Tận tụy với quê hương

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/8/2019 | 8:08:18 AM

YênBái - Đại tá Đặng Hồng Quân, nguyên là Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai. Nghỉ hưu, ông trở về quê hương sinh sống tại thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên. Khe Đát là thôn nghèo của xã Tân Đồng và đồng bào Dao quần trắng chiếm tới 99%. Trong nhiều năm qua, với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người dân Khe Đát được cải thiện rõ rệt.

Ông Đặng Hồng Quân giới thiệu về bộ trang phục của con gái dân tộc Dao quần trắng trước khi đi làm dâu.
Ông Đặng Hồng Quân giới thiệu về bộ trang phục của con gái dân tộc Dao quần trắng trước khi đi làm dâu.

Có được những kết quả này, không thể không kể đến sự đóng góp tích cực của ông Đặng Hồng Quân - Trưởng Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, người có uy tín của xã. Nhận thấy mình phải có trách nhiệm với bà con trong xây dựng đời sống ở cơ sở, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, ông luôn gần gũi trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con rồi tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn sự đoàn kết các dân tộc, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất. 

Ông luôn tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con trong phát triển kinh tế, rồi tư vấn cho bà con nên trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương... Từ đó, hầu hết bà con biết lựa chọn các loại cây, con giống có năng suất cao, chất lượng, hiệu quả kinh tế để nâng cao thu nhập xóa đói, giảm nghèo. 

Năm 2011, xã Tân Đồng được tỉnh chọn làm xã điểm thực hiện xây dựng nông thôn mới, ông Quân đã hiến trên 1.200 m2 đất thổ cư để xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Khe Đát; đồng thời, phá bỏ hơn 25 m tường rào hiến đất làm đường. Từ việc làm của ông, nhiều người dân trong thôn đã noi theo và hiến hàng nghìn mét vuông đất, nhiều cây cối, hoa màu làm đường liên thôn, xây dựng hệ thống chiếu sáng trên các nhánh đường, làm tốt công tác vệ sinh môi trường... 

Từ một vùng quê nghèo, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, hộ nghèo chiếm tới 50%, đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu trong thôn đạt trên 60%, hộ nghèo giảm còn 8/103 hộ. 

Ông Đặng Hồng Quân tâm sự: "Trước đây, trong thôn còn có mâu thuẫn về đất đai giữa một số hộ nằm ở phía ngoài mặt đường và hộ phía sâu bên trong. Bởi vì, những hộ ở phía mặt đường thường muốn mở rộng phần đất của mình khiến đường bị hẹp dần, ảnh hưởng đến việc đi lại của một số hộ ở phía trong. Khi đó, tôi cùng Ban Công tác Mặt trận thôn đã đến từng hộ phân tích đúng sai, khuyên nhủ về tình nghĩa làng xóm theo phương châm "mưa dầm thấm sâu” nên các gia đình dần hiểu ra và tự nguyện góp đất để mở rộng đường đi chung”. 

Cùng với phát triển kinh tế, gia đình ông Quân luôn gương mẫu trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Qua đó, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa luôn được các hộ trong thôn hưởng ứng. Các nội quy, quy ước của thôn đều được người dân thực hiện nghiêm túc; một số hủ tục dần được loại bỏ... 

Đặc biệt, từ khi triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vai trò của những người uy tín như ông Quân càng được nâng lên. Ông thường khuyên mọi người siêng năng lao động, tiết kiệm chi tiêu, yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau... 

Ông tuyên truyền, vận động người dân trong thôn bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao quần trắng như việc học chữ nôm Dao, giữ gìn tiếng Dao, học hát dân ca, thêu dệt trang phục truyền thống. Bởi vậy, vào các dịp lễ hội, hầu hết mọi người trong thôn đều mặc trang phục của dân tộc mình. Ông còn thành lập dòng họ Đặng khuyến học và làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài. 

Năm 2018, dòng họ Đặng thôn Khe Đát được Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen; cá nhân ông Quân được Hội Khuyến học huyện Trấn Yên tặng giấy khen vì đã có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhiều năm qua, ở thôn Khe Đát không còn tình trạng các cháu bỏ học nửa chừng; ốm đau, sinh nở đều được đưa đến trạm y tế xã, bệnh viện huyện, tỉnh; thôn không có tệ nạn xã hội, không còn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thách cưới... 

Với những đóng góp cho cộng đồng, liên tục từ năm 2009 đến nay, ông Đặng Hồng Quân vinh dự được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và các cấp, ngành. Gần đây, tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Trấn Yên lần thứ III - năm 2019, ông được đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Với riêng mình, ông Quân cho rằng, phần thưởng lớn nhất đó là niềm tin yêu của người dân thôn Khe Đát dành cho ông cùng sự đổi mới, đi lên của quê hương. 

Vũ Đồng

Tags Đại tá Đặng Hồng Quân Tân Đồng Trấn Yên Khe Đát

Các tin khác
Niềm vui của anh Nông Kim Ngọc khi cây trái sinh sôi.

Một lần cùng ngồi với chị Nông Thị Lụa - Bí thư Đoàn xã Ngọc Chấn, chị mãi khoe gương một thanh niên trẻ xếp bút nghiên, cất bằng cử nhân lên rừng lập nghiệp, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Đó chính là Nông Kim Ngọc ở thôn Nà Đình, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình.

Anh Nịnh Văn Bản (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ với đoàn viên trong Chi đoàn thôn Cây Mỡ.

Sinh năm 1990 trong một gia đình làm nông nghiệp, những năm tháng tuổi thơ, Nịnh Văn Bản ở thôn Cây Mỡ, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình đã chứng kiến cuộc sống vất vả của người thân và làng xóm.

Chị Lê Thị Ngọc (bên trái) giới thiệu về cách nuôi chim bồ câu Pháp với Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Linh.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái năm 2015 nhưng chị Lê Thị Ngọc ở thôn Làng Quyên, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình lại chuyển hướng sang phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.

Các thành viên trong Tổ hợp tác Dược liệu Develop, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên kiểm tra chất lượng cây dược liệu.

Nhận thấy địa phương có tiềm năng đất rừng rộng lớn, phù với nhiều loại cây trồng, trong đó có cây dược liệu, năm 2017, thông qua việc tìm hiểu các loại tài liệu, sách báo và tham quan một số mô hình trồng cây dược liệu trong và ngoài tỉnh, anh Phạm Văn Tiến ở thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn đã đưa vào trồng thử nghiệm cây lá khôi (khôi nhung).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục