Người mẹ thứ hai của những đứa trẻ “đặc biệt”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/11/2022 | 8:05:44 AM

YênBái - Với tấm lòng bao dung nhân hậu, chị Hoàng Thị Vị đã biến mọi nhọc nhằn trở thành niềm vui, hạnh phúc. Và cái được lớn nhất với chị là niềm hạnh phúc khi chứng kiến những “bông hoa khuyết cánh” vẫn “tỏa hương” hòa nhập cùng cộng đồng.

Chị Hoàng Thị Vị hướng dẫn em La Quốc Bảo tập viết bằng chân.
Chị Hoàng Thị Vị hướng dẫn em La Quốc Bảo tập viết bằng chân.

Hơn hai năm nay, người dân xã Bảo Ái, huyện Yên Bình đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ vội vã ghé vào hàng tạp hóa rồi mang theo đủ thứ bánh kẹo, đường sữa, sách vở, bút mực xếp gọn vào cốp xe máy vượt chặng đường hàng chục ki-lô-mét tự nguyện đến từng gia đình có những đứa trẻ kém may mắn để chăm sóc và dạy chữ cho các em. 

Tận mắt chứng kiến các bé bệnh tật được chị chăm bẵm, dạy dỗ ân cần như người mẹ dành cho đứa con ruột thịt của mình mới cảm nhận được tấm lòng nhân hậu của chị. Với chị, những đứa trẻ ấy không chỉ là học trò "đặc biệt” mà còn là những đứa con chị hết mực yêu thương. 

Người phụ nữ ấy là Hoàng Thị Vị, người dân tộc Cao Lan ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tốt nghiệp Khoa Toán - Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, chị Vị tình nguyện đến dạy học ở Trường THCS Bảo Ái - xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình. 

32 năm gắn bó với rất nhiều thế hệ học sinh nhưng điều mà chị Vị trăn trở nhất đó là những lần tham gia công tác phổ cập, chứng kiến những em nhỏ không may bị khuyết tật chưa được đến trường. Từ đó, chị đã tranh thủ ngoài giờ lên lớp học các kỹ năng nuôi dạy, giáo dục trẻ khuyết tật qua sách báo và phương tiện thông tin đại chúng. Ngay sau khi nghỉ hưu chị Vị đã chủ động tìm đến các em bằng cả tấm lòng bao dung, sự kiên nhẫn như một người mẹ.  

Sinh thiếu tháng lại bị đa khuyết tật, phát âm kém, liệt hai tay, chân phải cũng rất yếu nhưng em La Quốc Bảo ở thôn Làng Giữa lại có trí nhớ rất tốt. 

Thấy em có khả năng tiếp thu kiến thức, chị Vị đã tìm mọi cách giúp em học tập. Bắt đầu là tập đánh vần, rồi đọc sách, gian nan nhất là dạy Bảo viết bằng chân trái. Mới đầu để giúp em giữ cho giấy viết khỏi xô lệnh chị Vị đã sưu tầm những tờ bìa cứng cho em tập viết. 

Tập mãi không viết được chữ nào, Bảo nổi cáu vứt hết sách, bút đi. Những lúc như thế, chị lại ôm Bảo vào lòng vỗ về để em bình tâm lại, rồi động viên, thậm chí chị cũng tự tập viết bằng chân để khuyến khích em. Sự tận tụy của chị đã mang lại thành quả khi chứng kiến lần đầu tiên Bảo viết được tên mình trên trang giấy, hai cô trò phấn khởi cười chảy nước mắt. 

Giờ đây không chỉ đọc được cả bài văn dù phát âm còn khó khăn do bị dị tật, hay làm toán cộng - trừ - nhân - chia trong phạm vi 100 mà Bảo còn viết rất đẹp trong sự phấn khởi đến nghẹn ngào của bố mẹ và người thân. 

Còn em Bàn Thanh Việt con trai của chị Lý Thị Đánh ở thôn Ngòi Trán, xã Bảo Ái lại bị bại não, liệt toàn thân do em bị ngã từ khi 3 tuổi. Nhà nghèo lại không có kiến thức chăm sóc con nên mỗi khi chị Đánh cho con ăn bé Việt rất hay bị sặc nên gầy yếu và thường xuyên phải nằm viện. Biết hoàn cảnh của gia đình chị Đánh, chị Vị đã chủ động tìm đến tư vấn, giúp chị Đánh cách chăm sóc, chế biến thức ăn và cả việc cho ăn. Hiện tại bé Việt không còn ốm vặt, cơ thể đã bắt đầu phát triển ổn định. 

Chị Lý Thị Đánh mẹ bé Việt chia sẻ: "Trước cháu Việt hay phải đi viện, gầy yếu lắm, nhờ có cô Vị hướng dẫn vợ chồng em cách chăm sóc từ dinh dưỡng đến mát xa thường xuyên cho con nên giờ cháu khỏe lên nhiều”.

Đều đặn mỗi tháng 3-4  lần, tùy từng thể trạng bệnh của các em chị Vị có phương pháp tiếp cận, hỗ trợ riêng. Đối với những em có khả năng tiếp thu, chị tìm cách dạy kiến thức, tư vấn kỹ năng tự chăm sóc; những em bị bệnh nặng chị tư vấn cho phụ huynh cách chăm sóc, phòng chống đuối nước, sâm hại tình dục cho trẻ… 

Mỗi lần đến thăm các con, chị Vị đều cẩn thận ghi chép từng hành động, cử chỉ cũng như sự tiến bộ của các em để có phương pháp hỗ trợ phù hợp với mong ước phần nào bù đắp cho các em những thiệt thòi, khiếm khuyết để các em có thêm niềm tin vào cuộc sống. 

Việc làm của chị cũng đôi khi vấp phải lời ra tiếng vào ác ý nhưng được chồng con ủng hộ và nghĩ đến những đứa trẻ thiếu may mắn đang mong chờ, chị Vị bỏ hết ngoài tai để cần mẫn, tận tụy với lựa chọn của mình.

Giờ đây 17 học trò "đặc biệt” do chị hỗ trợ chăm sóc, có em đã tiếp thu được kiến thức, biết đọc, biết viết; những em bệnh nặng hơn thì biết bày tỏ tình cảm, có kỹ năng hòa nhập với cộng đồng và được chăm sóc tốt hơn. Chị Vị cũng trở thành người bạn đồng hành, là nơi gửi gắm niềm tin, cậy nhờ của các bậc phụ huynh, chị trở thành người mẹ thứ hai của các em. 

Anh Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cho biết: "Chị Hoàng Thị Vị là người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ mọi người nhất là các cháu khuyết tật trên địa bàn. Việc làm của chị đã góp phần lan tỏa sự đồng lòng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em bị khyết tật, tránh sự kỳ thị để các cháu tự tin hòa nhập cùng cộng đồng”. 

 Với tấm lòng bao dung nhân hậu, chị Hoàng Thị Vị đã biến mọi nhọc nhằn trở thành niềm vui, hạnh phúc. Và cái được lớn nhất với chị là niềm hạnh phúc khi chứng kiến những "bông hoa khuyết cánh” vẫn "tỏa hương” hòa nhập cùng cộng đồng.

Hải Yến (Trung tâm TT&VH Yên Bình)

Tags Người mẹ thứ hai nhân hậu sẵn sàng giúp đỡ hòa nhập cộng đồng

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Rẹ 2 Nguyễn Văn Tiệm (thứ 2 bên phải) trao đổi với lãnh đạo xã và người dân về phát triển diện tích chè kinh doanh.

Hơn 50 năm tuổi đời, 10 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Văn Tiệm- Bí thư Chi bộ thôn Rẹ 2, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, đã trở thành nhân tố tích cực góp phần cùng người dân mang đến những đổi thay cho thôn nhiều năm qua.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Trung tâm Chính trị huyện Trấn Yên trao đổi kỹ năng giảng dạy cho thí sinh Nguyễn Thị Hoa trước khi đi thi.

Tháng 11, tháng tri ân các thầy cô, tôi tìm về Trấn Yên để trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Thị Hoa - giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Trấn Yên, người vừa đạt giải Nhì tại Hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2022 khu vực phía Bắc”, tổ chức tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vào trung tuần tháng 10.

Chị Hoàng Thị Nguyệt (áo hồng, đứng giữa) cùng các hội viện kiểm tra sản phẩm quế vỏ trước khi xuất bán.

Chị Hoàng Thị Nguyệt, sinh năm 1979, dân tộc Mường - hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Tân Thịnh, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên là một trong những điển hình vươn lên từ Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2022 của tỉnh. Thu nhập bình quân của gia đình chị đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Anh Nông Quang Trung hòa tấu đàn tính trong Cuộc thi

"Đã yêu thì không còn ngại điều gì để theo đuổi nó". Học đàn tính từ năm 10 tuổi, cũng là người duy nhất biết chơi đàn tính tại Trung Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, anh Nông Quang Trung đã xuất sắc giành nhiều giải thưởng của các cuộc thi lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục