Nuôi lợn thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 4/11/2013 | 2:50:00 PM
YBĐT - Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của gia đình anh Tuấn, nhân dân xã Văn Lãng đã tích cực đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng mô hình tại gia đình.
Anh Tuấn chăm sóc đàn lợn.
|
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Ngô Văn Tuấn ở thôn 6, xã Văn Lãng (Yên Bình) không đi làm thuê ở các thành phố lớn như những thanh niên khác trong thôn mà quyết tâm ở nhà phụ giúp bố mẹ làm kinh tế nuôi 2 em ăn học. Năm 2000, anh Tuấn lập gia đình riêng.
Những ngày đầu lập nghiệp, được bố mẹ cho mảnh đất làm ăn, vợ chồng anh chịu khó trồng cấy và chăm bẵm vài con lợn, con gà nhưng vẫn không đủ ăn. Trăn trở nhiều, anh Tuấn nhận thấy, gia đình mình có diện tích đất rộng cùng với kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống nên có thể đầu tư chăn nuôi lợn. Tích cóp được một chút vốn liếng, anh bàn với vợ đầu tư chăn nuôi lợn thịt. Càng làm anh càng say mê với việc phát triển chăn nuôi. Năm 2012, biết tỉnh đang có chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nhận thấy đây là cơ hội tốt để mở rộng quy mô chăn nuôi, vợ chồng anh quyết định vay ngân hàng 30 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt với quy mô 100 con/lứa.
Với hệ thống hai dãy chuồng khép kín, có hệ thống nước vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống tiện lợi và khu vực xử lý chất thải tách biệt cộng với áp dụng các kiến thức đã được học qua các lớp tập huấn, chủ động tiêm phòng nên đàn lợn nhà anh luôn phát triển khỏe mạnh, ít gặp dịch bệnh.
Trong quá trình chăn nuôi lợn, nguyên tắc quan trọng nhất đối với anh Tuấn là phải tiêm phòng đầy đủ, kịp thời và thường xuyên theo dõi sự phát triển của đàn lợn. Anh nhận thấy, để có được lứa lợn thịt khỏe mạnh, nhanh lớn, tỷ lệ nạc cao thì việc lựa chọn con giống đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, anh tiếp tục đầu tư nuôi thêm lợn nái để vừa chủ động con giống vừa đảm bảo chất lượng đàn lợn thịt. Chủ động thức ăn cho lợn, giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế trong quá trình chăn nuôi, anh Tuấn còn liên hệ trực tiếp với các đại lý cung cấp cám chăn nuôi trên địa bàn để được mua với giá gốc vừa giảm chi phí vừa cung cấp cho bà con ở địa phương.
Từ hai chuồng chăn nuôi nhỏ năm 2009, đến nay, gia đình anh Tuấn đã mở rộng ra hai dãy chuồng kiên cố lúc nào cũng duy trì gần 100 con lợn thịt, lợn nái. Thời điểm cuối năm 2012, hệ thống chuồng được đưa vào sử dụng tối đa với trên 100 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Số tiền lãi từ nuôi lợn cũng tăng từ 30 triệu đồng năm 2010 lên đến trên 140 triệu đồng năm 2012.
Từ đầu năm 2013 đến nay, gia đình anh cũng đã cho xuất 1 lứa lợn, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mang về gần 100 triệu đồng tiền lãi. Cùng với chăn nuôi lợn, gia đình anh Tuấn còn tận dụng chất thải chăn nuôi đề làm hầm khí sinh học biogas để giải quyết nhu cầu chất đốt cho gia đình đồng thời sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng.
Với chu trình khép kín này, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của gia đình anh Tuấn không chỉ có hiệu quả rõ rệt về kinh tế mà còn không làm ảnh hưởng đến môi trường. Với hơn 2ha diện tích đất vườn và phần diện tích đất khai hoang, anh đầu tư trồng chè Bát Tiên. Diện tích đồi rừng khoảng hơn 10ha, gia đình anh trồng keo, bồ đề, bạch đàn, tre, hóp đồng thời trồng xen canh các loại cây ngắn ngày. Chăn nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm cũng cho gia đình anh thu lãi hơn 40 triệu đồng mỗi năm.
Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa của gia đình anh Tuấn, nhân dân xã Văn Lãng đã tích cực đến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng mô hình tại gia đình.
Nguyễn Thị Minh Phượng
Các tin khác
YBĐT - Từ một hộ nghèo, nhờ chăm chỉ lao động và tìm tòi, mạnh dạn, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất vườn tạp sang trồng măng mai, nay gia đình ông Đoàn Văn Đà ở thôn Sơn Tây, xã Mai Sơn (Lục Yên) đã có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng mỗi năm. Ông được mệnh danh là "triệu phú măng mai" và là người giàu nhất vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
YBĐT - Bằng ý chí nghị lực, sự cần cù chịu khó, ông Ngô Văn Chung ở thôn 6, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã không ngừng tìm tòi những phương thức sản xuất mới và mạnh dạn đầu tư mô hình trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng để có nguồn thu nhập ổn định.
YBĐT - Là hội viên Hội Cựu chiến binh xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), anh Thào A Khày luôn trăn trở phải tìm cách để vượt lên đói nghèo trên mảnh đất quê hương mình. Trăn trở đó đã được anh thể hiện bằng lòng quyết tâm xây dựng và phát triển mô hình nuôi ong rừng để khai thác mật bán ra thị trường, từng bước nâng cao đời sống cho gia đình.
YBĐT - Khu rừng được ông Triệu Tiến Châu ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên quản lý, bảo vệ tuy không phải là rừng già cổ thụ nhưng với vị trí chỉ nằm cách trung tâm thành phố Yên Bái khoảng 25km mà vẫn còn cả trên 190ha rừng tự nhiên sản xuất rậm rạp liền khu quả là một điều đáng quý.