Bí thư Đảng ủy tận tụy vì dân

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/7/2018 | 8:04:38 AM

YBĐT - 30 km đường thôn bản được tu sửa, mở mới hơn 10 km đường vào khu sản xuất trọng điểm, vận động dân hiến hơn 3 ha đất, hàng nghìn ngày công… và làm nên những con số ấy có công sức không nhỏ của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Dế Xu Phình - ông Chang Sông Lử.

Bước vào năm 2018, xã Dế Xu Phình đã đi được 1 nửa chặng đường xây dựng nông thôn mới (XDNTM) với việc hoàn thành 10/19 tiêu chí. Trong đó, thành công khá sớm của tiêu chí số 2 giao thông - một tiêu chí thường được cho là "nút thắt khó gỡ” trong XDNTM, nhất là với các xã vùng cao còn nhiều khó khăn.
 
Để thực hiện điều đó, hơn 20 năm công tác từ cương vị Chủ tịch UBND xã cho đến Bí thư Đảng ủy xã, ông Lử luôn xác định, NTM là cơ hội để đưa đồng bào đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, song đây không phải là một dự án đầu tư. Nhà nước chỉ hỗ trợ các cơ sở thiết yếu, còn nhân dân vẫn đóng vai trò chủ thể trực tiếp tham gia và trực tiếp hưởng lợi. Tư duy ấy, luôn theo ông trong suốt quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.

Ông Lử tâm sự: "Để XDNTM, với vai trò chủ thể là nhân dân, cần đánh bật tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của đồng bào để họ tích cực đóng góp XDNTM. Là người dân tộc, tôi hiểu được tâm lý của đồng bào mình. Nếu không lấy mình làm gương, nói trước, làm trước để bà con thấy được cái lợi thì có nói nữa, nói mãi cũng chẳng ai nghe”.
 
Bởi vậy, ông Lử đi đầu tự nguyện hiến hơn 2.000 m2 đất để làm đường, xây trường học. Làm rồi, ông vận động anh em trong dòng họ mình cùng thực hiện. 

Ông còn tổ chức họp bàn với trưởng 7 dòng họ trên địa bàn xã để phổ biến các chủ trương XDNTM của xã rồi tổ chức thi đua giữa các dòng họ. Dòng họ nào có nhiều đóng góp sẽ được khen thưởng nên ai ai cũng hào hứng, tích cực vận động con cháu, anh em hiến đất, ngày công xây dựng các công trình giao thông, phúc lợi.
 
Những hộ không đồng ý bởi tiếc đất mặt đường, đất sản xuất, ông kiên trì đến từng nhà vận động. Đến nhà ai, ông cũng chia sẻ về lợi ích của các tuyến đường khi được hoàn thành. "Sẽ không còn những con đường lầy lội phải đeo ủng mỗi khi trời mưa, trẻ em không phải lấm lem bùn đất mỗi khi tới trường...” - ông Lử đã tác động vào nhu cầu thiết thực của đồng bào như vậy.
 
Rồi ông phối hợp với chính quyền và đoàn thể đến giúp các gia đình tháo dỡ những hạng mục công trình và tài sản trên đất để thi công tuyến đường. Từ đó, phong trào hiến đất, công lao động ngày càng lan rộng. Những con đường mới liên tục được xây dựng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong xã, tạo thêm hứng khởi để hoàn thành các tiêu chí tiếp theo.

Dù đã hơn 60 tuổi, ông Lử vẫn nhanh nhẹn hoạt bát. Về hưu nhưng những lúc rảnh rỗi, ông vẫn đến thăm từng hộ để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, dặn dò bà con dùng nước sạch, xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại sạch sẽ… 

Không chỉ vậy, ông còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình với mô hình tổng hợp nuôi hơn 5 chục con dê, hơn chục con trâu bò, 3 ha sơn tra, 2 ha thảo quả, 2,5 ha lúa, đem lại thu nhập 350 triệu đồng/năm.

Hơn 20 năm có lẻ, dù ở cương vị nào, ông Chang Sông Lử cũng là người đảng viên luôn đi trước, nói trước, làm trước. Đối với ông, những lời nói trên sách vở dù hay đến mấy cũng không tác động đến đồng bào bằng những việc làm cụ thể, gần dân, vì dân.

 Hoài Anh

Các tin khác
Ông Huệ (bên trái) giới thiệu về quy trình sản xuất rau an toàn của gia đình với lãnh đạo xã Văn Phú.

YBĐT - Sau nhiều năm làm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, năm 2016, ông Nguyễn Đình Huệ được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tuy Lộc.

Em Đoàn Thị Thảo Linh và Nguyễn Đình Trung Đức cùng nghiên cứu hoàn thiện chiếc máy thu hoạch rau cầm tay.

YBĐT - Với ước mơ về một nền nông nghiệp hiện đại, 2 em Đoàn Thị Thảo Linh và Nguyễn Đình Trung Đức, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đã chế tạo thành công chiếc máy thu hoạch rau cầm tay, phù hợp với các vườn rau quy mô lớn trồng theo hướng an toàn ở Yên Bái.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung bó mía chuẩn bị đi bán.

YBĐT - 25 năm trồng mía đã giúp cho gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung ở thôn 4, xã Phúc Lộc, thành phố Yên Bái có thêm một nguồn thu nhập ổn định. Cây mía trên đất bãi bồi nơi đây cũng trải qua nhiều đổi thay, giá cả thị trường lên xuống, diện tích ngày càng thu hẹp nhưng chị Nhung đã lựa chọn cách đi riêng để gắn bó cùng loại cây này.

YBĐT -  Huyện Yên Bình hiện có 147 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi. Vi Văn Nguyên ở thôn Bản Lầu, xã Cảm Nhân là một trong những người tiêu biểu. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục