Vườn quả ngọt dưới chân núi Thắm
- Cập nhật: Thứ ba, 13/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm thanh bình và thơ mộng dưới chân núi Thắm, vườn quả của gia đình ông Nguyễn Ngọc Việt nổi tiếng đẹp và cho hiệu quả kinh tế cao ở đất Thượng Bằng La. Đây được xem như một trong những trang trại trồng cây ăn quả lý tưởng của huyện Văn Chấn (Yên Bái).
|
Bỏ phố lên rừng và giã từ chốn thương trường khắc nghiệt mà gia đình ông đã phải đánh đổi bằng cả gia sản bạc tỷ, ông Việt lên đất Thượng Bằng La này lập trang trại vườn rừng không ngoài mong muốn tạo dựng lại cơ nghiệp. Điều ông trăn trở hơn thế là làm sao giúp cậu con trai lớn có một môi trường lao động lành mạnh để rứt bỏ hẳn đám bạn xấu, tránh xa các tệ nan xã hội. Chúng tôi trở lại đất Thượng thăm ông đúng vào ngày gia đình ông kỷ niệm tròn 9 năm lập nghiệp ở quê mới. Bên mâm cơm kính dâng lên tiên tổ với những sản vật do chính tay vợ con nuôi trồng, ông Việt không giấu nổi niềm vui. Ông bảo: “Nghề làm vườn quả có lắm vất vả nhưng nó làm thư thái tâm hồn. Say rồi mới thấy đây đúng là thú của người làm vườn”. Rồi ông kể, trước kia, vườn trái đẹp như mộng này chỉ là một khu vườn tạp bỏ hoang với vài chục gốc cam còi cọc. Chăm bón dần, thấy cây cam cho trái ngọt và rất sai, ông thích rồi say mê với cái nghề làm vườn. Giờ thì trang trại của ông đã có trên 4 ha cây ăn quả đang độ cho thu gồm cam sành, cam sen và cam đường canh. Trên chục ha đồi rừng còn lại ông đầu tư trồng quế và cây nguyên liệu giấy. Khởi đầu cho phong trào trồng cây ăn quả ở địa phương, hiện nay nhiều gia đình người Tày, người Thái ở thôn Thắm học tập ông Việt đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, quy hoạch mở rộng diện tích trồng cây ăn quả có múi.
Vụ cam năm 2006, gia đình ông Việt thu tới gần 150 triệu đồng.
9 năm gắn bó với trang trại vườn quả cũng là chừng ấy năm ông Việt đúc rút cho mình được nhiều kinh nghiệm quý từ những người làm vườn giỏi trong và ngoài vùng. Theo kinh nghiệm của ông và của những người làm vườn lâu năm ở Văn Chấn, thường thì những dải đất nằm dưới chân núi đá vôi rất phù hợp trồng cây ăn quả có múi, bởi khí hậu mát, độ phì và đổ ẩm của đất cao, tiết kiệm được công đầu tư, tưới tắm. Vốn là một kỹ sư xây dựng, nhưng gần như cả cuộc đời lao tâm khổ tứ ông Việt không giữ lại được gì cho mình. Những năm tháng cuối đời ông đến với nghề làm vườn như người có chút duyên nợ với điền viên cây trái. Trong ngôi nhà sàn đơn sơ hay gọi đúng hơn là chiếc tròi trông coi vườn quả, ông Việt kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày gian nan đánh gốc bốc trà, niềm vui thành công sau mỗi mùa thu trái và cả những suy tư trăn trở khi giá cả bấp bênh.
Được biết, năm 2006, chỉ với 1/3 số cây trong vườn cho thu gia đình ông đã thu về gần 150 triệu đồng. Ông Việt cho hay, một hai năm tới khi cả trên 2000 gốc cam, quýt cho trái thì thu nhập một năm của gia đình không chỉ dừng lại ở con số 150 triệu như hiện nay mà là 250 triệu và nhiều hơn thế.
Không dừng lại ở đó, số tiền hàng năm thu từ vườn quả ông trích ra từ 20-30 triệu đồng đầu tư mở đường vào trang trại và xây rào lưới sắt bao quanh. Dự định của ông Việt và con trai sẽ mở rộng quy mô vườn quả lên khoảng 6ha, đồng thời khoanh vùng đồi rừng đầu tư nuôi chim thú. Những mong muốn và dự định của ông đã tạo được sự quan tâm của chính quyền địa phương và người dân trong vùng vì làm được điều này chẳng những sẽ tạo việc làm mới cho người dân trong vùng mà còn góp phần quan trọng vào việc gìn giữ và làm giàu cảnh quan sinh thái rừng đầu nguồn núi Thắm.
Minh Anh
Các tin khác
YBĐT - Mùa xuân này là đã gần 7 năm, thầy giáo Lường Văn Hiệu - giáo viên cắm bản của Trường PTCS xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu ăn Tết cùng đồng bào Mông ở bản Tà Lù Đằng. Thầy cho biết: năm 1997, tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Nghĩa Lộ, anh xung phong lên tận bản Chống Chùa, cách trung tâm xã Tà Xi Láng tới 6 cây số đi bộ để dạy học. Cuộc sống với bao khó khăn, thiếu thốn nhưng anh không chút nản lòng.
YBĐT - Chị Nguyễn Thị Mai, ở thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái tâm sự, năm 1986 chị về làm dâu tại xã Tuy Lộc và cuộc sống lúc bấy giờ gặp nhiều khó khăn. Nghề nông nghiệp có chịu khó đến mấy cũng mới chỉ đủ ăn.
YBĐT - Là người đi đầu trong xã phát triển kinh tế sản xuất thâm canh tăng vụ nhất là sản xuất vụ đông xuân. Từ một hộ thiếu đói đến nay gia đình bác đã vươn lên phát triển kinh tế và giúp cho nhiều hộ gia đình khác trong xã vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
YBĐT - Đã mấy chục năm rồi mà ông Phan Thế Lữ - thương binh 1/4 ở Đại Lịch (Văn Chấn) vẫn nhớ như in những ngày đông Hà Nội năm 1970, đêm không còn dài như thường lệ mà nó trôi qua nhanh quá, bạn bè chưa kịp chuyền hết tay nhau để ghi những dòng lưu bút cho bao người bạn sắp lên đường đi đánh giặc thì trời đã sáng. Nhưng đâu có cần đêm dài đối với những chàng trai cô gái tuổi hai mươi đang háo hức ra tiền tuyến. Những sinh viên xuất thân từ lao động nông nghiệp đều đảm bảo sức khoẻ để biên chế vào bộ đội phòng không không quân.