Người thầy nhiệt huyết

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2017 | 2:08:08 PM

YBĐT - 25 năm công tác giảng dạy tại vùng cao Trạm Tấu, thầy Nguyễn Quang Hạnh - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Bản Mù, Trạm Tấu có 18 năm dạy tại trường bán trú.

Thầy Nguyễn Quang Hạnh.
Thầy Nguyễn Quang Hạnh.

Khó khăn vất vả của những thầy cô giáo vùng cao không có từ ngữ nào có thể diễn tả hết nên gắn bó với học trò vùng cao thời gian rất dài như vậy chỉ có thể là lòng yêu nghề, sự thấu hiểu, chia sẻ và bù đắp cho những thiệt thòi của học trò vùng cao.

Sinh ra và lớn lên tại Trạm Tấu nên có lẽ thầy Nguyễn Quang Hạnh hiểu hơn ai hết việc dạy và học khó khăn đến nhường nào. Vậy nên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy luôn mơ ước mai này sẽ làm thầy giáo mang cái chữ dạy các em nhỏ quê mình.

Sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy Hạnh đã trở về Trạm Tấu công tác. Đến nay đã 25 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, trong đó có 18 năm dạy tại trường bán trú. Ai cũng biết những năm đầu ở các trường bán trú dân nuôi, thầy trò vùng cao nói chung, thầy trò Trạm Tấu nói riêng phải trải qua bao gian nan vất vả. Lớp học, nhà ở của thầy và trò chỉ được dựng tạm, mỗi đêm mùa đông, cái lạnh cứ theo các khe vách, khe liếp mà lùa vào.

Thầy Hạnh chia sẻ: “Đấy là còn chưa nói đến việc ăn uống của các em. Đầu tuần xuống trường để học, đứa lớn, đứa bé phải mang theo 2-3 cân gạo, túi măng ớt, có em nhà thiếu gạo phải mang kèm với ngô xay”.

Nhìn học trò kham khổ nên thầy Hạnh bàn bạc với các thầy cô góp tiền lương thỉnh thoảng mua thêm cá khô, lạc cho các em cải thiện bữa ăn. Những ngày khó khăn vất vả ấy không ngăn nổi lòng nhiệt huyết, yêu nghề mến trẻ nên thầy đã bám trường, bám lớp, dìu dắt bao thế hệ học trò trưởng thành, khôn lớn.

Những ngôi trường bán trú nay đã khác, khang trang rộng rãi hơn. Các em học sinh được ăn ở tập trung và học tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ trao đổi với bạn bè thầy cô. Nhờ thế tỷ lệ học sinh chuyên cần ngày càng cao, kết quả học tập cũng có nhiều chuyển biến.

Thầy luôn tâm niệm, thầy giáo vùng cao không chỉ là người dạy kiến thức văn hóa cho học sinh mà còn là người thay mặt cha mẹ các em quan tâm chăm lo cuộc sống thường ngày. Nên dù là giáo viên trực tiếp giảng dạy nhưng thầy luôn quan tâm đến từng bữa ăn, cách ứng xử giao tiếp hàng ngày của các em để kịp thời dạy bảo.

Thầy Hạnh tâm sự: “Có một môi trường, điều kiện dạy học tốt như hiện nay nên bản thân tôi nhận thấy mình và các thầy cô giáo cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, làm tốt hơn nữa để vận động học sinh đi học chuyên cần, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của chăm lo cho giáo dục cũng như hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Đồng thời tổ chức hướng dẫn cho học sinh bán trú thực hiện nếp sống gọn gàng, ngăn nắp khoa học, giờ nào việc nấy, đoàn kết yêu thương nhau. Đặc biệt, người thầy phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”.

Bởi vậy với học trò, thầy Hạnh luôn là người cha, người chú trong gia đình. Thầy đã thực sự xây dựng được mối quan hệ thầy trò đầm ấm như một gia đình, thường xuyên quan tâm đến lớp, tìm hiểu từng đối tượng học sinh, luôn động viên giúp đỡ, chia sẻ với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, xây dựng “Đôi bạn cùng tiến” cùng sinh hoạt, vui chơi và giúp đỡ nhau trong học tập để vươn lên. Vì vậy hàng năm, lớp của thầy chủ nhiệm luôn có 100% học sinh có phẩm chất tốt, tỷ lệ học sinh được lên lớp thẳng đạt 100%, không có học sinh vi phạm kỷ luật.

Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục vùng cao, trong những năm qua thầy Hạnh đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các danh hiệu như giáo viên dạy giỏi cấp trường, giáo viên dạy giỏi cấp huyện, lao động tiên tiến. Đặc biệt, thầy Hạnh cũng là một trong 52 cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu vùng khó khăn được tuyên dương nhân kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam... Trên tất cả, với thầy Hạnh, những lứa học trò trưởng thành là phần thưởng quý giá nhất.

Thanh Ba

Các tin khác

YBĐT - Gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm với công việc là sự ghi nhận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thôn dành cho ông Hà Văn Làm - Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên.

YBĐT - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, khởi nghiệp niềm từ đam mê sáng tạo và bước đầu có những thành công, Nguyễn Văn Huỳnh đang trên con đường trở thành một doanh nhân nhân trẻ thắp sáng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo và khởi nghiệp trong thanh niên.

Giám đốc Trần Tuấn (đứng giữa) kiểm tra chất lượng sản phẩm trước  khi xuất khẩu sang Đài Loan.

YBĐT - Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn ấp ủ ước mơ đưa sản phẩm quế Văn Yên vươn xa ra thị trường quốc tế. Đó là điều mà người ta cảm nhận được ở anh Trần Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Trần Tuấn, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên.

YBĐT - Trong các trạm biến áp từ 110 kV trở lên, hệ thống ắc quy là nguồn một chiều đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống điện, nó được ví như “trái tim” của cả hệ thống dùng để cung cấp nguồn nuôi hệ thống rơ le bảo vệ, mạch tín hiệu, dùng làm nguồn điều khiển, bảo vệ, nguồn cho động cơ của máy cắt, nguồn cho hệ thống SCADA...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục