Đời sống đi lên nhờ đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất
- Cập nhật: Thứ hai, 8/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Rời quê Nam Định, bà Kiều Thị Thư cùng 2 con gái lên định cư theo người chị gái tại bản Vần, xã Việt Hồng huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái. Ngay từ buổi đầu may mắn đã không đến với bà, khi xã không còn quỹ đất nông nghiệp cấp cho các hộ ở nơi khác đến. Được chị gái nhượng cho 2 sào ruộng nước và 200m2 đất ở, tiền vốn không có, con thì còn nhỏ nên cuộc sống của bà thiếu đói quanh năm.
Khi có chính sách điều chỉnh lại ruộng đất, với 3 khẩu gia đình bà Thư được chia 7 sào ruộng nhưng lại chưa quen với ruộng đất ở đây và cách thâm canh nên cuộc sống cũng chẳng khá lên được. Rồi thêm một lần nữa tai họa lại ập xuống gia đình bà, bởi hỏa hoạn đã thiêu cháy căn nhà nơi trú ngụ cuối cùng, tưởng như gia đình không còn vượt lên được. Nhưng đến năm 2001 bà được tham gia thực hiện mô hình lúa, chăn nuôi lợn của Dự án Giảm nghèo. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, bà cùng các con cố gắng thực hiện theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Năm đó bà đã thực hiện thành công 2 mô hình và năng suất lúa đạt 230 kg/sào, lợn nái sinh sản được 2 lứa, mỗi lứa 10 con. Đồng thời, bà thường xuyên đi dự các lớp tập huấn kỹ thuật để tiếp nhận những tiến bộ khoa học mới đưa vào sản xuất; đã thay đổi cây trồng vật nuôi, đưa các con giống, cây giống có năng suất vào nuôi trồng; thực hiện trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa như ngô, khoai tây...
Thấy việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất có hiệu quả, cùng sự am hiểu về đất ruộng, bà đã mạnh dạn vay 5 triệu đồng của Hội Phụ nữ xã để đầu tư thêm vào trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, bà còn đấu thầu thêm 5 sào ruộng nữa để canh tác. Từ năm 2003 đến nay, mỗi năm gia đình bà đã có thu từ 4 đến 4,5 tấn thóc, 1,3 đến 1,5 tấn lợn hơi, 1,2 đến 1,5 tấn ngô và 300 đến 400 kg gia cầm, thủy cầm... Tính ra tiền mặt, bà Thư có tổng thu khoảng 45 đến 50 triệu đồng/năm, trừ các khoản chi phí cũng lãi khoảng 25 đến 30 triệu đồng/năm. Nhờ đó bà đã trả được hết nợ, làm được nhà, mua thêm đồi rừng, sắm được nhiều đồ sinh hoạt đắt tiền như xe máy, ti vi...
Khi trao đổi với chúng tôi, bà nói: “Năm nào gia đình cũng trồng cây vụ đông nhiều nhất bản. Loại cây vụ đông nào cũng cho năng suất cao, như ngô đạt từ 270 đến 300 kg/sào, khoai tây 400 đến 500 kg/sào... Có được như vậy là do làm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật. Cũng từ đây gia đình tôi hàng năm đến vụ lúa, vụ ngô là nơi để nhân dân trong xã tham quan học tập”. Nhờ đó mà phong trào trồng cây vụ đông của xã đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó người dân đã dần thay đổi cây trồng vật nuôi và cuộc sống người dân nơi đây đang đổi thay đáng kể.
Như vậy việc áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất là rất cần thiết đối với mọi người dân, nó sẽ góp phần giúp nhà nông thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ngô Đăng Sỹ
Các tin khác

“Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống xã hội của nhân dân, không để nơi nào thiếu đời sống văn hóa”, người cán bộ văn hóa cơ sở phải biết khơi dậy niềm đam mê từ mỗi hạt nhân từ cơ sở, thắp lên tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần lưu giữ, bảo tồn và phát triển các hoạt động văn hóa gắn với thực tế cuộc sống. Những người làm công tác văn hóa ở cơ sở như Đỗ Toàn Tâm -cán bộ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái chính là nhân tố đóng vai trò “đạo diễn” để tạo nên mối liên kết đặc biệt ấy.

Cô giáo trực tiếp dạy môn Sử của hai nữ sinh xuất sắc giành giải Nhì và giải Ba môn Lịch sử trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2023 để ghi dấu thành tích cho ngôi trường ngoài chuyên duy nhất có giải trong số 33 giải học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay của tỉnh Yên Bái. Đó chính là cô giáo Phạm Thị Hồng - giáo viên Trường PTTH Chu Văn An, huyện Văn Yên- người "truyền lửa" cho bao thế hệ học trò say mê và gặt hái "trái ngọt" từ môn Sử trong những năm qua.

“Tấc đất tấc vàng”, con đường Hoàng Văn Thụ đấu nối đường Phạm Văn Đồng kéo dài qua tổ 12, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên sẽ vẫn mãi nhỏ hẹp nếu không có sự đồng thuận hiến đất của người dân. Trong đó, có vai trò quan trọng của các cựu chiến binh (CCB) hiến kế, hiến công, hiến của, hiến đất. Đặc biệt, trong số đó có CCB Nguyễn Công Luân, hội viên Chi hội CCB tổ 12, thị trấn Yên Thế, năm nay đã 93 tuổi.

Cách đây hơn chục năm, do quy trình canh tác không bảo đảm an toàn, nên sản phẩm chè tươi, khô của người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình tiêu thụ chậm, giá thấp, nhiều hộ chặt bỏ chè trồng các loại cây ăn quả có múi, khiến diện tích chè sụt giảm nghiêm trọng.