Người thương binh làm kinh tế giỏi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2022 | 7:24:31 AM

YênBái - Tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và mang trong mình thương tật với tỷ lệ 51%, nhưng thương binh Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1965 ở tổ 11, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên vẫn nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương phát triển kinh tế tiêu biểu ở địa phương.

Thương binh Nguyễn Văn Lợi (bên trái) giới thiệu kinh nghiệm chăn nuôi bò 3B với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên.
Thương binh Nguyễn Văn Lợi (bên trái) giới thiệu kinh nghiệm chăn nuôi bò 3B với lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên.

Năm 1984, xuất ngũ trở về quê hương và lập gia đình tại tỉnh Hà Nam Ninh cũ, nhưng do kinh tế khó khăn, nên thương binh Nguyễn Văn Lợi đã phải đi nhiều nơi, làm nhiều nghề để mưu sinh. Sau đó, vào năm 2000, ông Lợi lên Yên Bái tìm kiếm việc làm và đến năm 2014, ông quyết định đưa vợ con lên mua đất xây dựng cơ ngơi, lập nghiệp tại tổ 11, thị trấn Cổ Phúc. 

Ông Lợi chia sẻ: "Những năm đầu ở quê hương mới, cuộc sống còn nhiều bỡ ngỡ. Sau khi tìm hiểu, thấy nguồn đất ở gần nơi mình sinh sống thích hợp làm gạch nên gia đình tôi đã mở xưởng sản xuất gạch thủ công. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm làm gạch, chính quyền địa phương có chủ trương xóa bỏ các lò gạch thủ công để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gia đình tôi chuyển sang đầu tư chăn nuôi, trồng trọt”. 

Từ suy nghĩ, cần phải thay đổi cách làm kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Lợi đã tập trung tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả tại các địa phương. Nhận thấy nhiều lợi thế tự nhiên, ông Lợi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò 3B, nuôi lợn rừng thương phẩm kết hợp trồng các loại cây ăn quả: bưởi da xanh, mít Thái, nhãn... 

Nhờ tích cực áp dụng kỹ thuật, nên bò 3B, lợn rừng sinh trưởng tốt và tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, đường đến thành công không mấy bằng phẳng khi năm 2018 bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan toàn quốc khiến hơn trăm con lợn rừng của ông Lợi mắc bệnh phải tiêu hủy, thua lỗ mất hơn 1 tỷ đồng.

Không nản chí, ông Lợi động viên vợ con chuyên tâm vào công việc chăn nuôi bò 3B và trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả. Bò 3B có nguồn gốc từ Bỉ, việc nuôi không khó, bởi đây là giống bò có sức đề kháng tốt, ăn được các loại thức ăn thô có nhiều chất xơ như cỏ, rơm rạ…. 

Qua đó, tận dụng được nguồn thức ăn thô xanh, giảm chi phí mà sản lượng thịt cao, bò tăng trưởng nhanh và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với bò truyền thống. Hàng năm, ông Lợi mua con giống tại Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì tại thủ đô Hà Nội, giá con giống mua từ 20 - 25 triệu đồng/con giống. Sau đó, chăn nuôi từ 8 đến 10 tháng, khi đó bò thịt sẽ đạt trọng lượng từ 5 - 7 tạ/con, xuất bán với giá giao động từ 95.000 đồng - 110.000 đồng/kg hơi. Điều quan trọng là nuôi bò 3B không phải lo đầu ra, bởi chất lượng thịt ngon, tỷ lệ thịt cao, luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. 

"Chỉ cần nhấc điện thoại lên là có thương lái đến ngay, mà không bao giờ bị ép giá” - ông Lợi cho hay. 

Để đàn bò phát triển tốt, ngoài tích cực trồng cỏ, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như rơm rạ, thân ngô tươi, ông Lợi còn chủ động theo dõi lịch tiêm phòng vắc - xin phòng chống các bệnh phổ biến như: tụ huyết trùng, lở mồm long móng… Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm ông Lợi nuôi từ 15 - 20 con bò 3B và sau khi trừ các khoản chi phí còn thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, gần 200 cây mít Thái, hơn 300 cây bưởi và hàng chục cây nhãn đều bắt đầu cho thu hoạch. Với cơ ngơi nuôi trồng đang phát triển cùng căn nhà rộng rãi, khang trang, là kết quả của sự lao động cần cù, vất vả nhưng cũng rất năng động, sáng tạo của gia đình ông Lợi. 

Nhận xét về thương binh Nguyễn Văn Lợi, ông Đặng Tiến Quyền - Chủ tịch Hội CCB thị trấn Cổ Phúc cho biết: "Vươn lên bằng nghị lực để xây dựng gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ông Lợi đã phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; là tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng để mọi người noi theo”. 

Không chỉ điển hình trong phát triển kinh tế, ông Lợi còn giữ vai trò là Chi hội phó Chi hội CCB tổ 11 và là người có uy tín cao với cấp ủy, chính quyền, nhân dân. Ông luôn tích cực tham gia, ủng hộ các phong trào tại địa phương và nhiệt tình trong công tác Hội CCB. 

Vũ Đồng

Các tin khác
Ông Tạ Quang Đoàn (thứ 2 bên phải) cùng Ban Công tác Mặt trận thôn báo cáo lãnh đạo xã Đại Lịch về công tác vệ sinh môi trường tại thôn Khe Đồng.

Làm trưởng thôn trong suốt hơn 20 năm và thực sự là người có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đó là ông Tạ Quang Đoàn, 71 tuổi - Trưởng thôn Khe Đồng, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn làm trưởng thôn Khe Đồng.

Hội viên Trần Thị Huân làm giàu từ cây quế.

Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được Hội Nông dân tỉnh Yên Bái triển khai sâu rộng.

GS Nguyễn Đình Đức (bên trái) và PGS Lê Hoàng Sơn.

Nhóm nghiên cứu Metrics của Giáo sư John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ) vừa công bố các nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2022. Một trong 2 nhà khoa học Việt xếp hạng cao trong nhóm 10.000 thế giới là người con của quê hương Yên Bái- Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức.

Những cây quế chất lượng cao đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài của gia đình anh Giàng A Sáu.

Chuyện anh Giàng A Sáu, dân tộc Mông, 45 tuổi, ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đem tiền tỷ đi gửi ngân hàng mỗi khi giao dịch đã trở nên khá quen thuộc với nhiều người dân ở đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục