YênBái - Muốn mang giá trị của cây thuốc nam của người Dao đến thị trường để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mọi người, chị Mai Thị Thông - thôn Tháp Cái, xã Viễn Sơn (Văn Yên) và một số chị em trong nhóm đông y của xã đã tập trung trồng, chế biến cây thuốc nam người Dao thành sản phẩm hàng hóa. Đó cũng là nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp với cây thuốc nam mà người phụ nữ Dao này ấp ủ bấy lâu.
|
Chị Mai Thị Thông (bên phải) giới thiệu sản phẩm thuốc nam của người Dao với khách hàng.
|
Được bà nội truyền dạy lại nghề làm thuốc nam của người Dao, chị Mai Thị Thông biết lên rừng tìm cây thuốc nam hơn chục năm nay. Qua tìm hiểu thị trường, chị Mai Thị Thông nhận thấy người có nhu cầu sử dụng thuốc nam ngày càng tăng, tuy nhiên những người bán thuốc trên thị trường đa phần nhỏ lẻ. Bởi vậy, chị luôn ấp ủ đưa bài thuốc nam của người Dao đến được với nhiều người có nhu cầu, nhất là bài thuốc phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
Để phát triển sản phẩm, cùng với nguồn dược liệu tự nhiên trong rừng, chị Mai Thị Thông và các chị em tận dụng trồng ở những diện tích đất trống. "Cây làm thuốc dễ sống, ít bị nhiễm sâu bệnh nên không cần phải sử dụng các loại thuốc hóa học. Trước kia, các loại cây sử dụng làm thuốc thường được người Dao dùng tươi hay phơi khô, nấu lấy nước tắm hoặc uống. Còn nay, chúng tôi sơ chế thành 5 loại như thuốc khô, cao, thuốc nhỏ, thuốc đắp và thuốc bột rất dễ dàng sử dụng và bảo quản” - chị Mai Thị Thông cho biết.
Để tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, chị Mai Thị Thông định hướng giới thiệu sản phẩm cho các cơ sở kinh doanh thuốc tắm người Dao, các công ty dược, cơ sở buôn bán thuốc, các chợ đầu mối và tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.
Quá trình khởi nghiệp với cây thuốc nam, chị Mai Thị Thông cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn; nguồn nguyên liệu chưa được ổn định, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên; thiếu kinh nghiệm trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
"Tôi mong muốn được tham gia những chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về sản phẩm để người tiêu dùng biết đúng, biết đủ tác dụng, công dụng cây thuốc nam của người Dao, đồng thời mong muốn đưa sản phẩm thuốc nam xã Viễn Sơn thành sản phẩm OCOP” - chị Mai Thị Thông chia sẻ.
Hiện tại, việc duy trì nghề thuốc nam của người dân trong xã dựa trên cách truyền dạy trực tiếp trong gia đình và học hỏi lẫn nhau. Bởi vậy, chị Mai Thị Thông cũng như nhiều chị em khác trong nhóm đông y của xã Viễn Sơn cũng mong muốn được địa phương và Hội Phụ nữ quan tâm tạo điều kiện để các chị được tham gia một số lớp học về đông y, nâng cao hơn nữa hiểu biết, kiến thức về nghề; được đi thăm quan, học hỏi cách trồng, phát triển cây thuốc nam; được hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật như lò sấy khô không khói vào khâu chế biến và bảo quản cây thuốc nam…
Dù còn nhiều khó khăn song chị Mai Thị Thông vẫn nỗ lực phát triển sản phẩm để không chỉ là một hướng đi cho kinh tế gia đình mà còn nhằm bảo tồn những cây thuốc quý và giúp chị em phụ nữ tận dụng một số cây dược liệu quý của địa phương để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thu Hạnh
Tags
Mai Thị Thông
cây thuốc nam
phụ nữ Dao
bảo tồn
Ông Thiều Văn Quý - Bí thư Chi bộ thôn Bo, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên là 1 trong gần 600 gương mặt điển hình tiên tiến cấp huyện được Huyện ủy Văn Yên tuyên dương trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2022.
Bà Hà Thị Chiêm ở thôn Khe Lếch, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là người dân tộc Tày chính gốc địa phương. Từ khi lập gia đình, vợ chồng ông bà đã luôn cùng nhau chăm chỉ lao động để có cuộc sống ổn định như hiện nay.
Hai Bí thư đoàn xã Yên Hợp và Lâm Giang, huyện Văn Yên đã tình nguyện hiến máu cứu em Đặng Thị Phương qua cơn nguy kịch do xuất huyết tiêu hoá.
Dám nghĩ, dám làm để khẳng định sức trẻ, anh Vũ Văn Ngân, 33 tuổi ở thôn Phú Sơn, xã Yên Phú, huyện Văn Yên hiện là chủ nhân của xưởng cơ khí chế tạo máy với thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm.