ ở Bangkok ngày 10-10.

Các thành viên của phong trào áo đỏ chống chính phủ ở Thái Lan đã tiến hành huấn luyện để ám sát một số nhân vật cấp cao của chính quyền, bao gồm cả Thủ tướng Abhisit Vejjajiva.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục