Giàng Lùa Tủa Người Đảng viên cao tuổi gương mẫu

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/6/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã 60 tuổi, bác Giàng Lùa Tủa có nhiều năm công tác ở xã Zế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải. Trong công tác cũng như về với đời thường, bác luôn là tấm gương sáng cho con cháu và mỗi cán bộ đảng viên, công chức cũng như bà con ở đây noi theo.

Đến bản Zế Xu Phình, xã Zế Xu Phình thăm bác vào một buổi chiều vì đã hẹn trước, nên khi tôi vừa đến đầu bản đã thấy bác ra ngõ đón. Vẫn con người ấy, nhưng ở tuổi 60 bác vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn và gần gũi như ngày còn công tác ở xã. Biết tôi muốn tìm hiểu về bác để viết gương người tốt việc tốt trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", nhấp chén nước chè xanh pha đặc, bác chậm rãi: “Mình đi công tác bao năm ở xã, Đảng và Nhà nước cho mình nhiều... chứ mình đã làm được gì để đền đáp công ơn của Đảng, Nhà nước và cho bà con mình đâu!”.

Sau nhiều năm công tác ở xã, năm 1993 bác được cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ xã. Với cương vị và trọng trách mới, bác vẫn luôn tận tuỵ với nhiệm vụ chung, phát huy tinh thần, bản chất cao đẹp của người đảng viên. Về hưu năm 2005, được tổ chức, nhân dân bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở xã, bác vẫn luôn bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình, thông qua các cuộc họp thôn bản để tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

Xã Zế Xu Phình có 100% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Muốn vận động được bà con, bác xác định trước hết mình phải gương mẫu đi đầu trong các phong trào, nhất là phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Bằng hành động của bản thân và các thành viên trong gia đình, kết quả đã không ngoài mong muốn, gia đình bác nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hoá cấp xã, cấp huyện. Tìm tòi sáng tạo trong phát triển kinh tế, bên cạnh diện tích ruộng hàng năm cho thu hoạch từ 4 – 5 tấn lúa, bác cùng các thành viên trong gia đình khai hoang trồng thêm 1 ha cây thảo quả, 1 ha chè Shan, nhận trồng mới và khoanh nuôi tái sinh 4 ha rừng phòng hộ. Ngoài ra gia đình bác còn chăn nuôi thêm các loại gia súc, gia cầm như: lợn, gà, vịt, đào ao thả cá, trồng rau xanh để phục vụ nhu cầu hàng ngày và nuôi thêm 1 con trâu để cày bừa.

 Mặc dù chưa phải là khá giả so với miền xuôi, nhưng bằng chính bàn tay, khối óc của mình, gia đình bác đã có được nguồn thu nhập ổn định hàng năm mua sắm được nhiều tiện nghi ti vi, xe máy, máy xay xát... và nhiều phương tiện khác phục vụ cho cuộc sống. Không chỉ lo cho bản thân, bác thường xuyên hướng dẫn cho nhiều hộ người Mông về phương thức sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, bác cùng cấp uỷ, chính quyền xã đưa ra nhiều giải pháp nhằm làm trong sạch địa bàn, nhất là vận động bà con tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” mới, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Cuối năm 2006, xã Dế Xu Phình được UBND huyện Mù Cang Chải lựa chọn là xã đầu tiên ra mắt xây dựng xã văn hoá giai đoạn 2006 – 2010. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của bác Giàng Lùa Tủa, người cán bộ, đảng viên gương mẫu.

Tôi thầm nghĩ: nếu như ở một huyện vùng cao, đời sống của bà con còn nghèo như Mù Cang Chải, mô hình văn hoá tiêu biểu như bác Tủa mà được nhân rộng ra toàn huyện, thì cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” chẳng mấy mà thành công.

Đào Minh

Các tin khác
Ông Bùi Văn Địch giới thiệu với khách thăm quan về cách chăm sóc vải thiều. (Ảnh: Nguyễn Sơn)

YBĐT - Đến thôn 3 Lương Thịnh, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, ai cũng biết đến vườn cây ăn quả đạt hiệu quả kinh tế cao của ông Bùi Văn Địch.

“Làm kinh tế vất vả và khó khăn lắm! Cuộc sống bây giờ không đơn giản như những ngày trước! Để kinh tế gia đình dư dật phải bươn trải lặn lội rất nhiều!”. Đó là câu nói của anh Nguyễn Minh Cách, thôn Khe Chè, xã Y Can khi chúng tôi đến thăm gia đình anh - một trong những hội viên làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh huyện Trấn Yên.

Trong tiềm thức của tôi, Anh hùng Đặng Văn Khoan là người vui tính và yêu trẻ. Vào những năm 1977, 1978 - khi tôi được 5-6 tuổi, mỗi lần đến nhà tôi chơi, chú Khoan thường cho tôi đội chiếc mũ cối có gắn huy hiệu công an. Thật tiếc, qua thời gian, tấm ảnh chú Khoan chụp cùng tôi đã bị thất lạc...

Ông Bùi Đức Thịnh ủng hộ Trường Tiểu học Lý Tự Trọng bộ máy vi tính trị giá 7.800.000 đồng.

YBĐT - Nói đến ông Bùi Đức Thịnh ở tổ 2, khu phố Bách Lẫm, phường Yên Ninh, nhiều người dân, nhất là các bậc phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng đều có chung nhận xét: đó là một người hết lòng vì trẻ thơ. Còn tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Lý Tự Trọng luôn ghi nhận và trân trọng những đóng góp tích cực của ông trong sự phát triển của Trường và tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ, sự cộng đồng trách nhiệm của Hội phụ huynh học sinh trong giáo dục, chăm sóc trẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục