“Trưởng bản họ Lò”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/8/2023 | 1:52:11 PM

YênBái - “Trưởng bản họ Lò” là cái tên mến quý mà nhiều người dân dành cho người cán bộ Lò Văn Vy - Trưởng ban Dân vận Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thị xã Nghĩa Lộ, xuất phát từ sự gần dân, sát cơ sở, trách nhiệm của người cán bộ vừa làm công tác dân vận vừa làm công tác Mặt trận.

Đồng chí Lò Văn Vy (đứng giữa) trao đổi với người dân về việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng chí Lò Văn Vy (đứng giữa) trao đổi với người dân về việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Mỗi dịp lễ hội ở địa phương, hình ảnh "Trưởng bản họ Lò” đã thành quen thuộc trong các buổi luyện tập của người dân, từ diễu diễn đường phố, luyện tập màn nghệ thuật, cho đến múa xòe…, có khi trong vai tổng chỉ huy quân số tham gia luyện tập, có khi ở vai cố vấn nội dung, nghệ thuật. 

Trong các buổi tập luyện của bà con, người cán bộ ấy luôn có mặt từ sớm để nắm bắt cụ thể số lượng diễn viên đã phân bổ cho từng xã, phường, cơ quan, đơn vị, để rồi đôn đốc trưởng nhóm tập hợp đủ quân số tham gia tập luyện đúng giờ. 

Những lúc đầu giờ luyện tập hay khi giải lao, người cán bộ ấy lại chuyện trò thân tình để nắm bắt tâm lý các diễn viên, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn của mọi người trong quá trình tham gia tập luyện để tham mưu các giải pháp khắc phục. 

Hoạt động lễ hội lớn nhất trong năm ở Nghĩa Lộ là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Mường Lò, huy động số lượng người tham gia tập luyện rất đông, như màn nghệ thuật từ 300 - 500 người, màn diễu diễn đường phố khoảng 400 - 600 người, màn đại xòe từ 2.000 - 2.500 người. Nhiệm vụ tập luyện kéo dài 1 - 2 tháng, đều tranh thủ vào các buổi tối, ngày thứ 7, Chủ nhật; cao điểm luyện tập thường rơi vào trung tuần tháng 8 và tháng 9. Đây lại là thời điểm bà con nông dân trên địa bàn thu hoạch lúa mùa, làm vụ đông nên rất bận. 

"Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động, động viên, khuyến khích đối với bà con là rất quan trọng. Phải làm sao để người dân thấy tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, giới thiệu, quảng bá văn hóa gắn với phát triển du lịch để thúc đẩy du lịch thị xã nói chung và của chính người dân nói riêng, đồng nghĩa với việc tạo việc làm, tăng thu nhập cho chính người dân, từ đó tự giác sắp xếp công việc hợp lý, chủ động tham gia tập luyện để đạt kết quả cao” - đồng chí Lò Văn Vy chia sẻ. 

Đồng thời, Ban Dân vận Thị ủy cũng tham mưu giúp Thị ủy chỉ đạo cấp ủy các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn, các hộ gia đình ủng hộ bằng vật chất, hành động để động viên, khuyến khích các diễn viên tham gia phục vụ lễ hội. 

Khi ở vai cố vấn về nội dung, nghệ thuật trong các hoạt động văn hóa, đồng chí Lò Văn Vy đã có những tham góp ý kiến, về nội dung điệu khắp, trang phục hay việc tái hiện lại các nghi lễ dân tộc Thái, các phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt để khi trình diễn vừa mang tính nghệ thuật vừa đảm bảo đúng bản sắc văn hóa địa phương… 

Phát huy vai trò dân vận khéo góp sức giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương, trong vai Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) "Bảo tồn tri thức bản địa” thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí Lò Văn Vy đã tích cực vận động, thu hút thành viên tham gia CLB. 

CLB được thành lập từ năm 2007, đến nay hoạt động thường xuyên, hiệu quả; tập hợp, đoàn kết các nghệ nhân; người nắm giữ, am hiểu; người nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân tộc tự nguyện tham gia với mục tiêu bảo tồn, phát huy tri thức bản địa các dân tộc, góp phần tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ. 

Có thời điểm, số lượng thành viên lên tới hơn 100 người, trong đó lực lượng nòng cốt tham gia hoạt động thường xuyên khoảng 30 người. CLB đã góp phần đắc lực thành lập được hàng chục đội văn nghệ truyền thống; mở truyền dạy hơn 20 lớp chữ Thái cổ; tham gia xây dựng các đề tài khoa học nghệ thuật xòe Thái, hội Hạn khuống... 

Bà Lò Thị Huân - Chủ nhiệm CLB Bảo tồn tri thức bản địa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Phó Chủ nhiệm CLB Lò Văn Vy là người con dân tộc Thái, am hiểu sâu sắc văn hóa, có nhiều ý kiến tham gia quý báu trong các đề tài khoa học và đóng góp tích cực cho hoạt động của CLB, nhất là trong vận động, thu hút thành viên tham gia, cùng CLB đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc ở địa phương”.

Gần dân, sát cơ sở trong công việc là điều luôn được đồng chí Lò Văn Vy  thực hành dù là ở vai trò cán bộ dân vận hay cán bộ MTTQ. Làm nhà "Đại đoàn kết” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban MTTQ thị xã Nghĩa Lộ góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương. 

Hàng năm, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Nghĩa Lộ, đồng chí Lò Văn Vy chỉ đạo cơ sở rà soát đúng đối tượng được hỗ trợ làm nhà "Đại đoàn kết”. Đồng chí trực tiếp xuống cơ sở để nắm bắt hoàn cảnh, khả năng nguồn lực làm nhà của đối tượng được hỗ trợ để chỉ đạo các đoàn thể có phương án giúp đỡ đối với từng trường hợp cụ thể. 

Gia đình bà Lò Thị Tình, ở tổ 7, phường Cầu Thia thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Tình là mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ, đi làm thuê thời vụ mưu sinh, sống trong căn nhà tạm đã quá xuống cấp. Khi nắm bắt được hoàn cảnh của gia đình, đồng chí Lò Văn Vy đã chỉ đạo MTTQ phường và các đoàn thể có gì giúp nấy, quyết tâm làm nhà cho gia đình trong năm 2023. 

Nhờ đó, từ số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ "Vì người nghèo” của Ủy ban Trung ương MTTQ kết hợp với sự giúp đỡ, ủng hộ vật chất, ngày công xây dựng của cấp ủy, chính quyền, Ban Công tác Mặt trận tổ 7, phường Cầu Thia và anh em họ hàng, láng giềng, căn nhà được hoàn thành với tổng trị giá 105 triệu đồng. 

Bà Lò Thị Tình chia sẻ: "Chỉ biết cảm ơn các cán bộ MTTQ đã hỗ trợ và vận động bà con giúp gia đình tôi có được căn nhà mơ ước cả đời!”. 

Từ năm 2020 đến nay, Ủy ban MTTQ thị xã Nghĩa Lộ đã làm164 nhà "Đại đoàn kết” với tổng kinh phí trên 3,9 tỷ đồng. 

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: "Dân vận kém thì việc gì cũng kém; dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, để góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của thị xã, hàng năm, đồng chí Lò Văn Vy cùng tập thể Ban Dân vận Thị ủy tham mưu giúp Thị ủy Nghĩa Lộ ban hành kế hoạch, công văn chỉ đạo việc đẩy mạnh Phong trào "Dân vận khéo”, xây dựng và nhân rộng các mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ của thị xã; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận khéo, trong đó MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng và là những đơn vị trực tiếp triển khai sâu rộng, xây dựng mô hình trong hội viên, đoàn viên và nhân dân tại các khu dân cư. 

Năm 2022, thị xã Nghĩa Lộ có 192 mô hình được bình xét đạt mô hình "Dân vận khéo” trong tổng số 248 mô hình "Dân vận khéo” đăng ký xây dựng trong năm, trong đó có trên 100 mô hình do MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thị xã triển khai thực hiện. Năm 2023, thị xã đăng ký xây dựng 267 mô hình, trong đó có gần 200 mô hình do MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp triển khai thực hiện. Các mô hình được triển khai thực hiện phong phú trên đủ các lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.

Trong nhiều năm qua, đồng chí Lò Văn Vy liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được nhận bằng khen của UBND tỉnh và của Ủy ban MTTQ tỉnh. Nhưng có lẽ niềm vui, động lực lớn nhất với người cán bộ đó là "chức” "Trưởng bản họ Lò” theo cách nhiều người dân đã gọi, như một sự thành công không đong đếm được bằng các danh hiệu hay bằng khen trong công tác của một người cán bộ dân vận dân tộc Thái.

 Thu Hạnh

Tags Lò Văn Vy dân vận mặt trận Tổ quốc thị xã Nghĩa Lộ

Các tin khác
Ông Phan Như Dũng (bên phải) giới thiệu rừng quế hơn 30 năm tuổi của gia đình.

Với tâm niệm còn sức khỏe là còn lao động, ông Phan Như Dũng - Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi (NCT) xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên đã không ngừng nỗ lực, gương mẫu đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Cô giáo Lê Thị Phương Hiền nhận bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh.

Không chỉ năng nổ, nhiệt huyết trong hoạt động công đoàn, cô giáo Lê Thị Phương Hiền - Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Yên Bình còn là một giáo viên luôn hết lòng vì học sinh.

Ông Ngô Thanh Hổ chăm sóc đồi quế của gia đình.

Gia đình ông Ngô Thanh Hổ ở thôn 1 Thuồng là một trong những hộ đi đầu phát triển kinh tế trang trại ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.

Bác sĩ Phạm Duy Thành kiểm tra sức khỏe bệnh nhi.

“Hạnh phúc của tôi là giây phút được đón những thiên thần nhỏ cất tiếng khóc chào đời và nụ cười tươi trên khuôn mặt những người mẹ hiền sau hành trình vượt cạn thành công”, đó là lời tâm sự của bác sĩ Chuyên khoa I Phạm Duy Thành - Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Phụ sản, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục