Thầy giáo mầm non “yêu nghề, mến trẻ”

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/11/2022 | 7:30:34 AM

YênBái - Là giáo viên nam hiếm hoi hiện đang giảng dạy bậc học mầm non trên địa bàn huyện Lục Yên với tình yêu nghề, mến trẻ, đang ngày ngày dành tâm huyết, tình cảm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy nuôi dạy trẻ. Đó là thầy Vi Văn Phong - Bí thư Đoàn trường, giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi, Trường Mầm non Phúc Lợi.

Thầy Vi Văn Phong luôn tạo được hứng thú cho các bé qua từng giờ học.
Thầy Vi Văn Phong luôn tạo được hứng thú cho các bé qua từng giờ học.

Thầy Vi Văn Phong, sinh năm 1991, quê ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình. Năm 2014, thầy tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục tểu học và mầm non, Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ. Với thành tích học tập tốt, thầy Phong được xét tuyển dụng, phân công giảng dạy tại Trường Mầm non Phúc Lợi, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên từ năm 2016 đến nay - ngôi trường nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên, với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Dao. 

Nói về cơ duyên khiến mình lựa chọn học ngành giáo dục mầm non, thầy Phong chia sẻ: "Mình thích theo ngành sư phạm, rất thích sự hồn nhiên, ngây thơ và yêu quý trẻ con nên mình đã quyết định lựa chọn. Ban đầu mình cũng hơi ngại, bởi thực tế nam giới học mầm non và dạy mầm non rất hiếm và không ít định kiến. Có người còn nói "con trai ai đi dạy mầm non”... khiến đôi lúc mình cảm thấy chạnh lòng. Nhưng rồi mình cố gắng vượt qua định kiến đó, thường xuyên tham gia văn nghệ, hát múa, giao tiếp với các em rồi trải qua các kỳ kiến tập, thực tập làm quen với môi trường sư phạm mầm non. Đến giờ thì mình không còn e ngại vấn đề thầy giáo dạy trẻ nữa mà hoàn toàn tự tin để phấn đấu theo nghề”.

Việc nuôi dạy trẻ vốn đã khó khăn, áp lực đối với các cô giáo thì với thầy Phong lại càng gian nan khi công việc đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo. Công việc của một giáo viên mầm non khá vất vả, thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 17 giờ chiều. Cùng với đó còn phải làm đủ việc không tên. Thầy đã vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu để tự làm các loại đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ rồi chải tóc, tết tóc cho các bé gái…

"Giáo viên mầm non ngoài chuyên môn thì cần nhiều hơn là tình yêu thương với học trò. Thầy cô giáo vừa phải như một nghệ sĩ, lúc làm ca sĩ, họa sĩ, khi làm bác sĩ, người phân xử tình huống…” - thầy Phong chia sẻ. 

Cô giáo Trần Thị Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường hiện có 33 thầy, cô giáo. Thầy Phong là giáo viên nam đứng lớp đầu tiên của nhà trường cũng như trong khối các trường mầm non trên địa bàn huyện Lục Yên hiện nay. Bên cạnh công tác chuyên môn, thầy cũng tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho các hoạt động, phong trào đoàn thể của nhà trường. 

So với đồng nghiệp nữ, đôi khi thầy Phong không tránh khỏi khó khăn, nhất là những công việc đòi hỏi tỉ mỉ, khéo léo, nhẹ nhàng với trẻ, nhất là các bé gái. Nhưng đổi lại, ngoài giảng dạy, nhà trường còn nhiều việc cần bàn tay nam giới và đều đã được thầy Phong hỗ trợ, đảm nhận. Với tình yêu nghề, kiên trì, nỗ lực, thầy Phong đã khẳng định là một giáo viên có năng lực chuyên môn, được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh yêu quý và phụ huynh luôn tin tưởng…”.

Qua 6 năm công tác tại Trường Mầm non Phúc Lợi, thầy giáo Vi Văn Phong liên tục nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Năm học 2020- 2021, thầy được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Và hơn cả các danh hiệu, điều thầy Phong hạnh phúc nhất chính là sự yêu mến của con trẻ, sự tin tưởng, quý mến từ Ban Giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. 

Vũ Đồng

Tags thầy giáo mầm non giáo dục Trường Mầm non Phúc Lợi yêu nghề mến trẻ cầu Tô Mậu Lục Yên

Các tin khác
Cán bộ, chiến sĩ Công an xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên thăm hỏi vợ chồng ông Nguyễn Văn Quyền.

Nhờ có những người có uy tín, có trách nhiệm như ông Nguyễn Văn Quyền nên tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở Bảo Hưng luôn ổn định, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021.

Trần Tâm Thanh (Zicky Lee) chiến thắng lĩnh vực người mẫu

Đêm chung kết Cuộc thi FashUP 2022 by TikTok đã kết thúc gần 1 tháng nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi. Bởi, lần đầu tiên một cô gái đến từ tỉnh miền núi Yên Bái, nơi vốn xa lạ với những danh xưng trong lĩnh vực thời trang đã giành ngôi vị cao nhất của Cuộc thi. “Cô gái vàng trong làng Modeling” đã gọi tên Trần Tâm Thanh - quán quân Người mẫu (Modeling Icon).

Bà Chu Thị Sinh giống như “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt phụ nữ xã Mường Lai luôn vững tin theo Đảng, Nhà nước xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển.

Gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm là những gì chúng tôi thấy ở bà Chu Thị Sinh (sinh năm 1969), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mường Lai, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Chị Hoàng Thị Vị hướng dẫn em La Quốc Bảo tập viết bằng chân.

Với tấm lòng bao dung nhân hậu, chị Hoàng Thị Vị đã biến mọi nhọc nhằn trở thành niềm vui, hạnh phúc. Và cái được lớn nhất với chị là niềm hạnh phúc khi chứng kiến những “bông hoa khuyết cánh” vẫn “tỏa hương” hòa nhập cùng cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục