Người nuôi khát vọng làm giàu từ đất
- Cập nhật: Thứ năm, 31/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Anh cán bộ khuyến nông huyện Yên Bình luôn miệng kể về người chủ trang trại tài giỏi mà anh rất khâm phục khi đưa chúng tôi tới thăm mô hình làm kinh tế vườn rừng của gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Bỗng, xã Vĩnh Kiên huyện Yên Bình (Yên Bái). Đây là một trong số không nhiều mô hình kinh tế tổng hợp được đánh giá là hiệu quả cao và bền vững ở Vĩnh Kiên với mức thu nhập trung bình hàng năm (trừ chi phí) đạt trên dưới 60 triệu đồng.
Vườn chè xem cây ăn quả này mỗi năm chu thu trên 20 triệu đồng.
|
Tiếp chúng tôi trong chiếc lán trông coi trang trại với đầy đủ tiện nghi, bao quanh là mầu xanh bạt ngàn của chè cùng hàng nghìn cây ăn quả và rừng keo trên 4ha đang vào độ khép tán. Anh Hiếu bắt đầu câu chuyện bằng những chuỗi ngày gian khó đánh gốc bốc trà gây dựng cơ nghiệp trên vùng đồi đất cằn cỗi này. Bươn chải với đủ nghề, hết đi làm thuê kiếm đồng tiền “tươi” rồi lại về làm mộc tại gia nhưng cuộc sống của gia đình vẫn không thể khá. Sẵn đồi rừng cha mẹ để lại, anh tạm rời phố sá, đưa vợ con vào rừng ở lán quyết tâm thực hiện ước mơ và nuôi khát vọng làm giàu từ đất. Anh tâm sự, đồi đất ở đây căn cỗi, nếu không đầu tư chăm bón thì khó mà cho đồng tiền. Những ngày đầu khai phá đất trồng chè, vợ chồng anh phải dùng xà beng thay cuốc lách đá sỏi để tra hạt giống.
Là người có đầu óc làm kinh tế, anh Hiếu quy hoạch phân khu trồng trọt và chăn nuôi. Diện tích đất trên cao anh thuê người trồng rừng kinh tế; thấp hơn anh đầu tư trồng chè xem canh cây ăn quả; diện tích đất chân đồi gần lòng khe trồng cây ăn quả có múi như: chanh, quất, bưởi Đại Minh... Xác định đã trồng cấy là phải chăn nuôi, anh Hiếu không tiếc tiền mua sách hướng dẫn kỹ thuật, xuôi ngược học tập kinh nghiệm thực tế từ những mô hình chăn nuôi hiệu quả. Do làm chủ được kỹ thuật nên công việc chăn nuôi (chủ yếu là lợn và gà) của gia đình anh rất thành công. Anh Hiếu cho hay, với quy mô chuồng trại hiện có, trung bình một lứa lợn nuôi 70-90 con, cao điểm lên tới trên 100 con, mỗi năm anh xuất bán khoảng 15 tấn lợn thịt. Để chủ động con giống phục vụ nhu cầu nuôi của gia đình và bà con trong vùng, anh Hiếu còn đầu tư nuôi 6 lợn nái, đồng thời xây dựng trang trại nuôi gà thả vườn mỗi năm cũng cho thu gần chục triệu đồng.
Anh Hiếu đầu tư gần 10 triệu đồng xây bể biôga.
5 năm gây dựng cơ đồ, giờ thì cuộc sống của gia đình anh Hiếu đã có phần khá hơn khi một số nông sản của trang trại đã cho thu. Ngoài 1 ha chè mỗi năm đem về cho gia đình khoản thu 20 triệu đồng và những khoản thu đáng kể từ chăn nuôi, 2 ha cây ăn quả các loại bước vào thời kỳ cho thu hoạch gồm: 500 gốc xoài; 500 gốc chanh, quất tứ thời; 150 gốc bưởi Đại Minh và hàng trăm gốc ổi bo, vải... cũng đem về cho gia đình anh vài chục triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, số vốn mà anh bỏ ra đầu tư cơ sở vật chất cho trang trại cũng không phải là nhỏ. Chỉ riêng mở đường đi, đầu từ lưới điện vào trang trại và xây dựng chuồng trại vốn bỏ ra đã lên tới 70 triệu đồng. Mới đây, anh tiếp tục đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy bơm tưới nước, xây bể biôga và mở đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi phục vụ bà con quanh vùng.
Theo anh Hiếu, làm trang trại để thàng công ngoài yếu tố về vốn thì điều quan trọng là phải nắm bắt chắc khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thị trường tiêu thụ. Có như vậy mới làm chủ được mùa vụ, năng suất và giá trị hàng hoá. Điều mà anh Hiếu và nhiều chủ trang trại trong vùng băn khoăn đó là các sản phẩm của trang trại hiện nay vẫn chịu sự ép giá của tư thương, bấp bênh và phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do nên giá trị hàng hoá không cao.
Nuôi khát vọng làm giàu từ đất, anh Nguyễn Văn Hiếu đang ấp ủ trong mình những dự định mở rộng quy mô phát triển trang trại, dự tính trong một hai năm tới nâng tổng mức thu nhập của gia đình lên 70-80 triệu đồng/năm.
Minh Thuý
Các tin khác
YBĐT - Ngôi nhà nhỏ của nghệ sỹ Lương Khành Nguyệt nằm sâu trong con ngõ nhỏ thuộc tổ 7, phường Yên Thịnh (thành Phố Yên Bái) ngập tràn hoa cảnh. Đã bươc sang tuổi 65 nhưng dương như sự trẻ trung yêu đời trong tâm hồn người nghệ sỹ khiến gương mặt bà trẻ hơn nhiều so với tuổi tác thật. Đã có một thời, tiếng hát của ca sỹ Lương Khánh Nguyệt từng ngân vang trên các chiến trường, là niềm cổ vũ, động viên khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Và tiếng hát ấy bao năm là niềm tự hào của Đoàn văn công tỉnh Lào Cai và Yên Bái.
YBĐT - Anh Đào Văn Cường ở thôn 8 xã Hòa Xuông (Trấn Yên). Anh cho biết, năm 1994, tài sản để gia đình anh mưu sinh duy nhất chỉ là chiếc xe kéo cùng với một con trâu. Trong thôn xã có việc gì cần thuê, không kể nắng, mưa anh đều làm hết. Tiếp đó, anh làm thêm các nghề khác như: Đậu phụ, nuôi lợn thịt, lợn nái, đi thu mua gỗ rừng trồng theo các lái buôn bốc vác thuê về các tỉnh Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh... Nhờ vậy, thu nhập cũng dần được cải thiện, song chi phí cho cuộc sống sinh hoạt cũng chẳng thấm là bao.
YBĐT - Đó là cô giáo Lê Bích Lan, hiện đang giảng dạy tại Trường Trung học Y tế tỉnh Yên Bái. Sinh ra và lớn lên tại Cốc Lếu, tỉnh Lào Cai, tốt nghiệp THPT năm 1978, cô nộp hồ sơ xin thi vào Trường Trung học Y tế tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Trường Trung học Y tế tỉnh Yên Bái).
YBĐT - Ở tổ dân phố 8 - thị trấn Yên Thế (Lục Yên) có anh Phạm Văn Nguyên, 29 tuổi được coi như một tấm gương thanh niên trẻ có ý chí và nghị lực, biết vượt qua khó khăn, tự lập trong cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, bằng chính bàn tay, khối óc của mình. Anh Nguyên hiện đang là chủ của một cơ sở sản xuất và kinh doanh đồ sắt.