Gặp Tâm khi cô vừa kết thúc chuyến công tác ở cơ sở về. Dù vẫn còn mệt nhưng khi hỏi về hành trình vừa diễn ra, Tâm lại say sưa "nhập cuộc": "Nhiệm vụ của chúng tôi - những hướng dẫn viên văn hóa cơ sở khi đến các lớp tập huấn hay về cơ sở là trao đổi với các học viên là các nghệ nhân, hạt nhân văn hóa ở thôn, bản những kiến thức, kỹ năng cơ bản về thanh nhạc, múa, phương pháp tổ chức, xây dựng, dàn dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng tại cơ sở, kỹ năng biên tập lời giới thiệu, dẫn chương trình nghệ thuật quần chúng".
Tại đó, chúng tôi chú trọng hướng dẫn các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ cách nhả chữ, giữ hơi, lấy giọng, bắt nhịp các ca khúc. Với các tiết mục múa, các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng … thì cố gắng khai thác, khơi gợi cảm xúc và các yếu tố bản địa, phù hợp với sinh hoạt văn hóa của các dân tộc sinh sống tại địa phương".
"Do vậy, sau mỗi lần tập huấn, các học viên văn hóa ở cơ sở đều phát huy tốt vai trò của mình, họ có thể tự tin biểu diễn trước đám đông, chủ động hướng dẫn cộng đồng nơi sinh sống những lời ca, tiếng hát của đồng bào mình. Ở mỗi dịp lễ, tết, ngày hội ở cơ sở, chính học viên đó trở thành hạt nhân tiêu biểu, nòng cốt văn hóa ở địa phương đứng ra tập hợp, tổ chức các hoạt động văn hóa. Điều đó khiến cho những người làm công tác văn hóa cơ sở chúng tôi rất vui, tự hào và muốn được cống hiến nhiều hơn nữa” – Tâm chia sẻ.
Quen biết Tâm từ khi còn ngồi chung trên ghế nhà trường. Mới tuổi trăng tròn, Tâm đã đam mê ca nhạc. Những năm 90, đời sống kinh tế khó khăn, sống trong hoàn cảnh bố mất sớm, mình mẹ nuôi 3 anh em nên Tâm thiệt thòi hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Hàng ngày, sáng đi bộ đến trường, chiều Tâm trốn mẹ đến Nhà văn hóa tỉnh xem các cô, bác, anh chị tập văn nghệ.
Ngày qua ngày, từ cô bé nhút nhát lấy lý do đến xem đàn hát, rồi ai nhờ việc gì làm việc lấy, dần dần quen thân hơn Tâm xin hát thử… Mỗi lần trường lớp có dịp tổ chức văn nghệ hay Nhà văn hóa tổ chức hoạt động văn hóa quần chúng, Tâm đều xin tham gia. Ban đầu, giọng hát còn non và yếu, nhiều nốt nhạc bị chênh, phô nhưng Tâm rất chú ý lắng nghe mọi sự góp ý. Dần dần cô bé khẳng định được bản thân và xuất hiện nhiều trên các sân khấu âm nhạc lớn của trường, thành phố và tỉnh. Thấy vậy, mẹ cũng không còn cấm cản Tâm đến với con đường âm nhạc nữa.
Kết thúc 3 năm học phổ thông, Tâm thi đỗ vào Khoa Thanh nhạc, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, nay là Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Nhờ chăm chỉ học hành, thầy cô yêu quý, ra trường với tấm bằng loại ưu, Tâm được nhận vào làm việc tại Nhà Văn hóa tỉnh Yên Bái.
Phát huy năng lực cùng với kỹ năng thanh nhạc được đào tạo cơ bản (so với các cô chú đồng nghiệp khi ấy), Tâm luôn làm việc với tinh thần nhiệt huyết và trách nhiệm. Được phân công ở nhiệm vụ nào, cô cũng hoàn thành với bầu máu nóng luôn dâng đầy.
"Từ khi vào nghề, tôi đã tiếp xúc hàng chục ngàn người, đi hầu khắp các thôn bản trong tỉnh, mỗi lần đi công tác đều để lại những kỷ niệm đáng nhớ khó quên. Lớp tập huấn văn hóa cơ sở ở Văn Yên tổ chức trung tuần tháng 9/2023 là một ví dụ. Tham gia lớp có hơn 100 học viên đến từ 20 xã, thị trấn của huyện. Điều đặc biệt là lớp tập huấn rất đa dạng lứa tuổi, người cao nhất hơn 70 tuổi, người nhỏ nhất là cháu bé mới 12 tuổi. Họ đến đây phần vì yêu văn hóa dân tộc mình, phần vì nghe có cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh về truyền dạy.
Tôi nhớ có cậu bé Hoàng Ngọc Tư, 12 tuổi, dân tộc Dao, xã Đại Sơn, hiện đang là học sinh Trường TH&THCS xã Đại Sơn nhưng ngày nào cũng đến lớp tập huấn. Tư say sưa nghe bài, học hát, đánh đàn, tối cũng không về mà đòi ăn, ở cùng chúng tôi. Khi tôi hỏi mẹ cháu sao không cho con đến trường học như các bạn mà lại đến đây học nhạc với người lớn thì mẹ Tư bảo cháu chỉ đam mê ca hát, đàn, nhạc nên đòi đến đây bằng được… Tư cũng là một hiện tượng yêu nghệ thuật khi tuổi còn rất trẻ mà tôi gặp” – Tâm chia sẻ.
Quang cảnh một lớp bồi dưỡng văn hóa ở cơ sở do chị Tâm và các đồng nghiệp tổ chức thu hút nhiều học viên tham gia.
Dưới sự hướng dẫn, truyền đạt kiến thức của Tâm, trong các hội thi nghệ thuật quần chúng, các nhân tố văn nghệ ở cơ sở đã dần xuất hiện và trưởng thành rõ rệt. Nhiều nghệ sĩ đã có tên trên "bản đồ” văn nghệ quần chúng tỉnh Yên Bái như nghệ sỹ Hoàng Tương Lai, dân tộc Tày, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình; nghệ nhân Mai Hồng Chắn, dân tộc Tày, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên; nghệ nhân Hoàng Hữu Định, dân tộc Dao, xã Yên Thành, huyện Yên Bình; nghệ nhân Đặng Nho Vượng, dân tộc Dao, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên; nghệ nhân Đặng Thị Thanh, dân tộc Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên…
"Điều tuyệt vời nhất trong hành trình xây dựng văn hóa cơ sở chính là được nhìn thấy những học viên của mình trưởng thành, trở thành hạt nhân tiêu biểu có mặt ở các sân chơi văn hóa lớn. Tôi xem đó là động lực để phấn đấu, cố gắng trong sự nghiệp của mình” –Tâm chia sẻ.
Nhờ những nỗ lực trong quá trình công tác, chị Đỗ Toàn Tâm đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, ngành văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Bà Đỗ Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái nhận xét: "Để phát huy tối đa nội lực văn hóa nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thời kỳ hội nhập thì rất cần có những con người năng động, nhiệt huyết, say mê như chị Đỗ Toàn Tâm và đội ngũ những người làm công tác văn hóa cơ sở.
Giờ về các địa phương dù ở thôn, bản hay xã, phường nơi nào cũng có đội văn nghệ quần chúng, họ có thể tự biên tự diễn, xây dựng riêng cho mình một chương trình văn hóa phù hợp với bản sắc dân tộc mình, địa phương mình. Qua đó, chúng tôi cũng phát hiện, tìm kiếm được rất nhiều tài năng, những nghệ nhân yêu văn hóa, văn nghệ biết gìn giữ nét truyền thống của dân tộc mình.
Do vậy tại mỗi hội diễn nghệ thuật quần chúng do Cục Văn hóa phát động tổ chức, nhiều nghệ nhân văn hóa của tỉnh Yên Bái đã để lại tiếng vang trong hội diễn và mang về cho tỉnh nhà nhiều tấm huy chương quý giá”.
Thủy Thanh