Nữ giảng viên trẻ tâm huyết, yêu nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/7/2018 | 1:57:42 PM

YBĐT - Sinh năm 1987, là Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, đã đạt nhiều danh hiệu như: "Giảng viên dạy giỏi cấp trường”, "Giảng viên dạy giỏi toàn quốc”, Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…Đó là cô gái người dân tộc Dao - Phạm Thị Ngọc Ánh.

Phạm Thị Ngọc Ánh đã giành giải Nhì trong Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, vòng sơ khảo, Cụm thi số 2.
Phạm Thị Ngọc Ánh đã giành giải Nhì trong Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, vòng sơ khảo, Cụm thi số 2.


Sinh năm 1987, lớn lên trên mảnh đất Việt Cường (Trấn Yên), cô gái người dân tộc Dao - Phạm Thị Ngọc Ánh chưa từng nghĩ mình sẽ trở thành giảng viên của ngôi Trường Chính trị tỉnh.

Suốt quá trình học tập, rèn luyện và làm việc tại trường, Ngọc Ánh luôn là một trong những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc đạt nhiều danh hiệu như: "Giảng viên dạy giỏi cấp trường”, "Giảng viên dạy giỏi toàn quốc”, Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… 

Đặc biệt, trong Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII do Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tổ chức mới đây, Ngọc Ánh đã giành giải Nhì vòng sơ khảo Cụm thi số 2 và giải Khuyến khích vòng chung kết.

Hiện đang là Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, luôn bận rộn song Ngọc Ánh vẫn thu xếp công việc và dành thời gian cho tôi vào một buổi sáng cuối tuần. Cô gái có mái tóc ngang vai trẻ trung, dáng người nhỏ, nhanh nhẹn và xinh xắn đón tôi với nụ cười rạng rỡ. Từng là sinh viên Khoa Chính trị học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2006 - 2010), niềm đam mê, yêu thích với chuyên ngành có phần khá khô khan này như đã thấm vào máu.
 
Tháng 1/2017, Ngọc Ánh chính thức có trong tay tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cô gái ham học hỏi dần trưởng thành, tự tin, vững bước hơn trên con đường mình đã chọn.
 
Trò chuyện về Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII vừa diễn ra, Ngọc Ánh tâm sự: "Trở về sau Hội thi, mình rất vui và tự hào. Vui bởi đã có thêm cho mình kinh nghiệm, kiến thức bổ ích, lại được giao lưu, gặp gỡ với các thí sinh khác đó là cơ hội trải nghiệm tuyệt vời và tự hào khi đạt giải Khuyến khích tại vòng thi chung kết. Đây chưa phải là thứ hạng cao, nhưng với mình điều quan trọng nhất là được chinh phục và vượt qua chính mình”.

Để có điều kiện và thời gian tập trung cho Hội thi, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của bản thân thì sự tin tưởng, giúp đỡ, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu Nhà trường, các bạn đồng nghiệp và cả các học viên là động lực rất lớn với Ngọc Ánh.
 
Hội thi tìm hiểu, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tự phê bình và phê bình của từng cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở Đảng trong việc thực hiện Nghị quyết; là dịp để các cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin trong nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
 
"Nghĩ đến những điều tuyệt vời ấy, mình lại càng thêm tự hào, xúc động, thầm hứa với bản thân cần rèn luyện, nỗ lực, làm mới mình, sáng tạo hơn nữa trong công việc” - Ngọc Ánh vui vẻ trải lòng.

Trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, với vai trò của một giảng viên, Ngọc Ánh luôn trách nhiệm, tận tâm, đặc biệt là có nhiều phương pháp, sáng kiến trong giảng dạy. Đối với việc soạn giáo án, Ngọc Ánh luôn nhắc nhở mình cần phải làm tốt công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị về tư liệu phục vụ cho bài giảng.
 
Không chỉ là những kiến thức lý luận khô khan, mà cần cả những kiến thức thực tế nhằm nâng cao tính thực tiễn của bài giảng vì thế Ngọc Ánh luôn dành thời gian tìm tài liệu tham khảo, sưu tầm, thu thập có sàng lọc và thường xuyên cập nhật thông tin mới.
 
Năm 2016, với sáng kiến "Đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy trong bộ môn Nghiệp vụ công tác Đảng ở cơ sở góp phần nâng cao chất lượng môn học”, được áp dụng vào thực tế giảng dạy, cô đã nhận được sự phản hồi tích cực, chất lượng môn học được nâng lên, được các thế hệ học viên đánh giá cao.
 
Ngoài công việc chuyên môn, Ngọc Ánh cũng rất say mê nghiên cứu khoa học. Năm 2017, là thành viên tham gia viết đề tài khoa học cấp trường "Một số giải pháp về nâng cao chất lượng hoạt động của Bí thư Đảng ủy xã ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái hiện nay”, với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao Ngọc Ánh đã thực hiện Đề tài hiệu quả và đúng tiến độ, có tính thực tiễn cao.
 
Bên cạnh đó, Ngọc Ánh cũng tích cực tham gia viết bài đăng trên nội san, website nhà trường để học viên tham khảo. Trong giảng dạy, để đạt được hiệu quả tốt nhất, Ngọc Ánh đã bám sát vào đối tượng, hiểu rõ đối tượng học là cán bộ thôn, bản hay là cán bộ xã, phường; là công chức các sở, ban, ngành, công an hay quân sự… để có phương án giảng dạy, lựa chọn ví dụ thực tiễn, nội dung phân tích cho logic, phù hợp.
 
Đồng thời, giúp các học viên được làm càng nhiều bài tập càng tốt, nhất là các bài tập tình huống phát sinh ở cơ sở. Nếu có thời gian thì có thể đóng vai để diễn tả rõ tình huống và cách xử lý nhanh, hiệu quả. Qua đó, người học cũng dễ dàng tiếp thu kiến thức, ghi nhớ bài học.
 
Bên cạnh đó, phương pháp thảo luận cũng là một trong những phương pháp hiệu quả để làm rõ vấn đề cần nghiên cứu, mặt khác cũng dễ tạo không khí sôi nổi, hứng khởi trong giờ giảng. Với tất cả những kinh nghiệm quý báu trong giảng dạy đó, Ngọc Ánh vinh dự được Ban Giám hiệu Nhà trường cử đi tham gia Hội thi dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành lần thứ VI và đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi toàn quốc.
 
Ngọc Ánh tâm niệm: "Bất cứ công việc nào cũng vậy, yêu nghề, tâm huyết với nghề là một trong những phẩm chất cần có, nhất là nghề giáo, tình yêu nghề, đam mê với nghề lại càng cần nhân lên gấp bội”.
 
 Trong xã hội hiện đại, những thách thức đặt ra đối với ngành giáo dục nói chung và đối với cán bộ giáo viên nói riêng, Ngọc Ánh tự nhận thấy mình cần không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Có như vậy, tâm trí mới vững vàng, hứng khởi nghề nghiệp mới nuôi dưỡng được giấc mơ và hoài bão khoa học.

Mai Linh

Các tin khác

YBĐT - Hơn 11 năm công tác gắn bó với các bệnh nhân tại Khoa ngoại, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải, bác sỹ Giàng A Lu không nhớ chính chính xác trong chừng ấy năm, mình đã mổ cho bao nhiêu bệnh nhân; chỉ nhớ năm 2017, anh đã trực tiếp phẫu thuật mổ cho trên 200 ca...

YBĐT - Sinh năm 1979, quê gốc ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, từ nhỏ Nguyễn Thị Gấm đã ao ước sau này trở thành giáo viên. Vì vậy, sau khi học xong phổ thông, chị đã thi vào ngành sư phạm. Ra trường, chị về làm giáo viên môn Sinh học ở Trường THCS Nguyễn Thái Học, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.

Anh Vàng A Rua (trái) trao đổi kinh nghiệm trồng  ngô với cán bộ khuyến nông.

YBĐT - Khi cây ngô trở thành hàng hóa, Trạm Tấu đã có những gia đình nông dân thoát nghèo trở nên khá giả ở địa phương với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nổi bật trong số họ là anh Vàng A Rua ở thôn Tấu Giữa, xã Trạm Tấu.

Nông dân xã Khánh Hòa trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cam.

YBĐT - Hơn chục năm về trước, ông Tạ Quốc Bảo là một trong số ít những hộ đi tiên phong phát triển cây cam sành ở xã Khánh Hòa (Lục Yên).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục