Nông dân miền núi kinh doanh giỏi

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/10/2022 | 7:47:15 AM

Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân tỉnh Yên Bái triển khai sâu rộng.

Hội viên Trần Thị Huân làm giàu từ cây quế.
Hội viên Trần Thị Huân làm giàu từ cây quế.

Từ cây quế gia đình trồng được và kinh doanh các sản phẩm quế của người dân trong vùng, đến nay gia đình chị Trần Thị Huân ở thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 2 xưởng sản xuất, chế biến quế; mua sắm được nhiều trang thiết bị máy móc và 4 ô tô tải lớn để vận chuyển hàng hóa. Cũng từ nguồn thu nhập ấy, gia đình chị Huân xây được ngôi nhà khang trang trị giá trên 1 tỷ đồng.

Chị Huân cho biết, bình quân mỗi tháng, gia đình sản xuất, chế biến khoảng 100 tấn vỏ, cành quế các loại. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm.

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, chị Huân còn tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và lao động địa phương, với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.

"Đầu tiên mua được 1 ô tô, rồi 2 ô tô, bây giờ là 3, 4 ô tô, qua đó thu gom lớn, mỗi ngày khoảng 20 - 30 tấn hàng chở đi các công ty lớn” - chị Huân chia sẻ.

Đánh giá về mô hình kinh doanh của gia đình chị Huân, ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: "Hội viên Trần Thị Huân hằng nằm đều được bầu chọn là hội viên sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của xã, huyện, tỉnh. Trong những năm vừa qua hội viên này có sự cố gắng, nỗ lực cao, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các gia đình hội viên khó khăn”.

So với các huyện vùng thấp, các huyện vùng cao ở Yên Bái như Trạm Tấu và Mù Cang Chải còn khó khăn hơn, nhưng nông dân các địa phương này cũng đang nỗ lực vượt khó để phát triển sản xuất. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, trồng rừng, trồng cây đặc sản đã cho hiệu quả rất khả quan. Mô hình nuôi trâu bò của anh Giàng A Mua, dân tộc Mông ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu là một ví dụ.

Khi nhận thấy việc chăn nuôi trâu, bò sinh sản và nuôi nhốt có những ưu điểm hơn nhiều so với việc thả rông và chăn nuôi quảng canh, anh Mua đã quyết định chuyển hướng chăn nuôi sang hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả. Hiện mô hình mang lại thu nhập tới 200 triệu một đồng mỗi năm, một khoản không nhỏ đối với các hộ gia đình ở vùng cao còn nhiều khó khăn.

"Nhà nước hỗ trợ thì gia đình mình luôn cố gắng vươn lên. Lúc nào trong chuồng cũng có 7 đến 10 con trâu bò. 6 tháng vừa rồi thì tính ra mỗi tháng vợ 8 triệu đồng, chồng 8 triệu đồng” - anh Giàng A Mua nói.


Mô hình chăn nuôi trâu bò của hội viên nông dân Giàng A Mua, dân tộc Mông ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang được Hội Nông dân tỉnh Yên Bái triển khai sâu rộng đến tất cả cấp Hội cơ sở trong suốt thời gian qua. Theo đó, công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giáo dục, đào tạo nghề, tập huấn chuyên môn, kiến thức được các cấp Hội quan tâm thực hiện, chú trọng với đối tượng nông dân trẻ, nông dân khởi nghiệp. Qua đó khích lệ tinh thần tự lực, tự cường, có ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng của hội viên, từ đó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Chỉ trong 9 tháng năm nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã và sản phẩm OCOP cho 60 học viên; 197 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật kết hợp tham quan mô hình cho trên 9.000 lượt hội viên nông dân; 03 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất hữu cơ gắn với trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học cho gần 300 lượt cán bộ, hội viên nông dân…

Ông Giàng A Câu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2021, toàn tỉnh có hơn 57.000 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi và qua bình xét có 68,7% hộ đạt danh hiệu. Năm 2022, dự kiến số hộ đạt danh hiệu còn cao hơn.

"Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Yên Bái những năm gần đây phát triển. Trước đây hay nói đến nông dân tỷ phú ở khu vực phía Đông tỉnh như huyện Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình nhưng những năm gần đây thì các huyện phía Tây của tỉnh cũng đã xuất hiện các mô hình rất là đặc sắc. Sự quan tâm của tỉnh bằng những chính sách đặc thù những năm gần đây đã gỡ khó cho người nông dân rất nhiều” - ông Giàng A Câu nói.

Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã triển khai Quỹ Hỗ trợ nông dân với kinh phí trên 22,6 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho trên 21.000 hội viên vay vốn với số tiền 956 tỷ đồng; trên 6.500 hội viên cũng được vay số tiền trên 597 tỷ đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để sản xuất, kinh doanh…

Trong 9 tháng năm 2022, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và cấp huyện cũng tăng trưởng gần 4 tỷ đồng. Hội Nông dân các cấp đã triển khai cho vay mới 28 dự án với 160 hộ vay số tiền gần 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp hiệu quả với các Ngân hàng cho vay tín chấp, ủy thác với lãi suất ưu đãi, tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân vay vốn giảm nghèo và mở rộng quy mô sản xuất để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
(Theo VOV)

Các tin khác
GS Nguyễn Đình Đức (bên trái) và PGS Lê Hoàng Sơn.

Nhóm nghiên cứu Metrics của Giáo sư John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ) vừa công bố các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022. Một trong 2 nhà khoa học Việt xếp hạng cao trong nhóm 10.000 thế giới là người con của quê hương Yên Bái- Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức.

Những cây quế chất lượng cao đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài của gia đình anh Giàng A Sáu.

Chuyện anh Giàng A Sáu, dân tộc Mông, 45 tuổi, ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đem tiền tỷ đi gửi ngân hàng mỗi khi giao dịch đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người dân ở đây.

Trưởng thôn Đỗ Thị Minh Hợi luôn gần gũi với người dân, tận tụy trong từng việc làm nhỏ nhất.

“Nhiệm kỳ bầu trưởng thôn vừa rồi, nhiều bà con gặp tôi đã “dọa” rằng sẽ bầu tôi làm trưởng thôn đến lúc nào mà tôi “2 tay 2 gậy” mới chịu thôi. Thế đấy! cứ đà này, không biết đến khi nào tôi mới ngừng không “vác tù và hàng tổng nữa!” – Câu nói bình dị mà chân quý của bà Đỗ Thị Minh Hợi ở thôn Phố Hóp, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã chạm đến nhịp thở của biết bao trái tim yêu Đảng, yêu Bác Hồ.

Đại úy Mai Anh Tuấn - Phó Đội trưởng Đội điều tra, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh.

5 năm qua, Đại úy Mai Anh Tuấn đã cùng đồng đội tham gia điều tra, khám phá, giải quyết 40 vụ án với 65 bị can; trong đó, có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, chủ yếu là các loại tội phạm liên quan đến hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ; lưu hành tiền giả; môi giới, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục