Trồng “cây vàng”, thanh niên người Mông trở thành tỷ phú

  • Cập nhật: Chủ nhật, 9/10/2022 | 10:22:59 AM

YênBái - Chuyện anh Giàng A Sáu, dân tộc Mông, 45 tuổi, ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đem tiền tỷ đi gửi ngân hàng mỗi khi giao dịch đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người dân ở đây.

Những cây quế chất lượng cao đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài của gia đình anh Giàng A Sáu.
Những cây quế chất lượng cao đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài của gia đình anh Giàng A Sáu.

Trồng cây quế - loại "cây vàng” trên đất núi, Giàng A Sáu không chỉ làm giàu cho bản thân, trở thành nông dân xuất sắc toàn quốc, mà còn cổ vũ, khích lệ tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu cho đồng bào vùng cao nơi đây.

Khi còn trẻ, Giàng A Sáu từng bị gọi là "thằng không ra gì". Có lẽ là bởi  anh không chịu lấy vợ ở tuổi mười lăm như các bạn cùng trang lứa; lại cứ hay bỏ bản đi tìm những mảnh đất khác tốt hơn mảnh đất khô cằn, không có đường giao thông, không có điện ở quê mình.

Đi nhiều nơi, Giàng A Sáu nhận ra không đâu bằng chính quê hương của mình. Vì vậy, anh quyết định ở lại và tích cực trồng quế cùng dân làng.

Tháng 9/2000, được sự vận động của Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương, anh Giàng A Sáu cùng gia đình trồng 7 ha quế đầu tiên trên mảnh đất rừng được Nhà nước giao. Tiếp đó, hàng năm gia đình anh mở rộng quy mô diện tích, như năm 2001 trồng thêm 5 ha, năm 2002 trồng thêm 10 ha...


Anh Giàng A Sáu giới thiệu cây quế giống gia đình tự ươm.

Những năm sau đó, có thêm sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình A Sáu đã mở rộng đầu tư, nâng tổng diện tích quế lên hơn 40 ha. Đến năm 2017, diện tích quế trồng cho thu hoạch có chất lượng tốt, đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài. Thu nhập từ cây quế đã giúp gia đình A Sáu cải thiện đời sống, cho thu nhập cao và xây nhà kiên cố, mua xe vận tải để phục vụ sản xuất.

Anh Giàng A Sáu chia sẻ: "Ban đầu trồng quế cũng không nghĩ cây quế có giá trị như vậy, nhưng làm thì thấy càng ngày càng được tiền. Nên tôi càng muốn làm nhiều, chịu khó là thành công; bây giờ mới có tiền như vậy".

A Sáu cho biết, những ngày đầu trồng cây quế cũng gặp những khó khăn, đó là chưa trồng bầu như bây giờ, chỉ lấy hạt ươm rồi nhổ lên trồng và chỉ trồng được ngày mưa, ngày nắng thì cây chết. Bây giờ anh và các hộ đã biết làm bầu, mất nhiều chi phí hơn, kỳ công hơn nhưng nắng, mưa đều trồng được và hơn hết là cây không bị chết.

Để chủ động được nguồn cây giống cho diện tích 40ha của gia đình, anh Sáu cũng dành một diện tích đất để tự ươm giống. Việc tự ươm giống so với mua ở ngoài lợi thế hơn là cây quế lên khỏe, tỷ lệ sống cao và tiết kiệm chi phí.

Theo anh Sáu: "Giống quế này quen khí hậu ở đây nên trồng không chết, cây khỏe. Giống mà mua thì chỉ đẹp, vì có chất kích thích và phân nên khi mang vào đồi trồng lại yếu cây".

Ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc quế, bản thân A Sáu và gia đình còn tích cực làm tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo trồng quế gắn với giữ gìn tài nguyên rừng; không canh tác và sản xuất vào rừng phòng hộ ở địa phương.

Anh Giàng A Lử, Trưởng thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết: "Trên địa bàn thôn trước đây không biết trồng cây gì, toàn là làm nương, không có hiệu quả kinh tế. Thấy anh Sáu trồng quế bán được nhiều tiền, lúc bấy giờ bà con mới biết học hỏi để trồng. Người dân trong thôn bây giờ hộ nào cũng trồng được quế".

Ngoài tạo được thu nhập cao cho gia đình, Giàng A Sáu còn tạo được việc làm cho 10 lao động thường xuyên, với mức lương 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Hoàng Văn Cội, Chủ tịch UBND xã An Lương, huyện Văn Chấn cho biết: "Anh Giàng A Sáu là người dám nghĩ dám làm. Mô hình kinh tế của gia đình anh Giàng A Sáu đáng được nhân rộng và học tập. Hiện chủ trương của xã về phát triển cây quế là đưa cây quế thành cây mũi nhọn chủ lực của xã, phát triển mô hình sản phẩm quế hữu cơ có thương hiệu để có thu nhập cao hơn. Hiện nay xã đang kêu gọi các nhà đầu tư vào xã và phát triển Hợp tác xã tinh dầu quế trên địa bàn để bà con yên tâm sản xuất".


Nhờ trồng quế, Giàng A Sáu xây dựng được cơ ngơi rất khang trang.

Bằng sự cố gắng của bản thân trong lao động sản xuất và tranh thủ các nguồn vốn vay từ Ngân hàng và Quỹ hỗ trợ nông dân, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác tập trung theo hướng hàng hóa, đến nay gia đình A Sáu đã bước qua khó khăn, vươn lên giàu có, được nhân dân trong và ngoài tỉnh tới tham quan, học tập kinh nghiệm.

Niên vụ 2019, Giàng A Sáu thu hoạch 1 đồi quế bán được 3 tỷ đồng, anh gửi toàn bộ số tiền đó vào ngân hàng. Đầu tháng 6/2021, anh tiếp tục thu hoạch quế ở 1 đồi khác, bán được 4 tỷ đồng và tiếp tục gửi ngân hàng... Cán bộ tín dụng cùng nhân dân trong vùng ai cũng trầm trồ, chia vui với người nông dân vùng cao xuất sắc trong lao động, sản xuất. Vui hơn nữa khi anh chính là 1 trong 100 gương mặt "Nông dân Việt Nam xuất sắc" toàn quốc năm 2022 sẽ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh trong tháng 10 này.

(Theo VOV)

Các tin khác
Trưởng thôn Đỗ Thị Minh Hợi luôn gần gũi với người dân, tận tụy trong từng việc làm nhỏ nhất.

“Nhiệm kỳ bầu trưởng thôn vừa rồi, nhiều bà con gặp tôi đã “dọa” rằng sẽ bầu tôi làm trưởng thôn đến lúc nào mà tôi “2 tay 2 gậy” mới chịu thôi. Thế đấy! cứ đà này, không biết đến khi nào tôi mới ngừng không “vác tù và hàng tổng nữa!” – Câu nói bình dị mà chân quý của bà Đỗ Thị Minh Hợi ở thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã chạm đến nhịp thở của biết bao trái tim yêu Đảng, yêu Bác Hồ.

Đại úy Mai Anh Tuấn - Phó Đội trưởng Đội điều tra, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh.

5 năm qua, Đại úy Mai Anh Tuấn đã cùng đồng đội tham gia điều tra, khám phá, giải quyết 40 vụ án với 65 bị can; trong đó, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chủ yếu là các loại tội phạm liên quan đến hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ; lưu hành tiền giả; môi giới, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép…

Ông Vũ Hữu Lê - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà, thành phố Yên Bái (bên ngoài) kiểm tra chất lượng các loại máy móc của Công ty.

Nhiều chiếc máy với công dụng khác nhau do các “tác giả không chuyên” trên địa bàn tỉnh Yên Bái nghiên cứu, chế tạo khi ứng dụng vào sản xuất đã khẳng định hiệu quả. Họ là những học sinh, sinh viên, nông dân say mê nghiên cứu, sáng chế và kết quả là không ít các công trình, sáng chế đã mang lại lợi ích rất lớn.

Thiếu tá Bùi Hồng Huấn (trái) nhận Bằng khen của Bộ Công an.

Với cương vị là Trưởng Công an phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, Thiếu tá Bùi Hồng Huấn đã tích cực tham mưu với Đảng ủy, UBND phường lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phường thực hiện tốt công tác xây dựng Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ)”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục